Pháp luật kinh doanh chưa theo kịp hội nhập

Nguyên Hoàng

Một sinh viên đi du học sau đó làm startup ở nước ngoài thành công và quay trở lại Việt nam để đầu tư nhưng không có giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài nên không đầu tư được

Đây là một trong những bất cập của luật hiện nay được ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế chia sẻ tại hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập” do VCCI tổ chức

Trong khi, văn bản pháp luật cho mô hình kinh doanh truyền thống vẫn còn nhiều bất cập, các mô hình kinh doanh mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển lại thêm thách thức về pháp lý trong hỗ trợ doanh nghiệp

Các mô hình kinh doanh mới như kinh tế nền tảng (hay kinh tế chia sẻ), blockchainomy, nền kinh tế gig (người lao động hợp tác với doanh nghiệp theo công việc)… đã giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa nguồn lực và giúp thu hẹp khoảng cách phát triển

Những mô hình kinh doanh mới này càng phát triển, càng tạo ra thách thức cho hệ thống pháp luật khi hiện nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế pháp luật tương ứng, tiềm ẩn xung đột với các mô hình kinh doanh truyền thống. thay đổi sự tương tác giữa người lao động và doanh nghiệp

Đánh giá về những khó khăn trong ứng xử chính sách và pháp luật với các mô hình kinh doanh mới, bà Trần Thị Quang Hồng – Trưởng ban Pháp luật dân sự và kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp nhận định các quy định hiện hành chưa đủ để điều chỉnh.

Ngoài ra, thời gian cho việc ban hành các quy định tương ứng lâu do chưa rõ lợi ích và hiệu quả kinh tế – xã hội của các mô hình kinh doanh mới, chưa rõ những tác động đối với các mô hình kinh doanh truyền thông và những tác động đối với người tiêu dùng

Thế nhưng nếu chậm chễ việc ban hành các văn bản pháp luật cho các mô hình kinh doanh mới sẽ làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng như của quốc gia.

Thời gian qua, chính phủ cũng rất quan tâm với việc các nghị quyết và đề án về kinh tế chia sẻ được ban hành. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước vẫn lúng túng trong quản lý và còn bị động.

“Việt Nam chưa sẵn sàng cho xu hướng mới hay nói cách khác sẵn sàng ở mức dưới trung bình” ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết

Khoa học công nghệ tiến quá nhanh không chỉ với Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Cách mạng công nghệ 4.0 gần như không có ngành nào đứng riêng biệt được mà phải có sự giao thoa.

Trước kia mỗi bộ soạn thảo luật tương đối dễ vì chỉ trong phạm vi một chuyên ngành thôi nhưng đến nay đòi hỏi tính liên ngành

Đề xuất giải pháp, bà Hồng cho rằng cơ quan nhà nước cần nghiên cứu tác động của các mô hình kinh doanh mới. Mặt khác, thiết lập cơ chế đối thoại với doanh nghiệp, các nhà phát triển công nghệ áp dụng những mô hình kinh doanh mới đảm bảo minh bạch và bình đẳng về cơ hội tiếp cận.

Cần áp dụng những công cụ quản lý phù hợp như khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory sandbox)

Đồng tình với cách làm thử nghiệm, ông Hưng cho rằng “chúng ta cần làm thử nghiệm, thay đổi tư duy mới, cái gì không quản được thì cấm sang tư duy quản lý theo kịp phát triển”

Ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế đưa ra một số ví dụ về bấp cập của luật trong thời đại công nghiệp 4.0

Luật đầu tư tạo ra sự chồng chéo, nhiều khi tạo ra sự rủi ro. Lấy ví dụ. Các quỹ đầu tư  mạo hiểm đầu tư vào các startup Việt Nam không thể đầu tư được hoặc nếu làm được thì các quỹ đầu tư đầu tư 10.000 đô la thì mất 20.000 đô la tiền chi phí bỏ ra.

Hay như trường hợp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, trên thế giới duy nhất chỉ Việt Nam có. Một sinh viên đi du học sau đó làm startup ở nước ngoài thành công và quay trở lại Việt nam để đầu tư nhưng không có giấy chứng nhận này nên không đầu tư được

Doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp khó nên những cơ hội hội nhập tạo ra không tận dụng được do không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, tiếp cận nguồn lực bởi “bị trói nhiều hơn ở việc thực thi luật pháp làm cho doanh nghiệp bất định, không tiên đoán được”

Các doanh nghiệp bị trói buộc không tiếp cận được cơ hội kinh doanh, nguồn lực kinh doanh, và  không thể tiên đoán được pháp luật.

Quyền tự do kinh doanh có cải thiện, nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện. Chính sự không an toàn này khiến hoạt động đầu tư thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ, không quy mô, không dài hạn, không chiến lược.