Nhóm tác giả: Minh Hằng, Châu Loan, Thu Hằng
Khoa Pháp luật Kinh tế – Đại học Luật Hà Nội
Nhóm tác giả: Minh Hằng, Châu Loan, Thu Hằng
Khoa Pháp luật Kinh tế – Đại học Luật Hà Nội
Tóm tắt: Hơn một thập kỷ trở lại đây, với những lợi ích nổi bật và sự hỗ trợ từ công nghệ, mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện, lan toả ở hầu khắp các quốc gia và châu lục. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các Chính phủ trong việc hoàn thiện pháp luật để quản lý mô hình kinh tế mới này. Bài viết dưới đây tập trung phân tích thực trạng pháp luật về kinh tế chia sẻ ở một số quốc gia trên thế giới và rút ra một số gợi mở cho Việt Nam để thích ứng, phát triển mô hình kinh tế chia sẻ.
Kinh tế chia sẻ (KTCS) có nhiều tên gọi và khái niệm đồng nghĩa khác như kinh tế cộng tác, kinh tế theo cầu, kinh tế nền tảng, kinh tế truy cập, kinh tế dựa trên các ứng dụng di động… KTCS có thể được hiểu là những hoạt động kinh tế trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên internet[1]. Theo đó, pháp luật về KTCS được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh khi bên cung cấp nền tảng kết nối thực hiện các hoạt động để bên mua (người tiêu dùng), bên bán (người cung cấp dịch vụ) tìm hiểu, gặp gỡ, kết nối giao dịch thương mại. Các quan hệ xã hội này được xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt thông qua phương tiện điện tử và nền tảng công nghệ của bên cung cấp nền tảng kết nối[2].
Nhìn nhận từ những ảnh hưởng của mô hình KTCS tới hệ thống pháp lý, trong bài viết này, nhóm tác giả đề cập đến vấn đề thực trạng pháp luật về KTCS ở một số quốc gia trên thế giới và đề xuất một số gợi mở để hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
Mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá lâu ở một số quốc gia trên thế giới, đơn cử như Hoa Kỳ. Mô hình KTCS bắt nguồn từ Hoa Kỳ, chính xác hơn là thung lũng Silicon, nơi được coi là trung tâm của ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu. Theo Ngân hàng Hoa Kỳ, tổng thị trường khả dụng của KTCS toàn cầu vào khoảng 2 nghìn tỷ USD trong năm 2017, trong đó tại Hoa Kỳ là 785 tỷ USD. Số lượng người Mỹ tham gia KTCS tăng từ 44.8 triệu người năm 2017 lên đến 73.7 triệu người năm 2019. Trang Statista dự đoán số lượng người tham gia sẽ đạt 86.57 người trong năm 2021[3] và quy mô thị trường sẽ đạt 455,2 tỷ USD vào năm 2023, với tổng số người lao động tham gia khoảng 57 triệu người[4]. Hay tại Trung Quốc, trong giai đoạn 2015-2019, quy mô thị trường của mô hình KTCS ở Trung Quốc có những bước tăng trưởng đều đặn. Năm 2019, số lượng người tham gia mô hình KTCS của Trung Quốc lên tới 760 triệu người[5]. Năm 2020, quy mô thị trường của mô hình KTCS Trung Quốc đạt 522,47 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn so với mức 11,9% của năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự kiến, mô hình KTCS của Trung Quốc sẽ phục hồi và duy trì tăng trưởng hàng năm khoảng 10% trong 5 năm tới[6]. Tại Canada, mô hình KTCS được đánh giá là có khả năng chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Canada. Từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2016, có khoảng 9,5% dân cư Canada trên 18 tuổi tham gia vào KTCS bằng việc sử dụng dịch vụ đi xe hoặc thuê nhà ở ngang hàng với tổng số tiền vào khoảng 1,31 tỷ Đô la Canada[7]. Trung bình từ năm 2005 đến năm 2016, mô hình KTCS góp phần tạo ra hơn 60.000 việc làm tại Canada mỗi năm[8]. Ở Vương quốc Anh, mô hình KTCS đang phát triển rất nhanh và để lại những dấu ấn thực sự nổi bật ở Vương quốc Anh. Trong phân tích gần đây cho Ủy ban châu Âu, Pricewaterhouse Coopers (PwC) đã báo cáo giá trị của các giao dịch được tạo điều kiện bởi các nền tảng KTCS ở Anh đã tăng 92% từ 2,1 tỷ Bảng năm 2013 lên đến 7,4 tỷ Bảng năm 2019[9]…
Cùng với sự xuất hiện và phát triển của KTCS, ở nhiều quốc gia và khu vực đã có các chương trình nghị sự cũng như định hướng để thúc đẩy sự phát triển của mô hình KTCS. Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Chương trình nghị sự về mô hình KTCS nhằm loại bỏ những rào cản không cần thiết và thúc đẩy sự phát triển lâu dài của mô hình KTCS trong EU[10]. Ngày 09/02/2015, Chính phủ Anh đã tuyên bố điều chỉnh Luật hạn chế nhà ở ngắn hạn theo Điều 25 Đạo luật Greater London năm 1973 để cho phép người London tham gia vào mô hình KTCS[11]. Đến ngày 06/3/2015, Tổ chức Thương mại Sharing Economy UK đã được thành lập với mục tiêu đưa nước Anh trở thành “trung tâm toàn cầu của KTCS”[12]. Trung Quốc cũng là một quốc gia có sự đón nhận mạnh mẽ KTCS với nhiều kỳ vọng vào mô hình này. Giai đoạn 2015-2019 chứng kiến sự bùng nổ của các mô hình KTCS ở Trung Quốc, với lượng tập trung dày đặc các nền tảng công nghệ lớn. Trung Quốc kỳ vọng mô hình KTCS sẽ đóng góp 10% vào GDP nước này trong năm 2020, 25% GDP vào năm 2025[13] và trong giai đoạn 2020-2022, mô hình KTCS sẽ tăng trưởng khoảng 10-15% hàng năm[14].
Không giống như các nước chào đón KTCS, Hoa Kỳ là một trong những nước trung tâm của công nghệ trực tuyến với rất nhiều nền tảng lớn trên thế giới, đồng thời tại hội nghị Thị trưởng Hoa Kỳ đã ban hành nghị quyết đề xuất về hỗ trợ để các thành phố trở nên dễ chia sẻ hơn. Tuy nhiên, chính quyền các bang lại phản ứng hết sức khác nhau, nhiều thành phố đã công bố ý định cấm các dịch vụ chia sẻ phổ biến như Uber, Airbnb[15].
Như vậy, mặc dù KTCS đã được nhận diện ở hầu hết các nước và khu vực, nhưng đây là một mô hình kinh tế mới và tồn tại nhiều vấn đề pháp lý phát sinh, bởi vậy đòi hỏi các quốc gia đều phải rà soát khung khổ pháp lý hiện hành để có sự điều chỉnh phù hợp.
Pháp luật về kinh tế chia sẻ một số quốc gia điều chỉnh những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, quy định về đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng
Mặc dù nổi lên là đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) trong khu vực kinh tế truyền thống, nhưng các DN trong mô hình KTCS không phải đáp ứng những quy định khắt khe của pháp luật liên quan đến đăng ký với cơ quan quản lý, điều kiện gia nhập thị trường… Chính điều đó đã đặt ra câu hỏi là làm sao đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia trong cùng một lĩnh vực kinh doanh.
Ở nhiều quốc gia, sau khi nhận định các nền tảng vận tải hành khách là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải mà không đơn thuần là công ty cung cấp dịch vụ công nghệ, đã buộc DN vận tải trực tuyến phải tuân thủ quy định liên quan đến dịch vụ vận tải thì mới được phép tiếp tục hoạt động. Tại New York (Hoa Kỳ), các công ty xe hơi công nghệ phải chịu nhiều ràng buộc pháp lý như: công ty phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách bởi Ủy ban Taxi và Limousine; kiểm tra lý lịch thông qua vân tay của lái xe[16]; vượt qua cuộc kiểm tra ma túy hàng năm…[17]. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), để trở thành lái xe taxi công nghệ, tài xế phải đáp ứng yêu cầu như: có bằng lái xe; có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm lái xe; kiểm tra tình trạng vi phạm giao thông trong lịch sử lái xe; không có tiền án, tiền sự; có hộ khẩu ở Bắc Kinh; phương tiện dùng để cung cấp dịch vụ đăng ký ở Bắc Kinh, dưới 08 năm sử dụng, có số ki-lô-mét đi được dưới 600.000 km[18].
Trong lĩnh vực dịch vụ cho thuê nhà ở ngắn hạn thông qua ứng dụng nền tảng, nhằm thắt chặt quản lý và bảo đảm cạnh tranh công bằng hơn giữa các DN trong mô hình KTCS và kinh tế truyền thống, chính quyền nhiều nơi đã đưa ra các quy định siết chặt hơn đối với Airbnb. Tại New York (Hoa Kỳ) đã ban hành yêu cầu chủ nhà phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, tuân thủ các điều kiện liên quan đến phòng cháy chữa cháy và các điều kiện khác khi muốn căn hộ của mình có thể tham gia vào hệ thống cho thuê nhà ngắn hạn[19]; Washington DC áp lệnh cấm chủ nhà được niêm yết căn nhà thứ hai trên nền tảng Airbnb và giới hạn chủ nhà chỉ được cho thuê ngắn hạn căn hộ trong 90 ngày/năm; Jersey cũng giới hạn bất động sản được sử dụng cho thuê ngắn hạn trong vòng 60 ngày/năm[20].
Thứ hai, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Xuất phát từ việc gia nhập thị trường của mô hình KTCS khá dễ dàng so với mô hình kinh doanh truyền thống trong cùng lĩnh vực, đã dẫn đến nới lỏng hơn trong việc đảm bảo chất lượng an toàn dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[21]. Để giải quyết vấn đề này, các quy định theo hướng siết chặt hơn, gia tăng điều kiện gia nhập thị trường của các DN trong mô hình KTCS đã được áp dụng. Tại California (Hoa Kỳ), nơi xảy ra vụ việc Sofia Liu[22], sau đó đã ban hành luật mới quy định các công ty vận tải công nghệ phải chịu trách nhiệm bảo đảm đối tác cung cấp dịch vụ của mình có bảo hiểm lên đến 100.000 USD cho một tai nạn bất cứ khi nào tài xế bật ứng dụng và lên đến 1 triệu USD kể từ khi lái xe nhận chuyến cho đến khi hành khách rời khỏi xe[23]. Tại bang Alberta (Canada), luật pháp cũng bắt buộc các DN vận tải công nghệ phải đảm bảo cung cấp một khoản bảo hiểm: giai đoạn tài xế bật ứng dụng và chờ kết nối với hành khách, công ty vận tải công nghệ phải đảm bảo bảo hiểm ở mức 1 triệu Đô la Canada; giai đoạn tài xế nhận tín hiệu kết nối, đón và trả hành khách là 2 triệu Đô la Canada[24].
Trong lĩnh vực lưu trú, nhiều thành phố đã ban hành quy định nhằm buộc các DN trong mô hình KTCS, kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú phải đáp ứng yêu cầu nhất định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp là khách hàng của các dịch vụ này. Thành phố Louisville, Kentucky (Hoa Kỳ) yêu cầu mỗi chủ nhà sẽ phải nộp đơn đăng ký với mức phí 100 USD và phải tuân thủ các điều kiện cần thiết liên quan đến thiết kế xây dựng, bảo trì, tiêu chuẩn tối thiểu để có thể đảm bảo an toàn cho khách hàng[25].
Trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, nhiều quốc gia đã ban hành quy định nhằm bảo đảm tính an toàn trong giao dịch giữa các bên bằng việc quy định chặt chẽ vấn đề minh bạch thông tin, điều kiện gia nhập thị trường. Năm 2014, Cơ quan Kiểm soát Tài chính của Anh đã ban hành Bộ luật quản lý hình thức P2P lending, trong đó có quy định: khi nhà đầu tư chưa được tư vấn đầy đủ sẽ không thể sử dụng hơn 10% tài sản đầu tư của mình để đầu tư cho vay ngang hàng; đồng thời, DN tham gia cho vay ngang hàng cũng được yêu cầu bắt buộc phải cung cấp cho khách hàng một số thông tin nhất định về nhà đầu tư khi cung cấp sản phẩm và có kế hoạch dự phòng khi rủi ro phá sản có thể xảy ra.
Thứ ba, quy định về lao động và việc làm
Những người cung cấp dịch vụ trong mô hình KTCS, mặc dù trong khi làm việc bị khá nhiều chính sách ràng buộc nhưng lại không được đảm bảo quyền lợi của người lao động. Thực tế này đã dẫn đến vấn đề: Bên cung cấp dịch vụ là đối tác kinh doanh, người lao động độc lập hay người lao động được thuê bởi các nhà điều hành ứng dụng nền tảng?
Liên quan đến pháp luật về vấn đề này, bang Massachusetts (Hoa Kỳ) đã ban hành Luật liên quan đến lao động tự doanh, quy định tất cả người lao động đều được coi là nhân viên, trừ một số trường hợp nhất định[26]. Tháng 4/2020, bang Massachusetts cùng với các bang như Washington, Texas, Kentucky… đã cung cấp trợ cấp thất nghiệp cho lao động trong mô hình KTCS theo chương trình trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch Covid-19[27]. Tại New York, Ủy ban Taxi và Limousine đã thiết lập công thức tính lương tối thiểu để bảo vệ quyền lợi cho các lái xe của công ty taxi công nghệ[28]. Ở bang Ontario (Canada) cũng đã ban hành Luật 148 yêu cầu các nhà tuyển dụng phải chứng minh một cá nhân không phải là nhân viên nếu có tranh chấp về mối quan hệ lao động được đưa ra Tòa án[29].
Thứ tư, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Để đăng ký trở thành thành viên của các ứng dụng nền tảng đòi hỏi người dùng phải cung cấp khá nhiều thông tin cá nhân, do đó bảo mật thông tin là một vấn đề quan trọng và là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định có hay không tham gia vào mô hình KTCS[30]. Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia đã có sự thay đổi chính sách, quy định chặt chẽ hơn chế độ thu thập, sử dụng thông tin, bảo mật thông tin người dùng.
Ở châu Âu, Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) có hiệu lực từ ngày 25/5/2018 được soạn thảo nhằm giải quyết một vấn đề tồn tại lâu nay trong sự phát triển của các công ty công nghệ, đó là nhiều công ty đang thu thập và lạm dụng thông tin người dùng. Theo GDPR, không chỉ các tổ chức phải đảm bảo dữ liệu cá nhân được thu thập hợp pháp trong các điều kiện nghiêm ngặt, mà tất cả những bên thu thập và quản lý dữ liệu có nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu khỏi việc bị lạm dụng, khai thác và tôn trọng quyền của chủ sở hữu dữ liệu. Ở Anh cũng đã thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu có hiệu lực từ ngày 25/5/2018, cho phép tiếp tục áp dụng GDPR kể cả khi Anh rời EU. Ở Hoa Kỳ chưa có đạo luật ở cấp liên bang về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng sau khi GDPR được thông qua, một số tiểu bang đã đề xuất luật bảo vệ dữ liệu của riêng họ, thiết lập một số quyền giống như GDPR[31].
Ở Trung Quốc, bên cạnh Luật An ninh mạng được ban hành năm 2016, Bộ luật Dân sự Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã có những quy định cụ thể liên quan đến quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vào tháng 7/2020, Dự thảo Luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu của Trung Quốc đã được đưa ra để lấy ý kiến góp ý từ công chúng. Đến ngày 21/10/2020, Dự thảo Luật Bảo vệ thông tin cá nhân cũng đã được cơ quan có thẩm quyền đưa lấy ý kiến[32]. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành những thành tố cơ bản và đầy đủ cho một thể chế pháp lý liên quan đến an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu ở Trung Quốc.
Thứ năm, quy định về thuế
Sự bùng nổ của KTCS và sự phát triển mạnh mẽ của môi trường kỹ thuật số xuyên biên giới đã khiến Chính phủ các nước lúng túng trong vấn đề quản lý thuế của các mô hình này[33]. Liên quan đến vấn đề thuế, EU khuyến nghị các nước thành viên nên áp dụng chính sách thuế đối với mô hình KTCS tương tự như đối với mô hình kinh tế truyền thống trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về nghĩa vụ thuế, ban hành các văn bản hướng dẫn, nâng cao tính minh bạch qua trao đổi thông tin trực tuyến.
Thứ sáu, quy định về một số vấn đề pháp lý khác
Sự xuất hiện dịch vụ cho thuê phòng ngắn hạn đã trực tiếp tạo ra sự khan hiếm trong nguồn cung đối với dịch vụ thuê nhà dài hạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông dân cư sinh sống lâu dài ở các thành phố lớn. Ngoài ra, dịch vụ lưu trú ngắn hạn cũng gây ra nhiều phiền hà cho người dân sống xung quanh khu vực. Để giải quyết vấn đề này, nhiều thành phố đã đưa ra giới hạn việc các chủ nhà cho thuê bất động sản ngắn hạn. Ở Canada, chính quyền Vancouver vào tháng 10/2016 đã cấm chủ sở hữu bất động sản tham gia vào các nền tảng dịch vụ lưu trú ngắn hạn do thành phố đang thiếu nhà cho thuê và lo ngại rằng các dịch vụ này sẽ làm giảm lượng cung nhà cho thuê dài hạn vốn rất cần thiết đối với thị trường cho thuê bất động sản ở Vancouver[34]. Ở Hoa Kỳ, chính quyền New York quy định khá nghiêm ngặt đối với cho thuê phòng ngắn hạn: yêu cầu Airbnb cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến chủ nhà, bất động sản đang hoạt động trên nền tảng và chủ nhà phải có mặt tại bất động sản trong suốt quá trình cho thuê[35]. Ở London (Anh), chủ nhà có thể cho thuê toàn bộ nhà dưới 90 ngày/năm mà không cần giấy phép; nhưng nếu cho thuê toàn bộ ngôi nhà trên 90 ngày/năm thì cần phải được cấp giấy phép. Ngoài ra, không có giới hạn thời gian cho thuê nếu chủ nhà sống tại đó cùng thời điểm cho thuê[36].
Ngoài ra, lĩnh vực vận tải hành khách trực tuyến cũng phần nào gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, do đó nhiều thành phố đã đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về lượng khí thải từ phương tiện giao thông, ban hành các chính sách nhằm làm giảm sức hấp dẫn của các chuyến đi đối với những khu vực tập trung đông dân cư. Năm 2018, chính quyền bang California (Hoa Kỳ) đã có những bước đầu tiên thiết lập tiêu chuẩn khí thải đối với các xe hơi sử dụng kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe thông qua “Chương trình những dặm đường tiêu chuẩn”[37]. California trở thành bang đầu tiên trực tiếp điều chỉnh lượng khí thải carbon của các công ty dịch vụ vận tải trực tuyến bằng cách quy định đây là một điều kiện tiên quyết của hoạt động này. Ở London (Anh), chương trình thu phí tắc nghẽn được áp dụng ở trung tâm thành phố kể từ năm 2003, theo đó bất kỳ ai lái xe trong khu vực thu phí trong khoảng thời gian từ 07 giờ sáng đến 06 giờ chiều vào các ngày trong tuần phải trả khoản phí hàng ngày là 11,5 Bảng Anh[38]. Bên cạnh đó, London còn thiết lập các khu vực phát thải cực thấp trong cùng khu vực thu phí tắc nghẽn, có hiệu lực 24/7. Trong khu vực phát thải cực thấp, các xe muốn hoạt động phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt[39].
Thứ nhất, không cần thiết phải ban hành một luật riêng điều chỉnh mô hình KTCS, bởi mô hình KTCS chỉ là tên gọi khái quát của một mô hình kinh tế mới, dựa vào các ứng dụng nền tảng kết nối. Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, hầu hết các nước lựa chọn giải pháp điều chỉnh pháp luật trong từng lĩnh vực để phù hợp với sự phát triển của mô hình KTCS, thay vì ban hành một đạo luật riêng về vấn đề này.
Thứ hai, phản ứng chính sách của mỗi quốc gia đối với mô hình KTCS là khác nhau, điều này ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: chính trị, vǎn hóa pháp lý, trình độ phát triển kinh tế-xã hội… Bởi vậy, các nhà quản lý của Việt Nam cũng cần nghiên cứu kỹ thực tiễn trước khi thực hiện “cấy ghép” pháp luật trong vấn đề điều chỉnh các mô hình KTCS.
Thứ ba, Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm một số quốc gia trong hoàn thiện pháp luật quản lý những mô hình kinh doanh mới, chưa có pháp luật điều chỉnh. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhiều quốc gia tiếp cận bằng cách ban hành khung pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế cho phép DN hoạt động thử nghiệm với tiêu chuẩn nới lỏng hơn. Điều này góp phần tạo điều kiện cho cơ quan quản lý kiểm soát hoạt động của DN và là cơ sở, dữ liệu để đánh giá, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính thức.
Thứ tư, đối với vấn đề bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, kinh nghiệm các nước cho thấy: Ban đầu, mô hình KTCS nằm ngoài sự kiểm soát của pháp luật nhiều quốc gia. Tuy nhiên, pháp luật của nhiều quốc gia đã có những bước thay đổi nhằm tăng cường quản lý đối với mô hình KTCS thông qua siết chặt hơn các điều kiện gia nhập thị trường của các DN trong mô hình này. Đây cũng là xu hướng đáng chú ý mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành.
Thứ năm, đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới có thể tham khảo như: (i) Tǎng cường các giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân xứng thông tin giữa những người tham gia vào mô hình KTCS và DN cung cấp nền tảng; (ii) Tránh bỏ ngỏ việc quản lý đối với một số hoạt động kinh doanh, phát sinh mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ, DN nền tảng và người tiêu dùng; (iii) Nhiều quốc gia quy định buộc bên DN nền tảng và bên cung cấp dịch vụ phải có bảo hiểm tai nạn phòng ngừa rủi ro xảy ra đối với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao.
Thứ sáu, đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động, nhiều quốc gia với những phán quyết của Tòa án công nhận các “đối tác” trong mô hình KTCS là người lao động độc lập, pháp luật cũng được điều chỉnh theo hướng mở rộng một số quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực KTCS nói riêng, loại hình người lao động độc lập nói chung. Việt Nam có thể tham khảo một số kinh nghiệm của các quốc gia này để hoàn thiện pháp luật.
Thứ bảy, xu hướng quốc tế đang diễn ra theo chiều hướng bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng được coi trọng, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần đây, làn sóng hoàn thiện pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đã diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, trong bối cảnh Việt Nam chưa có vǎn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh vấn để này, kinh nghiệm từ một số quốc gia sẽ là những tham khảo cần thiết.
Thứ tám, bảo vệ lợi ích công, bảo vệ môi trường là những vấn đề pháp lý mới được quan tâm ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực lưu trú và vận tải hành khách. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm đáng lưu ý cho các nhà quản lý ở Việt Nam để có những thay đổi chính sách nhằm ngǎn ngừa sớm các rủi ro có thể phát sinh[40].
Tóm lại, mô hình KTCS đã xuất hiện từ khá lâu trên thế giới, nhưng chỉ đến khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với các thành tựu phát triển của khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin thì mô hình kinh tế này mới có những bước phát triển đột phá, được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số hiện nay. KTCS đang được đánh giá là mô hình hướng đến sự phát triển bền vững, là mô hình kinh doanh phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, vì là mô hình kinh doanh mới, phát triển nhanh dựa trên sự phát triển của khoa học, công nghệ với nhiều biến thể khác nhau, cho nên cần có các nghiên cứu để có thể hoàn thiện chính sách, pháp luật với mô hình kinh tế này./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://malegislature.gov/Laws/GeneralLaws/PartI/TitleXXI/Chapter149/Section148h, truy cập ngày 30/01/2023.
[1] Bùi Nhật Quang, Phạm Anh Tuấn (2021), “Triển vọng KTCS toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 2/2021, tr.4.
[2] Nguyễn Ngọc Anh (2022), “Pháp luật về hoạt động môi giới thương mại điện tử”, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.75.
[3] Oshione s., Uche M., Erin J., Ivana, Margaret M., Aleksandar J., “Sharing Economy Market Size”, https://askwonder.com/research/sharing-economy-market-size-857v5o, truy cập ngày 29/01/2023.
[4] https://www.statista.com/statistics/1034564/gig-economy-projected-gross-volume/, truy cập ngày 29/01/2023.
[5] Tojoy Shared Holding Group co., Ltd, “Global Top 10 News On Sharing Economy In 2019 List Unveiled, Strategic Vision Of Double 50% Reduction”, Discussed At Global Forum, https://apnews.com/press-release/pr-prnewswire/lblelee8918091dee2122849905a646d, truy cập ngày 29/01/2023.
[6] “China’s sharing economy expected to grow 10% annually in the following five year: State Information Center”, https://www.globaltimes.cn/page/202102/1216183.shtml#:-text-The%20transaction%20volume%20for%20China’s,COVID%2D19%20pandemic.&text=Online%20take%2Dout%20order%20income,percent%20year%2Don%2Dyear, truy cập ngày 29/01/2023.
[7] Statistics Canada (2017), “Study: The sharing economy in Canada”, https://www150.statcan.gc.ca/nl/daily-quotidien/170228/dq170228b-eng.htm, truy cập ngày 29/01/2023.
[8] Statistics Canada (2019), Nghiên cứu của Sung-Hee Jeon, Huju Liu and Yuri Ostrovsky: “Measuring the gig economy in Canada using administrative data”.
[9] “Independent review of the sharing economy gorvernment response”, https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attach-ment_data/file/414111/bis-15-172-government-response-to-the-independent-re-view-of-the-sharing-economy.pdf, truy cập ngày 29/01/2023.
[10] European Commission, “A European agenda for the collaborative economy”, http://ec.europa.eu/DocsRoom/documents/16881/attachments/2/translations, p.3.
[11] HM Government, “Independent review of the sharing economy – Government response”, https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/independent-review-of-the-sharing-economy.pdf, truy cập ngày 29/01/2023.
[12] Department for Business, “Innovation & Skills and The Rt Hon Matt Hancock MP, Move to make UK global center for sharing economy”, https://www.gov.uk/government/news/move-to-make-uk-global-centre-for-sharing-economy, truy cập ngày 29/01/2023.
[13] Jake Liddle (2017), “China’s Sharing Economy”, https://www.china-briefing.com/news/chinas-sharing-economy/, truy cập ngày 29/01/2023.
[14] Xinhua (2020), “China’s sharing economy to grow by up to 15 pct annually: Report”, http://www.china.org.cn/business/2020-03/07/content_75784902.htm, truy cập ngày 29/01/2023.
[15] Hong, S.; Lee, S (2019), “Adaptive governance, status quo bias, and political competition: Why the sharing economy is welcome in some cities but not in others”, Gov. Inform. Q. 2018, 35, 283-290.
[16] https://thehill.com/blogs/pundits-blog/technology/323946-fingerprint-checks-remain-gold-standard-for-ride-share, truy cập ngày 29/01/2023.
[17] Meera Joshi, et.al (2019), “E-hail regulation in Global cities”, The Rudin Center for Transportation Policy and Management at NYU’s Wagner school, p.11, https://wagner.nyu.edu/impact/research/publications/e-hail-regulation-global-cities, truy cập ngày 29/01/2023.
[18] Meera Joshi, et.al (2019), tldd, p.36.
[19] Stephen Fishman, JD., “How to Airbnb in New York City”, https://www.nolo.com/legal-encyclopedia/overview-airbnb-law-new-york-city.html, truy cập ngày 30/01/2023.
[20] John Rieti (2017), “New Toronto Airbnb rules would require hosts to live at property they’re listing”, https://www.cbc.ca/news/canada/toronto/city-hall-air-bnb-rules-1.4155938, truy cập ngày 30/01/2023.
[21] Rashmi Dyal-Chand (2015), “Regulating Sharing: The Sharing economy as an Alternative Capitalist System”, Tulane Law Review, Vol.90, No.2, p.260.
[22] Vụ việc xảy ra vào đêm giao thừa năm 2013 tại San Francisco, cô bé Sofia Liu cùng mẹ và em trai trong lúc qua đường đã bị tài xế Uber trong lúc bất cẩn khi vừa lái xe vừa sử dụng ứng dụng Uber X để tìm kiếm khách hàng đâm vào ba mẹ con, Sofia Liu tử vong, mẹ và em trai bị thương nặng. Xem: Tim Bradshaw, “Uber settles lawsuit over child’s death”, https://www.ft.com/content/de03c86a-2ab6-11e5-8613-e7aedbb7bdb7, truy cập ngày 30/01/2023.
[23] California Public Utilities Commision, “Insurance Requirementt for TNCs”, https://www.cpuc.ca.gov/general.aspx?id=3802, truy cập ngày 30/01/2023; Andre Bolton (2015), “Regulating Ride-Share Apps: A Study on Tailored Reregulation regarding Transportation Network Companies, Benefitting both Consumbers and Drivers”, Cumb.L.Rev.137, p.27; Eric M.Johnson, “California Governor signs ridesharing insurance legislation”, https://www.reuters.com/article/us-california-lawmaking-ridesharing/california-governor-signs-ridesharing-insurance-legislation-idUSKBN0HD01420140918, truy cập ngày 30/01/2023.
[24] Albeta gorvenmentt (2016), “Transportation Network Company, House Waqqabi gaiteluga notio Frequently asked questions”, http://www.transportation.alberta.ca/documents/TransportationNetworkCompanyFAQs.pdf. truy cập ngày 30/01/2023.
[25] “Airbnb, Louisville, Kentucky”, https://vi.airbnb.com/help/article/918/louis-ville-kentucky?_set_bev_on_new_domain=1618325998_MTU0Y2JIZjgyNjU3, truy cập ngày 30/01/2023.
[26] https://malegislature.gov/Laws/GeneralLaws/PartI/TitleXXI/Chapter149/Section148h, truy cập ngày 30/01/2023.
[27] “Massachusetts gig workers, independent contrators, and self-employed individuals can now apply for unemployment benefits”, https://www.natlawreview.com/article/massachusetts-gig-workers-independent-contractors-and-self-employed-individuals-can, truy cập ngày 30/01/2023.
[28] Sara Ashley O’Brien, “NYC sets first of its kind minimum pay rate for Uber, Lyft drivers”, https://edition.cnn.com/2018/12/04/tech/nyc-minimum-wage-uber-lyft/index.html, truy cập ngày 30/01/2023.
[29] Fair Workplaces, Better Jobs Act (2017), S.O.2017,c.22 – Bill 148, https://www.ontario.ca/laws/statute/s17022, truy cập ngày 30/01/2023.
[30] Giulia Ranzini, et al (2020), “Báo cáo về Quyền riêng tư trong nền KTCS”, Dự án Nghiên cứu H2020 của EU Ps2Share: Quyền riêng tư và quyền lực trong nền KTCS, p.2.
[31] Vũ Công Giao, Lê Trần Như Tuyên, “Bảo vệ quyền đối với dữ liệu cá nhân trong pháp luật quốc tế, pháp luật ở một số quốc gia và giá trị tham khảo cho Việt Nam”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210546, truy cập ngày 30/01/2023.
[32] “Data Protection Laws Of The World” (2021), https://www.dlapiperdataprotection.com/index.html?t=law&c=CN, truy cập ngày 30/01/2023.
[33] Nguyễn Thị Nga, “Thu thuế Airbnb, liệu có khó”, https://www.thesaigontimes.vn/278821/thu-thue-airbnb-lieu-co-kho-html, truy cập ngày 30/01/2023.
[34] CBC News (2016), “Vancouver moves to regulate Airbnb”, https://www.cbc.ca/news/canada/british-columbia/short-term-rental-regulations-1.3793022, truy cập ngày 30/01/2023.
[35] “Airbnb help center, New York”, https://www.airbnb.com/help/article/868/new-york-ny, truy cập ngày 30/01/2023.
[36] “Understanding London’s short term rentals regulation” (2019), https://medium.com/keycafe/understanding-londons-short-term-rentals-regulation-e3ecf3531020, truy cập ngày 30/01/2023.
[37] California Air Resources Board (2019), “Clean Miles Standard”, https://ww2.arb.ca.gov/our-work/programs/clean-milesstandard, truy cập ngày 30/01/2023.
[38] Meera Joshi, et.al (2019), tlđd, p.28.
[39] Meera Joshi, et.al (2019), tlđd, p.29.
[40] Chu Thị Hoa (2022), Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr. 128.