Những phụ nữ đeo mặt nạ bí ẩn ở Trung Đông
Đeo những chiếc mặt nạ kín mặt làm bằng sắt, phụ nữ vùng cảng Bandari có cuộc sống bí ẩn khó ai hiểu được.

Image post description

Dân ở tỉnh Hormozagan ở vùng biển miền nam Iran thường được gọi là Người Bandari (nghĩa là dân vùng cảng). Nơi đây từng là một trong những điểm dừng quan trọng trên Con đường Gia vị, và từng là trung tâm giao thương từ 2000 năm trước Công Nguyên, dẫn dến sự giao thoa về sắc tộc và văn hóa của người Châu Phi, người Ả Rập, người Ấn Độ và Ba Tư.
Đa số cư dân địa phương mặc trang phục khác với nhiều tỉnh khác ở Iran: phụ nữ thường mặc màu sắc sặc sỡ thay vì áo chùng đen quen thuộc, và đàn ông mặc trang phục kiểu Ả Rập. Nhưng boregheh (mặt nạ) mà các phụ nữ người Bandari này đeo, cho dù là những người phụ nữ theo Hồi giáo Sunni hay Hồi giáo Shia, có lẽ là ấn tượng hơn cả.
Phụ nữ Bandari đã mang mặt nạ từ nhiều thế kỷ trước. Nguồn gốc của truyền thống này vẫn chưa được biết đến, dù một số người nói nó bắt nguồn từ luật lệ của người Bồ Đào Nha, khi phụ nữ cố gắng tránh bị chủ nô lệ nhận diện khi họ cố truy tìm các cô gái xinh đẹp.
Cũng là một phần trong tôn giáo và văn hóa, mặt nạ giúp bảo vệ mắt và da họ tránh khỏi ánh nắng mặt trời rất nóng của Vịnh Ba Tư. Trong thực tế, người ta có thể thấy các loại mặt nạ tương tự xung quanh khu vực này, như tại Oman, Kuwait và các quốc gia khác trong khu vực Bán đảo Ả Rập.
Ta có thể bắt gặp rất nhiều loại mặt nạ trong tỉnh này. Một số che gần kín gương mặt, trong khi một số khác nhỏ hơn và có khe hở rộng hơn ở mắt. Một số mặt nạ làm bằng da, một số làm bằng vải thêu dày.
Tất cả các loại mặt nạ ít nhất đều che phủ phần trán và mũi, và khăn lụa thường được sử dụng để che phần miệng và đầu. Dân địa phương có thể nhận diện tên làng, địa vị hoặc xuất thân của người phụ nữ dựa vào hình dáng và màu sắc của mặt nạ người đó đeo.
Những chiếc mặt nạ mà phụ nữ người Bandari đeo có lẽ nổi bật nhất trong những trang phục khác thường của họ.
Loại mặt nạ ấn tượng có hình bộ ria mép, thường được phụ nữ trong làng trên đảo Qeshm đeo, được cho là đã được thiết kế nhiều thế kỷ trước để khiến phụ nữ địa phương trông có vẻ thô lỗ và nguy hiểm hơn.
Vị trí chiến lược của hòn đảo khiến nơi này dễ bị xâm lăng, khi kẻ thù thấy những người đeo mặt nạ ria mép, họ có thể nghĩ đó là các chiến binh nam giới.
Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ bỏ truyền thống này, họ chỉ còn đeo khăn choàng.
Dù cô gái trẻ này không thường đeo mặt nạ, nhưng khi tôi đề nghị chụp ảnh cô không đeo mặt nạ, cô từ chối. Trong nền văn hóa bảo thủ, phụ nữ không nên nói chuyện với người lạ, đặc biệt là đàn ông – và chụp ảnh mà không đeo mặt nạ là điều càng không nên.
Vì những chiếc mặt nạ bí ẩn, cộng đồng người Bandari nổi tiếng vì sự đóng kín và không giao lưu. Tuy nhiên, sau vài ngày ở khu vực này, tôi nhận thấy rất nhiều phụ nữ rất vui vẻ làm dáng để chụp ảnh và sẵn sàng chia sẻ văn hóa độc đáo và cách sống của họ.