Những chiêu hút khách “cao tay” của các trang thương mại điện tử
Pinduoduo

Từ vui chơi có thưởng, mua theo nhóm, đến hộp quà bí ẩn, các tập đoàn thương mại điện tử đang định hình lại tương lai của mua sắm.

Vui chơi có thưởng

Nền tảng mạng xã hội thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo cho phép người mua sắm chơi trò chơi để rút các phần thưởng như mã giảm giá và sản phẩm miễn phí.

Pinduoduo nổi tiếng với phương thức mua hàng theo nhóm. Càng nhiều người tập hợp mua hàng với số lượng lớn, mức giảm giá càng nhiều. Người dùng có thể nhận ưu đãi tốt hơn nữa khi họ chia sẻ các chương trình khuyến mãi rộng rãi trên trang cá nhân.

Bên cạnh đó, chơi trò chơi như nông trại ảo hoặc hoàn thành nhiệm vụ xem các buổi phát trực tiếp cũng sẽ nhận phần thưởng là các sản phẩm như trái cây tươi và sữa, được giao đến tận cửa nhà khách hàng.

Mức giảm giá sâu của nền tảng đối với mọi sản phẩm, từ đồ dùng văn phòng đến xe điện Tesla đã giúp Pinduoduo thu hút lượng khách hàng trung thành. Theo báo cáo hoạt động mới nhất, Pinduoduo đã giành vị trí hàng đầu vào năm 2020 với 788 triệu người dùng hoạt động, vượt con số 779 triệu của Alibaba.

Cửa hàng kỹ thuật số

Trải nghiệm mua sắm ở Burberry

Các thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc đang sử dụng tiểu ứng dụng bên trong WeChat để kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến ở chính tại cửa hàng.

Tại cửa hàng của Burberry ở Thâm Quyến, khách hàng có thể quét hình ảnh các mặt hàng để hiển thị chúng trong WeChat, tạo môi trường mô phỏng để tương tác, đặt lịch hẹn, điều chỉnh ánh sáng và âm nhạc trong phòng thử đồ. Mỗi thao tác trên tiểu ứng dụng sẽ nhận được điểm thưởng.

WeChat tiếp cận hơn 1,2 tỷ người dùng, 60% trong số đó sử dụng các tiểu ứng dụng bên trong. Đây được coi là phương thức mới mẻ đối với trải nghiệm mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc, cho phép người mua sắm đắm mình trong cửa hàng kỹ thuật số của một thương hiệu.

Phát trực tiếp và giảm giá

BTS đang là át chủ bài của Tokopedia

Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Tokopedia của Indonesia tận dụng sức hút của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, nghệ sĩ âm nhạc được stream nhiều nhất ở Indonesia, để thu hút khách hàng đến với các chương trình khuyến mãi theo mùa.

Trong sự kiện mua sắm trực tuyến Waktu Indonesia Belanja kéo dài một tháng trên nền tảng, các màn trình diễn của BTS và nhóm nhạc nữ Blackpink được phát trực tiếp, trong khi các chương trình giảm giá và ưu đãi mới được tung ra trong ứng dụng Tokopedia.

Phát sóng cùng lúc trên Tokopedia và kênh YouTube, chương trình còn có sự góp mặt của các ngôi sao nhạc pop, rapper và diễn viên hài Indonesia. Các phần thưởng như giao hàng miễn phí được cung cấp đồng thời với sự kiện phát.

Tokopedia là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Indonesia vào năm 2019, nhưng đã hụt hơi trước Shopee vào năm 2020. Tokopedia hy vọng “hiệu ứng BTS” sẽ giúp công ty gia tăng doanh thu khi làn sóng Hàn Quốc tràn ngập quốc đảo Đông Nam Á.

Mua theo cộng đồng

Mua hàng theo nhóm cộng đồng đang được Meituan vận hành ở Trung Quốc

Các tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc như JD.com, Alibaba và Tencent đã đổ hàng triệu USD để chiếm lĩnh thị trường ở các thành phố cấp hai và cấp ba, các khu vực hẻo lánh, xa xôi, được đánh giá là khó tiếp cận.

Để cạnh tranh với các cửa hàng tạp hóa truyền thống, gã khổng lồ mới nổi Meituan vận hành mô hình được gọi là mua hàng theo nhóm cộng đồng. Các cư dân trong cùng một cộng đồng như hàng xóm, người quen sẽ được tập hợp lại để mua hàng tạp hóa với giá chiết khấu. Trong đó, sẽ có trưởng nhóm tổ chức các đơn đặt hàng trong mạng lưới.

Mô hình này khác với mua theo nhóm của Pinduoduo. Thay vì được giảm giá khi mua cùng một mặt hàng, người mua sắm sẽ nhận được ưu đãi tốt hơn bằng cách đặt hàng với trưởng nhóm.

Các trưởng nhóm sẽ giúp Meituan tiết kiệm chi phí đầu tư vào cả hậu cần và tiếp thị. Họ chịu trách nhiệm về cả khoản giao hàng, cũng như dễ dàng chuyển đổi bạn bè và gia đình thành người dùng mới.

Tiềm năng mô hình này là rất lớn, khi McKinsey ước tính ngành tạp hóa bán lẻ của Trung Quốc trị giá khoảng 800 tỷ USD, trong đó chỉ có 10% là trực tuyến.

Yếu tố bất ngờ

Hộp quà bí ẩn đặt tại các trung tâm thương mại.

Hộp bí ẩn đang trở thành chiến lược tiêu dùng phổ biến của các thương hiệu địa phương và quốc tế ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng thường là những lá bài hoặc mô hình nằm trong bộ sưu tập một nhân vật nào đó từ trò chơi điện tử, hoạt hình…

Đối với người mua sắm, sự hấp dẫn của phương thức này không phải đến từ giá trị món quà nằm trong chiếc hộp mà là cảm giác phấn khích khi mở hộp và sự hài lòng khi hoàn thành một bộ sưu tập.

Cộng đồng người hâm mộ và nhà sưu tập cũng có thể trao đổi với nhau cũng như trả thêm tiền để có cơ hội mở hộp quà những nhân vật mình chưa có.

Theo Người đưa tin

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-chieu-hut-khach-hang-cao-tay-cua-cac-trang-thuong-mai-dien-tu-a515202.html