Nới trần nợ công: Quyết sách cần kịp thời và linh hoạt
PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính

Cần kiến tạo động lực cho hồi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng của của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đang là mối quan tâm hàng đầu của Quốc hội, Chính phủ và toàn dân hiện nay. Một loạt giải pháp đang được các cơ quan liên quan xem xét, trong đó có tính đến nới trần nợ công trong thời điểm này.

Những ngày gần đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia đưa ra quan điểm: Nên hay không “nới trần nợ công” để tạo “dư địa” tài chính tạo dư địa cho hồi phục và phát triển kinh tế. Chúng ta có đủ điều kiện để làm việc này ngay lập tức.

Đây cũng là chủ đề mà nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang bàn luận và có các quyết sách trước bối cảnh cần kích thích tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Còn tại các nước Đông Nam Á, việc nới lỏng “trần nợ công” cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng để ứng phó với đại dịch, mà gần đây nhất là Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% GDP lên 70% GDP.

Để kích thích tăng trưởng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, nợ công luôn là một trong các ưu tiên của Chính phủ các nước, nhằm mở rộng chi tiêu và đầu tư, để kích thích tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng nợ nần chồng chất dẫn đến các cuộc khủng hoảng nợ, cũng là nỗi ám ảnh của các quốc gia trên thế giới, mà đỉnh điểm là khủng hoảng nợ công tại các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác.

Vấn đề mấu chốt ở đây, xét đến cũng là cần duy trì nợ công ở mức an toàn mà nền kinh tế có thể kiểm soát được, đó cũng chính là lý do các nước phải quy định “trần nợ công”.

Nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính

Thực tế nền kinh tế Việt Nam, vấn đề nợ công cũng đã trở thành vấn đề thời sự trong giai đoạn 2011-2016, khi nợ công liên tục tăng, từ 50% GDP năm 2011 đã tiến gần về ngưỡng 65% GDP (năm 2016 dư nợ công chiếm 63,7% GDP), trong khi đó chất lượng tăng trưởng kinh tế có nhiều bất cập, hiệu quả đầu tư công chưa cao, áp lực trả nợ gia tăng (đến cuối năm 2015, nợ công của Việt Nam đạt 62,2% GDP, nợ Chính phủ đạt 50,3% vượt trần 0,3%, nghĩa vụ trả nợ lãi trực tiếp chiếm 8% ngân sách, nếu tính cả trả nợ gốc thì lên đến gần 26% ngân sách).

Đó là bối cảnh lúc đó và Chính phủ đã có các giải pháp quyết liệt nhằm giảm áp lực nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công và chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2016-2020, nợ công của Việt Nam đã được kiểm soát theo hướng bền vững, với mức nợ công chiếm khoảng 55,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, thâm hụt ngân sách ở mức bình quân khoảng 3,6% GDP, tất cả đều thấp hơn mức trần quy định của Quốc hội là 65%, 54% và 3,9%.

Phát huy thành công của giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 28/7/2021, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025, theo đó: (i) Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; (ii) Trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45%; (iii) Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lần 4 và tác động trầm trọng của nó đối với kinh tế – xã hội của cả nước, chúng ta nên có những rà soát, điều chỉnh phù hợp.

Các báo cáo gần đây của Chính phủ về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ tháng 6/2021 đã có những diễn biến tiêu cực trước ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 đã giảm sâu ở mức 6,17%, nếu tính cả 9 tháng đầu năm 2021 thì tăng trưởng đạt mức 1,41%.

Dự báo gần đây của các chuyên gia trong và ngoài nước về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 hầu hết đều ở mức khoảng 3%. Điều quan trọng đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, không chỉ là cần cải thiện tăng trưởng trong ngắn hạn, mà phải đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững, tăng khả năng thích ứng với dịch bệnh, cải thiện an sinh xã hội.

Do vậy, việc nâng trần nợ công trong thời điểm hiện nay, theo chúng tôi, cần có quyết sách kịp thời và linh hoạt từ phía Quốc hội và Chính phủ. Các lý do để có thể “nới trần nợ công” của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, đó là:

Thứ nhất, để hồi phục và tạo động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới, nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính, trong đó việc nới trần nợ công sẽ tạo dư địa cần thiết để huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước.

Theo ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi cho rằng, Quốc hội nên xem xét để có thể nới trần nợ công ở mức hơn 65% GDP trong giai đoạn 2021-2025, nhưng liều lượng và lộ trình thực hiện cần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tiễn của nền kinh tế.

Thứ hai, xem xét các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều đánh giá cao về sự ổn định (dù tăng trưởng có suy giảm), đặc biệt thành tựu kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài được đánh giá ở mức khá an toàn, trong khi dư địa về tổng cầu và tổng cung còn khá nhiều tiềm năng.

Do vậy, việc nới trần nợ công có kiểm soát sẽ tạo động lực để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế.

Thứ ba, các biện pháp kích thích tăng trưởng bằng cách chủ động gia tăng tổng cầu, để khôi phục và phát triển kinh tế là công cụ khá phổ biến mà các nước đã thực hiện, trong đó có Việt Nam.

Trong điều kiện đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu 2 năm qua, nhiều nước đã sử dụng nợ công như là công cụ cần thiết nhằm “bơm thêm” nguồn lực tài chính cho phục hồi tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề là thời điểm, liều lượng và ảnh hưởng có mức độ khác nhau.

Ưu tiên đầu tư cho các vùng kinh tế động lực, có khả năng tạo sự lan tỏa

Thực tiễn vay nợ và sử dụng nợ công ở Việt Nam cũng như các nước đã chỉ ra rằng, điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định là hiệu quả của việc sử dụng nợ công.

Do vậy, gắn với việc đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết “nới trần nợ công” thì Chính phủ cần cam kết các điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả nợ công trong thời gian tới. Theo chúng tôi, các giải pháp này bao gồm:

Thứ nhất, cần đặt giải pháp “nới trần nợ công” trong tổng thể các giải pháp kinh tế, tài chính quốc gia, trong đó cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đáp ứng “mục tiêu kép” là phát huy vai trò của nguồn vốn đầu tư công, đồng thời kiểm soát nợ bền vững.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thông qua các dự án, chương trình đầu tư công, các công trình phúc lợi xã hội, là nhân tố quyết định nhằm duy trì mức bền vững của nợ công.

Để thực hiện được điều này, liên quan đến các chủ đầu tư, vai trò của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, trong đó yếu tố bảo đảm tiến độ, kịp thời trong giải ngân cũng như tiết kiệm nguồn lực tài chính, đang thực sự là khâu cần khắc phục hiện nay.

Thứ ba, duy trì tăng trưởng kinh tế phù hợp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế, đặc biệt là kiểm soát tỷ lệ thâm hụt ngân sách, bảo đảm năng lực trả nợ, là nhân tố trực tiếp để lựa chọn và duy trì khả năng kiểm soát nợ công bền vững.

Thứ tư, việc “nới trần nợ công” cũng là dịp để Chính phủ huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm, mở rộng kết nối vùng, nâng cao năng lực quản trị số và chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Thứ năm, để sử dung nợ công có hiệu quả, điều kiện tiên quyết, đó chính là các quyết định về phân bổ nguồn vốn hợp lý, có hiệu quả.

Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đầu tư công cần được ưu tiên cho các vùng kinh tế động lực, có khả năng tạo sự lan tỏa trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực đổi mới sáng tạo và không gian khởi nghiệp.

Tóm lại, nợ công luôn là công cụ trong việc huy động nguồn vốn cho phát triển kinh tế của các nước, đồng thời nợ công cũng là chỉ tiêu kinh tế quan trọng đánh giá tín nhiệm và sự an toàn tài chính của một quốc gia.

Việt Nam, những năm gần đây luôn được các tổ chức quốc tế tín nhiệm về an toàn nợ, trong đó có nợ công; Việt Nam cũng là quốc gia có kinh nghiệm trong kiểm soát nợ và duy trì các chỉ số nợ bền vững.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lần 4 với những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế – xã hội, tạo áp lực lớn đối với chi tiêu ngân sách Nhà nước, do vậy đề xuất “nới trần nợ công” ở mức độ phù hợp, linh hoạt, có kiểm soát, cần có quyết sách kịp thời của Quốc hội và Chính phủ.

Theo báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Noi-tran-no-cong-Quyet-sach-can-kip-thoi-va-linh-hoat/449677.vgp