Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong và sau đại dịch CoVID-19

Nguyễn Bình Minh

Trường Đại học Thương mại     

Thương mại điện tử Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn do đại dịch toàn cầu CoVID-19 mang lại. Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, tụ tập đông người đã làm phát sinh nhiều nhu cầu giao dịch điện tử.

Chính phủ, doanh nhiệp và người dân đều có sự thay đổi hành vi theo hướng ủng hộ chuyển đổi số. Các doanh nghiệp quốc tế cũng tái thiết kế lại chuỗi cung ứng và chọn Việt Nam như một điểm đến lý tưởng ngay trong và sau đại dịch.

Việt Nam cần năm bắt cơ hội này thúc đẩy kinh tế số phát triển. Bài viết này đề cập đến các giải pháp cho phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong và sau đại dịch toàn cầu CoVID-19.

Đại dịch toàn cầu và những vấn đề đối với hội nhập kinh tế

Đại dịch CoVID-19 (hay SARS-CoV-2) do vi rút Corona mới gây ra, chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch toàn cầu từ ngày 11/3/2020.

Dịch bệnh này được cho là xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc từ tháng 12/2019. Ban đầu, nó chưa được các quốc gia kể cả Trung Quốc tập trung đối phó, do có tỉ lệ tử vong không cao so với nhiều bệnh khác.

Nhưng chính tỉ lệ lây nhiễm và lan truyền trong cộng đồng cực nhanh nên nhiều quốc gia đã không kịp dập dịch.

Hiện các quốc gia trên thế giới đã phải hứng chịu những thiệt hại khổng lồ về người và kinh tế. Kinh tế toàn cầu dự báo sẽ bước vào một giai đoạn suy thoái mà theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thế giới đang đối mặt với “một trận suy thoái tương đương, hoặc tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính 2008”.

Các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế mở cửa và hội nhập sâu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do buộc phải phong tỏa, cách ly hoặc giãn cách. Nhiều hoạt động kinh tế buộc phải dừng lại. Các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, người lao động ngừng làm việc, hoặc làm việc từ xa, du lịch và giao thông, vận tải ngừng trệ.

Các nước có nền kinh tế tiến tiến, có lĩnh vực y tế phát triển cao như Mỹ, Anh, Pháp, Ý,… vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, do chưa có vắc xin hay phác đồ điều trị hiệu quả.

Một thế giới hội nhập, toàn cầu hóa đi lại tự do đã đứng lại và tê liệt vì đại dịch. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã chọn Trung Quốc làm nới đặt các nhà máy lớn thì nay đã phải chấp nhận ngừng hoạt động do bệnh dịch. Thị trường đông dân nhất thế giới cũng bị phong tỏa.

Cơ hội đối với TMĐT Việt Nam

Trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã rất tích cực và chủ động trong phòng chống dịch CoVID-19 và đặt được nhiều thành công đáng kể.

Tỉ lệ người nhiễm CoVID-19 tại Việt Nam rất thấp chỉ hơn 200 người và chưa có trường hợp tử vong. Trong khi gần như toàn bộ thế giới chịu ảnh hưởng với hơn 230 quốc gia và lãnh thổ với số ca nhiễm được báo cáo lên đến hơn 3 triệu người và hơn 250 ngàn người tử vong.

Thành công của Việt Nam, một quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc đã được thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao. Sự điều hành chặt chẽ, sát sao, không chủ quan của chính phủ cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân đã mở ra một cơ hội mới về phát triển trong đại dịch.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã chứng kiến một cơ hội mới, khi chính phủ khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang môi trường Internet để hạn chế sự lan tràn của dịch bệnh. TMĐT tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh, từ 25-30%/năm, cao hơn mức trung bình thế giới (gần 20%).

TMĐT tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ từ 25-30%/năm, cao hơn mức trung bình thế giới (gần 20%)

Nhưng khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành nông nghiệp, du lịch, giao thông, vận tải… hay cả lĩnh vực bán lẻ truyền thống, thì đây là cơ hội cho TMĐT.

Do tâm lý ngại ra ngoài đi chợ, mua hàng trực tiếp vì sợ lây nhiễm bệnh, nhiều người dân đã lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu, các vật dụng y tế qua mạng Internet. Chính vì thế, mà hoạt động TMĐT trở nên rất sôi nổi.

Nếu như các năm trước, hoạt động mua bán trên mạng chỉ nở rộ vào thời điểm trước tết, còn thời điểm sau tết thường trầm xuống thì năm 2020, hoạt động mua bán trên mạng trong dịch bệnh vẫn rất sôi động.

TMĐT Việt Nam hiện nay phát triển chủ yếu dựa vào sự chuyển đổi số của người dùng. Với dân số trẻ có nhu cầu sử dụng mạng xã hội cao nên TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội và các trên các nền tảng sàn TMĐT sẵn có phổ biến, với những hình thức bán hàng trực tuyến của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp nhỏ ngày càng tăng.

Số lượng người dùng Internet lên đến gần 70 triệu người, hầu hết đều sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh là tiền đề quan trọng cho TMĐT, thương mại di động, thanh toán điện tử,…

Trước dịch bệnh đã có một làn sóng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do các doanh nghiệp toàn cầu lo lắng về các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam được một số doanh nghiệp ưu tiên chuyển dịch vì có kinh tế, chính trị ổn định.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có những chính sách rất hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp đầu tư, như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Vì vậy Việt Nam chỉ là một lựa chọn đầu tư được xem xét.

Khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng Việt Nam đã quyết liệt ngăn ngừa hơn nhiều quốc gia, vì thế đã làm hạn chế nhiều ngành như hàng không, du lịch, vận tải,…

Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các nước đều phải áp dụng các biện pháp mạnh vẫn không hiệu quả. Các doanh nghiệp quốc tế nhận ra điểm đến an toàn hơn cho hoạt động của họ nếu dịch bệnh còn tiếp diễn và lặp lại. Việc đầu tư vào Việt Nam trở thành xu hướng mang lại sự ổn định và an toàn trong tương lai.

Các giải pháp phát triển TMĐT Việt Nam trong và sau đại dịch

Đẩy mạnh phát triển TMĐT tại Việt Nam trong và sau đại dịch là một chiến lược quan trọng khi điều kiện đang rất thuận lợi. Vì vậy, cần có nhiều nhiều giải pháp, nhằm tích cực khuyến khích doanh nghiệp chú trọng hoạt động TMĐT và chuyển đổi số. Các giải pháp Việt Nam có thể triển khai:

Thứ nhất, mở rộng quy mô các sàn TMĐT của Việt Nam, có nhiều sàn đang được đánh giá cao, hỗ trợ sự hợp nhất của một số sàn có thể hình thành nên các doanh nghiệp TMĐT có giá trị lên đến hơn 1 tỉ USD có lợi thế về quy mô tại thị trường trong nước.

Đồng thời giúp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TMĐT của các doanh nghiệp nhỏ trên môi trường sàn TMĐT, giúp đảm bảo hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

TMĐT Việt Nam hiện nay phát triển chủ yếu dựa vào sự chuyển đổi số của người dùng

Thứ hai, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định TMĐT để kịp thời cập nhật những thay đổi quan trọng, nhằm quản lý TMĐT hiệu quả hơn.

Cần xây dựng điều chỉnh các chương trình phát triển TMĐT cho giai đoạn 2020-2025 với các yếu tố sẵn sàng cho kiểm soát dịch bệnh gắn liền với các quy định mới về bảo vệ dự liệu người dùng và tuân thủ Luật An ninh mạng.

Đảm bảo các hệ thống TMĐT vận hành đáng tin cậy, bảo mật thông tin cá nhân và kiểm soát được các sai phạm.

Thứ ba, định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển TMĐT. Khuyến khích các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nhất là TMĐT tại Việt Nam.

Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong phát triển nguồn nhân lực TMĐT có chất lượng. Tích cực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để cung cấp nhân lực TMĐT theo yêu cầu. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện có từ trong doanh nghiệp.

Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi để người dân có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch TMĐT trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Định hướng người dân sử dụng các dịch vụ định danh điện tử của chính phủ và các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, tạo môi trường giao dịch chất lượng cho các bên tham gia, giảm bớt vi phạm và tăng cường lòng tin của người dân vào TMĐT.

Thứ năm, dịch bệnh CoVID-19 là cơ hội tốt để người dùng và doanh nghiệp tích cực hợp tác , cùng tham gia chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT. Các cơ quan và doanh nghiệp cần tạo môi trường thuận lợi để người dân có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch TMĐT trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Định hướng người dân sử dụng các dịch vụ định danh điện tử của chính phủ và các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, tạo môi trường giao dịch chất lượng cho các bên tham gia.

Kết luận

Thương mại điện tử Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn nhờ có năng lực cạnh do đại dịch CoVID-19 mang tới. Việc người dân và doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT là yêu cầu bắt buộc nhưng sẽ làm thay đổi thói quen và hành vi của họ.

Sau đại dịch chắc chắn các hoạt động TMĐT tiếp tục có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp dần quen và muốn tiếp tục tận dụng các hệ thống thương mại điện tử đa kênh (multi-channel) hay hợp kênh (omni-channel) tạo nên sự kết hợp rất tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp tranh thủ dịch bệnh để xây dựng thương hiệu, thực hiện các giao dịch có trách nhiệm và có chăm sóc khách hàng chu đáo cùng với thái độ tích cực với xã hội sẽ nhận được sự ủng hộ của người dùng.

Người dân mạnh dạn tham gia TMĐT và tiếp tục nâng cao lòng tin vào những doanh nghiệp kinh doanh có uy tín. Số lượng giao dịch thương mại sau đại dịch sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế hoạt động và tăng tốc trở lại, cũng như thu nhập của người dân tăng lên.