Nữ tiến sĩ sản xuất vải cao cấp từ xơ chuối và xơ dứa

Viết Cương

Trước thực trạng ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên – phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó có yếu tố tái sử dụng những phụ phẩm từ nông nghiệp để bảo vệ môi trường, một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học từ Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố nghiên cứu thành công quy trình sản xuất sợi vải chất lượng cao từ xơ chuối và xơ dứa, đáp ứng tiêu chuẩn của ngành may mặc. Đề án do Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học làm chủ nhiệm đề  tài bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2022.

Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học ( Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) làm Chủ nhiệm đề tài

Trên cơ sở kết quả khảo sát sơ bộ tiềm năng và đánh giá nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm từ cây chuối, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp ép thân chuối lấy sợi và đồng thời nghiên cứu quy trình nhuộm sợi chuối thành phẩm bằng một số hợp chất màu tự nhiên; nâng cao giá trị sử dụng, tính kinh tế và sự ổn định của nguồn nguyên liệu phế thải thành vật liệu dệt sinh thái có giá trị cao. Vải làm từ cây chuối, cây dứa giúp giảm bớt áp lực cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và cây cần rất ít nước để phát triển, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững.

Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng cùng các cộng sự đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất sợi từ xơ chuối và sơ dứa

Nói về sáng kiến tạo vải sợi chuối, TS. Phạm Thị Hồng Phượng cho biết: “Cây chuối chỉ ra hoa kết trái một lần trong đời, phần thân cây sẽ bị vứt bỏ và trở thành chất thải nông nghiệp. Bình quân một người tiêu thụ 12kg chuối một năm, nghĩa là có một khối lượng khổng lồ thân chuối bị vứt bỏ. Khi thân cây chuối được ứng dụng vào sản xuất vải dệt, toàn bộ cây chuối sẽ được sử dụng và giảm đáng kể lượng chất thải ra môi trường.

 

Giờ đây, người nông dân trồng chuối có thêm một nguồn thu nhập cho bản thân. Thay vì chỉ bán các buồng chuối như trước đây, họ có thể bán cả thân chuối để phục vụ làm vải dệt. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho sinh kế của những nông dân sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ”.

Các loại sợi gốc dầu như nylon, polyester và acrylic hoặc thậm chí là sợi tự nhiên như sợi bông tiêu thụ nhiều tài nguyên và các hóa chất không thể tái tạo để sản xuất chúng. Điều này gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho hành tinh thay vì tạo nên tác động tích cực. Vải được sản xuất từ sợi thân cây chuối giúp giảm bớt áp lực cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và cây cần rất ít nước để phát triển.

Vải sợi chuối là một loại chất liệu thực vật lý tưởng thay thế cho lụa. Chúng mô phỏng rất nhiều đặc điểm quý giá của vải lụa. Sợi chuối mềm, mịn và có độ bóng từ vừa phải đến cao. Chất vải này không cần ủi và có thể giữ nguyên dáng vải ngay cả sau khi đã được giặt nhiều lần. Ngoài ra, vải sợi chuối cũng có thêm lợi thế là một loại vải không có nguồn gốc từ động vật.

Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng (áo dài đỏ) giới thiệu với khách tham quan các sản phẩm vải được làm từ xơ chuối và xơ dứa

TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 150.000 ha chuối và khoảng 47.000 ha dứa. Dứa và chuối sau khi thu hoạch trái, phần thân thường được chặt, vứt bỏ. Điều này gây lãng phí và quan trọng hơn là ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất sợi vải từ thân chuối và dứa sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chuối, dứa và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với khoảng 25 triệu tấn thân chuối và dứa tại nước ta, nếu được dùng để sản xuất sợi vải, ước tính tạo ra khoảng 1 tỷ USD. Điều này hứa hẹn tạo ra một ngành công nghiệp tỷ đô cho Việt Nam “

​Philippines là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới. Với cây chuối siêu sợi có tên gọi là Abaca, hằng năm diện tích trồng chuối được tăng lên từ 15 -20 vạn ha mới đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường xuất khẩu. ​Tuy nhiên, sợi chuối của Việt Nam có sự khác biệt so với sợi chuối của Philippines. Bởi lẽ, sợi chuối của Việt Nam có ưu điểm là độ mềm, mượt, sáng mịn tương đương như sợi chuối của Ấn Độ. Hiện nay, sợi chuối của Ấn Độ đắt hơn gấp 2 lần so với sợi chuối của Philippines.

​Giá sợi chuối thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay, khoảng 3,5 USD/kg. Và xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng đồ nhựa, đó chính là mảnh đất màu mỡ để các sản phẩm của sợi chuối đến với thị trường quốc tế.

Ý tưởng của nhóm nghiên cứu đã được nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may hưởng ứng và cam kết đồng hành. Trong số các doanh nghiệp đó có Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân do anh Quách Kiến Lân (Dave Quách) làm giám đốc.

anh Quách Kiến Lân (Dave Quách), giám đốc Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân

Bảo Lân đã cho ra đời hai thương hiệu vải là Greenyarn và W.ELL Fabric. Greenyarn  – thương hiệu tập trung vào tìm nguồn, phát triển, và phân phối sợi vải bền vững số lượng lớn đến các nhà máy may mặc Việt Nam, còn W.ELL Fabric thương hiệu chuyên cung cấp nguyên liệu vải sinh thái, vải đặc biệt cho các đơn hàng theo yêu cầu.

Riêng với Greenyarn, Bảo Lân đã mang đến 5 dòng sản phẩm sợi vải sinh học thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đáng chú ý, sợi vải của Greenyarn bao gồm các loại sợi có nguồn gốc tự nhiên (như cây bông cotton, cây tre, bột gỗ,…) hay sợi tái chế (như vật liệu hậu tiêu dùng hoặc tiền tiêu dùng)

Bảo Lân đã đồng hành cùng Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng trong suốt năm năm qua và cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm vải dệt từ sợi chuối và sợi dứa khi sản phẩm được thương mại hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *