Những con số ấn tượng trong Ngày mua sắm mùa thu 2016

Nằm trong chuỗi các sự kiện chuẩn bị cho Ngày mua sắm trực tuyến 2016 (Online Friday 2016) Ngày mua sắm mùa thu 2016 được tổ chức vào ngày 30/9 vừa qua thực sự để lại nhiều dấu ấn.

Báo cáo của BTC chương trình Ngày Mua sắm mùa thu 2016 cho thấy, có trên 300 doanh nghiệp trên toàn quốc tham gia.

Có hơn 78.000 đầu sản phẩm; Gần 800 chương trình khuyến mãi. Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia như: Thế giới di động, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Lazada, Sendo, Tiki, FPT Shop, VietjetAir, Jetstar, Pico, Sài Gòn Co.op, Adayroi và hệ thống các trung tâm thương mại Vincom,…

Phần lớn các doanh nghiệp tham gia nghiêm túc, mức giảm giá thực so với giá thị trường trung bình từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Không có sản phẩm hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng.

Chương trình đã nhận được hơn 13.000 lượt tải ứng dụng Online Friday và tham gia quét mã nhận quyền mua của người tiêu dùng.

Có tới hơn 5 triệu lượt khách hàng truy cập và xem sản phẩm trên website OnlineFriday.vn.

Cảnh báo đối với các doanh nghiệp bị phản ánh

Những doanh nghiệp tham gia Online Friday 2016 không khắc phục được việc quản lý khuyến mãi ảo, kém chất lượng, bị người tiêu dùng phản ánh nhiều sẽ được công bố rộng rãi sau khi kết thúc chương trình và được chuyển sang các đơn vị chức năng có liên quan để phối hợp và tiến hành xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổng doanh thu ước tính đạt 203 tỷ đồng với số đơn hàng ước tính khoảng 160.000 đơn.

Các mặt hàng bán chạy tập trung chủ yếu vào thiết bị điện tử, thời trang, đồ gia dụng và dịch vụ du lịch (vé máy bay).

Doanh số của các doanh nghiệp tăng trung bình 1,8 lần so với ngày bình thường.

Trong 24 giờ diễn ra Online Friday Mua sắm mùa thu, đã có 776 phản ánh/báo xấu được người tiêu dùng gửi về chương trình qua hệ thống phản ánh trực tuyến.

Trong đó: có 52,19% phản ánh giá niêm yết cao hơn giá thị trường; 24,61% phản ánh giá sản phẩm không đúng trên website doanh nghiệp so với Online Friday, đều 7% là phản ánh sản phẩm hết hàng trên website và nội dung sản phẩm không đúng/phản cảm, các mức phản ánh khác từ 2-3% là các phản ánh về chất lượng sản phẩm trên website không như mô tả trong khuyến mãi, website hỗ trợ không tốt hoặc giao diện website doanh nghiệp không thân thiện.

Có gần 60 doanh nghiệp đã bị phản ánh, trong đó 15 doanh nghiệp có số lượng phản ánh nhiều nhất và vượt mức điểm uy tín cho phép đã bị gán nhãn cảnh báo. Các doanh nghiệp này sẽ nhận được công văn cảnh cáo, yêu cầu giải trình về các phản ánh trong Online Friday Mua sắm mùa thu và được đưa vào danh sách các doanh nghiệp bị giám sát trong suốt chương trình.

Khuất Nguyên (T/h)