Phú Thọ phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
Đặc sản bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ (Ảnh: Internet)

Phú Thọ được biết đến là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Bưởi Đoan Hùng, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, chè Bát tiên, thịt chua Thanh Sơn, tương làng Bợ…

Để cạnh tranh được với các sản phẩm hàng hóa cùng chủng loại trên thị trường, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. 

Hiện nay, qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế, thuộc 6 nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, vải và may mặc, dịch vụ nông thôn.

Trong 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của tỉnh, có 21 sản phẩm được lựa chọn dự kiến để tiêu chuẩn hóa nhằm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm gồm Bưởi đặc sản Đoan Hùng, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, mỳ gạo Hùng Lô, bánh tai, rau an toàn Tứ Xã, tương Dục Mỹ, khoai tầng vàng, chuối phấn vàng, chè xanh Phú Thọ, dịch vụ du lịch cộng đồng Xuân Sơn…

Trong 21 sản phẩm đó thì có 9 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận năm 2019. Bên cạnh đó, công tác xác lập quyền sở hữu đối với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề có giá trị của tỉnh, nhất là sản phẩm hàng hóa truyền thống và nông sản thế mạnh cũng được chú trọng.

Hiện toàn tỉnh có trên 20 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.

Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung – sản vật truyền thống của người Mường ở huyện Yên Lập và là 1 trong 9 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh đang được nhiều người tiêu dùng tìm mua bởi hương vị đặc biệt. Xã Mỹ Lung có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó có trên 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy.

Năm 2018, diện tích lúa nếp Gà gáy đạt trên 70ha. Với mức giá bán 45.000 – 50.000 đồng/kg thành phẩm như hiện nay thì sản phẩm gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đã tăng gấp 3 – 4 lần so với các loại gạo khác.

Theo ông Khúc Ngọc Tung – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung: Những năm gần đây, với ý thức giữ gìn nguồn gen giống lúa quý và thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà gáy được thị trường ưa chuộng, ngày càng có nhiều hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, Phú Thọ còn nổi tiếng với thương hiệu bưởi Đoan Hùng, đây là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2006, đến năm 2015 bưởi Đoan Hùng còn được công nhận là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Để duy trì, bảo vệ, phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng cũng như nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, năm 2017 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc lên bưởi đặc sản Đoan Hùng.

Từ khi được dán tem, nhãn, giá trị sản phẩm bưởi Đoan Hùng đã tăng từ 25 – 30%, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng trồng bưởi.

Vùng đất cổ Thanh Sơn còn được biết đến với văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú đó là thịt chua Thanh Sơn. Đây là món ăn đặc sản của người Mường được chế biến từ hai thành phần chủ yếu là thịt lợn và thính rang xay mịn.

Cùng với những nguyên liệu, các loại gia vị và cách thức chế biến độc đáo mà thịt chua Thanh Sơn có một hương vị đặc trưng riêng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Sơn có gần 30 cơ sở sản xuất thịt chua. Trong đó, sản phẩm thịt chua của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Foods là thương hiệu được biết đến rộng rãi. Mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường từ 1.000 – 2.000 hộp thịt chua.

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi cần thiết, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Ông Trần Tú Anh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để tiếp tục phát triển một số mặt hàng nông sản đặc trưng và có giá trị cao, tỉnh đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất, chế biến tập trung.

Huy động các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cuộc với nông dân và doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ sản xuất, lai tạo giống, thâm canh, bảo quản, chế biến đến hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu để từ đó tạo đột phá về năng suất, chất lượng của các mặt hàng nông sản và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân có các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Cùng với xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích cho những mặt hàng nông sản thế mạnh, các cấp, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản xuất và thương mại sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hỗ trợ tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa đặc thù có lợi thế của tỉnh như chè, cây ăn quả có múi và các sản phẩm từ thủy sản;

Duy trì, phát triển bền vững những thương hiệu đã có để khẳng định vị thế trên thị trường trong phát triển nông sản, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ