Thành phố Cần Thơ đã thể hiện vai trò là đầu mối thương mại của vùng ĐBSCL. Lĩnh vực thương mại phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình và có tính chất chi phối, tác động các lĩnh vực khác phát triển; kết cấu hạ tầng thương mại không ngừng được cải thiện, tăng thêm năng lực bán buôn, bán lẻ hàng hóa, nhất là cây ăn trái.
Thành phố Cần Thơ là thành phố sẽ phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái rộng 700 ha tại huyện Phong Điền, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu trong những năm tới. Vì vậy, việc chọn xã Nhơn Nghĩa với diện tích 700 ha, trong đó có gần 500 ha là vườn tạp cần phải cải tạo. Trên diện tích này, người dân đang trồng nhiều loại cây ăn trái như: dâu, nhãn, xoài, vú sữa và sầu riêng. Khi được quy hoạch thành vùng chuyên canh, sẽ có từ 1 – 2 loại cây được chọn làm chủ lực.
Phong Điền là huyện có nền kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng cao gắn kết với phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy những năm qua huyện Phong Điền đã đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu tại các xã: Giai Xuân, Trường Long, Tân Thới và Nhơn Nghĩa…Hiện tại, nông dân xã Nhơn Nghĩa đang chuyển sang trồng nhãn Ido và có thể được chọn để trồng chuyên canh trong mô hình. Hai loại cây cũng được đề xuất là vú sữa và sầu riêng.
Huyện Phong Điền được chọn có một đoạn dài 7,6 km nằm ven sông của Thành phố Cần Thơ từ Ba Láng đến Vàm Xáng thường xuyên bị sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân. Do đó, Phong Điền đã đề xuất UBND thành phố Cần Thơ bố trí vốn đầu tư tuyến đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái kết hợp giao thông nông thôn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện đánh giá cao đề án xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu cũng như tính khả thi của đề án. Theo ông Sử, nếu được thành phố đầu tư tuyến đê bao khép kín khu vực này thì sẽ bảo vệ được 700 ha vườn cây ăn trái, tiến tới trở thành vùng chuyên canh trái cây chất lượng cao với mục tiêu chính là tăng nhu nhập, cải thiện đời sống cho người dân một cách bền vững.
Lãnh đạo huyện Phong Điền cũng cho biết địa phương sẽ phối hợp với các sở ngành của thành phố để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Theo quy hoạch định hướng của Phong Điền, nếu 700 ha này trồng cây nhãn thì sẽ xác định cụ thể giống nhãn nào phù hợp với cả thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, với việc vú sữa Phong Điền đã có hướng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, UBND huyện cùng với thành phố Cần Thơ xác định giống chủ lực mang tính bền vững, tránh tình trạng người dân trồng tự phát, không theo định hướng dẫn đến thiệt hại kinh tế.
Theo đó, mô hình sẽ ứng dụng nông nghiệp 4.0 để sản xuất ra sản phẩm hữu cơ theo yêu cầu của thị trường thế giới. Thành phố sẽ xác định giống chủ lực có thị trường mang tính bền vững, tránh tình trạng trồng tự phát, không theo định hướng dẫn đến thiệt hại kinh tế.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ còn rất lớn khoảng 120.000 ha, trong đó diện tích vườn cây ăn trái có trên 17.121 ha, với sản lượng đạt trên 98.000 tấn/năm, trong đó xoài là 2.714 ha, chuối 1.387 ha, vú sữa 1.324 ha, nhãn 1.838 ha….Qua đó, việc xây dựng vùng chuyên canh là để sản xuất trái cây với số lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, với mục tiêu là phát triển kinh tế của vùng và tăng nhu nhập, cải thiện đời sống cho người dân một cách bền vững.
Quý Hoàng – Thanh Phong