Phép thử từ quảng cáo video ca nhạc
Ảnh minh họa

MV (Music Video) quảng cáo mới ra mắt của Tập đoàn Hòa Phát hợp tác cùng một ca sĩ nhạc trẻ khiến nhiều người đặt dấu hỏi bởi hình thức tiếp thị này thông thường chỉ được doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng, dịch vụ, du lịch… tận dụng, còn với doanh nghiệp B2B (giao dịch chủ yếu với doanh nghiệp khác hoặc nhà bán buôn) lại rất xa lạ.

“Chưa rõ tệp khách hàng mà MV quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất thép muốn hướng tới là ai? MV dường như không tìm được điểm gặp gỡ với tệp khách hàng? Liệu có phải đơn thuần doanh nghiệp chỉ muốn phủ rộng độ nhận diện thương hiệu?”

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trên những trang mạng về truyền thông, marketing xung quanh MV nói trên.

Theo tìm hiểu của người viết, khoảng 1-2 năm qua, thị trường chứng kiến khá nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực làm MV quảng cáo thay cho hình thức truyền thống với mức đầu tư không hề nhỏ.

Đình đám nhất có thể kể tới Tiki với dự án “Đi cùng sao Việt” được khởi động từ năm ngoái, hỗ trợ đến 100 MV ca nhạc của ca sĩ trẻ nhằm quảng cáo cho các hoạt động của sàn thương mại điện tử này.

Các thương hiệu khác như: Lazada, VinFast, Knorr, Bitis, Baemin… cũng không nằm ngoài cuộc chơi.

Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cho rằng, việc phổ biến rộng rãi thông tin đến số lượng fan (người hâm mộ) sẵn có của ca sĩ thông qua MV ca nhạc phù hợp có thể đem lại hiệu quả tác động lớn, đặc biệt là khi fan của ca sĩ có chung đặc điểm với đối tượng khách hàng mục tiêu của DN.

“Phần lớn MV không chỉ hướng tới quảng bá sản phẩm mà hướng tới thương hiệu, do vậy dễ hiểu vì sao có những MV dường như không “gặp” được nhóm khách hàng trực tiếp. Đây là con đường tiếp thị nhanh chóng giúp hình ảnh và thông điệp của doanh nghiệp lan tỏa nhanh khi những hình thức marketing cũ đã trở thành lối mòn, không dễ tạo được tiếng vang nữa”, chuyên gia Lại Tiến Mạnh nhận xét.

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng đánh giá các MV giữa nghệ sĩ và nhãn hàng trong thời gian qua đều tạo được nhận thức tốt lên người dùng, cũng như tạo được sự gắn kết của thương hiệu đối với khách hàng.

“Khi thương hiệu tạo được nhận thức và có được sự gắn kết khách hàng thì doanh thu từ đó cũng tăng theo. Đó là lý do rất nhiều thương hiệu đang chọn cách tiếp thị này”, ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Tùng cũng cho rằng các MV cần đánh trúng vào tệp khách hàng muốn hướng tới thông qua việc lựa chọn người nổi tiếng và thiết kế nội dung phù hợp.

Nếu lựa chọn sai, có thể phản tác dụng. Phải có sự tương thích giữa ngôi sao và thương hiệu. Ví dụ, hãng xe Buick từng thất bại khi thuê tay golf số 1 thế giới là Tiger Woods quảng cáo cho xe của mình vì hình ảnh không tương thích. Thêm một điều nữa là các dòng sản phẩm trong MV phải đồng bộ với nhau.

Chẳng hạn, MV ca sĩ Sơn Tùng quảng cáo cho xe Impes của VinFast khá ổn bởi tệp khách hàng của xe và fan của ca sĩ trùng khớp.

Tuy nhiên dòng xe bình dân này lại không phù hợp với những thương hiệu sang chảnh còn lại trong MV, ông Tùng phân tích.

Giới chuyên gia nhìn nhận đa phần các sản phẩm marketing trên nền tảng kỹ thuật số hiện nay chưa thực sự thể hiện được tính chuyên nghiệp trong chiến lược của doanh nghiệp hay nhãn hàng.

Không loại trừ khả năng bản thân doanh nghiệp, nhãn hàng cũng đang “dò đường” để thử nghiệm một hình thức tiếp thị mới trong bối cảnh các hình thức cũ gần như đã không còn hấp dẫn.

Theo người lao động

https://nld.com.vn/kinh-te/phep-thu-tu-quang-cao-video-ca-nhac-20201106211341182.htm