Phú Thọ: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và khám chữa bệnh

Lê Phương- Trường Giang- Quốc Huy

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ hội chẩn qua hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS

Từ năm 2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là một trong những đơn vị y tế đầu tiên trên toàn quốc ứng dụng Thẻ khám bệnh thông minh trong Chương trình mỗi quốc gia một thẻ. Đây là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên ngành Y tế Phú Thọ ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ số.

Sau gần 6 năm triển khai, ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã có những bước đột phá, từng bước làm chủ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thành công trong khám, chữa bệnh, y tế dự phòng.

Qua đó, đem lại những hiệu quả thiết thực trong chẩn đoán, điều trị cho nguời bệnh, đồng thời tăng cường công tác điều hành, quản lý của các cơ sở y tế.

Hiện nay, tại bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ cần một bước đơn giản là quẹt thẻ sau khi đã đặt lịch khám qua tổng đài, với khoảng thời gian chưa đến 5 phút, người bệnh đã có thể hoàn tất tất cả các thủ tục đăng ký khám bệnh của mình.

Thẻ khám bệnh thông minh giúp việc đăng ký khám, chữa bệnh được thuận tiện hơn, giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính, bảo đảm kết quả nhanh chóng, dữ liệu người bệnhđược lưu trữ vào hệ thống y bạ điện tử.

Đến nay, tại các cơ sở y tế, hình ảnh người bệnh đăng ký thủ tục khám chữa bệnh qua chiếc thẻ nhỏ gọn này đã rất quen thuộc.

Với việc triển khai phần mềm Quản lý bệnh viện HIS có liên kết thẻ thông minh của từng người bệnh giúp người bệnh chủ động trong việc đặt lịch khám, xem kết quả khám chữa bệnh tại nhà, thẻ thông minh tạo ra kênh kết nối giữa người bệnh và bệnh viện.

Ngoài ra, HIS cho phép theo dõi, giám sát hoạt động của đơn vị theo thời gian thực hiện. Các thông tin về hoạt động tại các bộ phận được tổng hợp và báo cáo chi tiết, với số liệu được cập nhật thường xuyên.

Qua đó lãnh đạo các phòng, ban và Ban Giám đốc có thể xem số liệu về khám chữa bệnh, tài chính kế toán, dược vật tư y tế… tại bất kỳ thời điểm nào.

Hiện tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trực thuộc Sở, Trung tâm Y tế hai chức năng, bệnh viện đa khoa tư nhân và bệnh viện ngành đã sử dụng phầm mềm Quản lý bệnh viện HIS trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

Theo dõi và chẩn đoán hình ảnh bệnh nhân qua hệ thống telemedicen (chuẩn đoán và điều trị từ xa) tại trung tâm y tế huyện Thanh Thủy , tỉnh Phú Thọ

Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với Viettel Phú Thọ, Công ty Cổ phần giải pháp Y tế thông minh triển khai giải pháp tổng thể về Cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung trong ngành Y tế tỉnh (giải pháp điện toán đám mây). Đây là hệ thống CSDL thống nhất và đồng bộ trên mọi hệ thống.

CSDL giúp lưu trữ và liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, thay cho việc lưu trữ dữ liệu thông qua hệ thống máy chủ vật lý cồng kềnh, tốn kém và kém bảo mật.

Hệ thống máy chủ vật lý không thể thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh giữa các tuyến. Sở Y tế cũng đã yêu cầu các công ty phần mềm (đơn vị cung cấp HIS, PACS) phối hợp với Viettel trong việc truy xuất dữ liệu từ Hệ thống CSDL để có thể lấy trực tiếp các số liệu báo cáo tại các đơn vị.

Đồng thời, định hướng trong việc sử dụng CSDL trong liên thông KCB giữa các tuyến từ tỉnh đến huyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh.

Để thuận tiện trong việc kết nối tự động các máy xét nghiệm sinh hóa huyết học, tự động trả kết quả trên hệ thống, đảm bảo nhanh chóng thuận tiện, hiện nay, 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các TTYT có chức năng khám chữa bệnh trực thuộc Sở đã triển khai phần mềm LIS (hệ thống thông tin xét nghiệm).

Hệ thống giúp kết nối các máy xét nghiệm trả kết quả tự động sang phần mềm HIS. Việc kết nối kết quả xét nghiệm kịp thời và chính xác giúp các bác sĩ có những y lệnh nhanh chóng xử lý với tình trạng của người bệnh, giúp giảm tỷ lệ sai sót, nhầm lẫn trong việc thực hiện xét nghiệm.

Bên cạnh việc triển khai phần mềm LIS, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS hiện đã được triển khai ở tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trực thuộc Sở, TTYT hai chức năng và bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương.

Một số bệnh viện đã thay thế hoàn toàn việc in phim truyền thống sang in lưu ảnh trên đĩa, giúp ích cho việc lưu trữ dữ liệu lâu hơn. Hệ thống PACS tại các bệnh viện đã liên thông và đẩy lên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Ngành. Trong giai đoạn kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo cũng đã “tham gia” tích cực vào công tác khám chữa bệnh.

Quản lý hồ sơ bệnh nhân , bằng bệnh án điện tử -tại trung tâm y tế huyện Phù Ninh , tỉnh Phú Thọ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo IBM Watson Oncology trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư, đồng thời cũng là một trong ba bệnh viện đầu tiên trên cả nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo Rapid trong chẩn đoán sớm và điều trị đột quỵ, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp hơn.

Ứng dụng CNTT cũng được triển khai trong việc kết nối dữ liệu, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) qua hệ thống giám định điện tử. Thông tin khám chữa bệnh và thanh toán BHYT được công khai minh bạch, người tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi đi khám chữa bệnh, thực hiện công tác giám định và thanh toán BHYT qua mạng điện tử.

Phần mềm kết nối liên thông các cơ sở bán lẻ thuốc với phần mềm quản lý dược quốc gia đã triển khai tại 100% cơ sở bán lẻ. Từ đó tiến tới kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh.

Qua hệ thống sẽ giúp kiểm soát chất lượng kê đơn thuốc của bác sĩ, kiểm soát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, đường đi của thuốc, hạn dùng, chất lượng, giá bán…

Ngoài việc ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh đã ứng dụng CNTT trong quản lý, quản trị Y tế.

Đến nay, 100% văn bản đã được ban hành và lưu trữ trên môi trường mạng, 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã đưa các phần mềm vào quản trị  như: phần mềm quản lý văn bản điều hành; phần mềm quản lý nhân sự, quản lý sức khỏe, quản lý điều dưỡng, quản lý vật tư trang thiết bị y tế, quản lý tài sản,…

Hiện nay, Sở Y tế đang triển khai Đề án Ứng dụng tổng thể CNTT trong ngành Y tế tỉnh giai đoạn 2019 – 2025 với 3 mục tiêu lớn: quản trị y tế thông minh, chăm sóc sức khỏe và dự phòng thông minh, khám chữa bệnh thông minh;

Triển khai y bạ điện tử, bệnh án điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện mục tiêu bệnh viện không giấy tờ và không sử dụng thanh toán bằng tiền mặt và đang triển khai điểm chương trình khám chữa bệnh Telemedicen tại hai trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy và huyện Phù Ninh.

Đây là chương trình chuẩn đoán và khám chữa bệnh từ xa được kết nối với các bệnh viện tuyến đầu trên toàn quốc với những giáo sư đầu ngành chuẩn đoán và hướng dẫn trực tiếp tại những điểm cầu được kết nối. Để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng áp dụng trong toàn ngành.

Qua đó, người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế đạt hiệu quả cao, mọi lúc, mọi nơi, toàn diện, suốt đời.

Đối với tuyến y tế cơ sở, hết năm 2020 sẽ có ít nhất 90% trạm y tế xã triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện triển khai phần mềm về chẩn đoán hình ảnh RIS-PACS ở mức cơ bản, phần mềm HIS đạt mức 6, ứng dụng hệ thống Telemedicine trong hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa.

Đến năm 2025, 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ KCB trong một số chuyên ngành.

Với những kết quả đạt được từ việc quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành đã góp phần xây dựng hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ ngày càng hiện đại, chất lượng, công bằng, minh bạch, hiệu quả, hòa nhập vào thời đại công nghiệp 4.0