Nhiều giải pháp giúp dân TP.HCM mua hàng trong giãn cách
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị trong ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội

Dự trữ thêm hàng, tăng thời gian mở cửa siêu thị, tìm thêm nguồn cung mới… là những biện pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời cho người dân trong thời gian giãn cách.

Ngay sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 nhằm phòng chống dịch COVID-19, các siêu thị, chợ, cửa hàng và sàn thương mại điện tử đã nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động mua sắm online phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh cũng tìm mọi cách tăng nguồn cung hàng hóa.

Ông Nguyễn Đắc Dũng, Chủ tịch Sendo.vn: Cung cấp 25 loại rau củ, trái cây tươi…

Hiện nay nhiều chợ truyền thống và chợ đầu mối đóng cửa khiến áp lực dồn lên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa, thực phẩm khiến hệ thống phân phối trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) quá tải.

Vì vậy chúng tôi đã nhanh chóng lên kế hoạch khởi động chương trình “Đi chợ tại nhà”. Cụ thể là chúng tôi cung ứng trên 25 loại rau củ tươi, trái cây, trứng sạch cùng các mặt hàng bách hóa thiết yếu như gia vị, mì gói, đồ hộp.

Chúng tôi tự tin đảm bảo cung ứng qua kênh online hàng trăm tấn thực phẩm tươi sống cho TP mà không cần thông qua chợ đầu mối.

Thực phẩm được khách hàng đặt mua trên sàn của chúng tôi được thu hoạch và đóng gói ngay tại vùng trồng thuộc các hợp tác xã uy tín, sau đó được vận chuyển đến tay khách hàng trong vòng 24 giờ sau khi đặt hàng.

Chúng tôi mong muốn “Đi chợ tại nhà” sẽ góp phần bình ổn thị trường và giúp người dân an tâm hơn khi ở nhà giữa mùa dịch.

Bà Lưu Hạnh, Giám đốc truyền thông Lazada: Liên tục giao hàng trong bảy ngày/tuần

Nhằm chung tay cùng người dân TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi sẽ áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển 100% cho tất cả đơn hàng thực phẩm tươi sống từ 50.000 đồng trên toàn địa bàn TP.HCM. Thời gian áp dụng từ ngày 9 đến hết 26-7.

Đồng thời, chúng tôi cũng áp dụng chính sách ưu đãi giảm giá 6% cho mỗi đơn hàng từ 150.000 đồng.

Qua đó để người dân có thể an tâm mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết ngay tại nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Về logistics, chúng tôi đã triển khai nhiều phương án, bao gồm việc tăng cường sắp xếp nhân sự giao hàng liên tục trong bảy ngày/tuần.

Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thiết kế lộ trình di chuyển của người giao hàng, để có thể giao được nhiều đơn hàng nhất tới người tiêu dùng trong thời gian nhanh nhất.

Tính riêng trong 12 giờ ngày 7-7, có tới 120.000 hộp sữa tươi được bán ra, 2 tấn sườn que và thịt gà cùng 10.000 quả trứng gà, vịt… được người dân mua.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc truyền thông và đối ngoại AEON Việt Nam: Nhiều giải pháp giúp dân TP.HCM mua hàng trong giãn cách 

Tăng nguồn hàng gấp bảy lần

Từ ngày 9-7 cho đến khi kết thúc thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, chúng tôi cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Tuy nhiên, do diễn biến dịch, các hoạt động giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa phần nào bị ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng của nhà cung cấp.

Trong bối cảnh đó, hiện nay AEON Việt Nam đã phối hợp với nhà cung cấp đăng ký danh sách xe vận chuyển hàng thiết yếu để được Sở GTVT cấp thẻ nhận diện phương tiện lưu thông luồng xanh.

Song song đó, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa khi thực hiện Chỉ thị 16, chúng tôi đã phối hợp với nhà cung cấp tăng nguồn hàng 5-7 lần với các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá…

Các sản phẩm thực phẩm khô cũng tăng 3-4 lần và đảm bảo không có sự biến động về giá cả hàng hóa, không những thế một số sản phẩm thịt còn đang được ưu đãi.

Bên cạnh đó, chúng tôi phát triển kênh đặt hàng qua điện thoại, qua các ứng dụng di động như AEON, Grabmart, Now… Riêng đối với dịch vụ đặt hàng qua điện thoại, AEON Việt Nam tăng thêm số điện thoại tiếp nhận đơn hàng tại các siêu thị và giao trong vòng ba ngày.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan: Nhiều giải pháp giúp dân TP.HCM mua hàng trong giãn cách

Không nên ùn ùn đi mua sắm

Tuy gặp khó khăn trong khâu vận chuyển nhưng công ty có thể tăng nguồn cung lên gấp đôi so với bình thường.

Thực tế công ty đã tăng lượng giết mổ heo, bò lên mức 1.200-1.300 con/ngày để dự trữ cho những ngày qua. Công ty cũng đã tăng mạnh lượng sản phẩm chế biến trên các quầy kệ siêu thị.

Tuy nhiên, trong những ngày qua có thời điểm hàng hóa tại siêu thị hết do người dân ùn ùn đi mua sắm tích trữ, vượt quá khả năng công suất của công ty, nhân viên chưa kịp bổ sung hàng. Do vậy người dân cần bình tĩnh, không kéo nhau đi mua hàng vì không thiếu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM: Nhiều giải pháp giúp dân TP.HCM mua hàng trong giãn cách 

Vận chuyển hàng thiết yếu đã thuận lợi

Trong khoảng thời gian đầu khi TP.HCM bùng phát dịch COVID-19, việc vận chuyển, lưu thông, cung ứng hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh, thành và ngược lại gặp những khó khăn, trở ngại nhất định. Nhưng hiện nay những vướng mắc trên được tháo gỡ.

Ví dụ, Bộ GTVT đã có hướng dẫn, phân luồng ưu tiên, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển chuyên gia, công nhân ra vào TP và các địa phương trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16.

Hoặc tài xế và người áp tải chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định của Bộ Y tế thì xe được lưu thông bình thường.

Chúng tôi đánh giá cao tính kịp thời và hiệu quả của quyết định này. Vì điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa cho ngành trong bối cảnh hiện nay, nhất là giữa các tỉnh, thành với TP.HCM và ngược lại.•

Yêu cầu siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng hàng chế biến sẵn

Ngày 9-7, UBND TP.HCM đã gửi công văn khẩn đến các đơn vị liên quan nhằm giải quyết khó khăn cho người dân khi không thể mua thức ăn mang về.

Theo UBND TP, thực tế có một bộ phận người dân gặp khó khăn từ việc tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày từ 0 giờ ngày 9-7.

Để kịp thời giải quyết khó khăn trên, UBND TP.HCM giao Sở Công Thương có văn bản yêu cầu các hệ thống phân phối: Saigon Co.op, Satra, MM.Mega market, Bách Hóa Xanh, Vinmart, Family Mart, AEON, Vissan… tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy kệ với chủng loại đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phối hợp với hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân khi có nhu cầu.

UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày bằng các hình thức phù hợp như: “đi chợ thay”, trực tiếp đặt hàng qua điện thoại tình nguyện viên giao trực tiếp; chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác.

Đi siêu thị mua hàng giúp người dân

Từ hôm 9-7, người dân trên địa bàn quận 3, TP.HCM đi mua sắm tại các siêu thị Co.opmart trên địa bàn quận này bằng hình thức phiếu mua hàng theo ngày chẵn, ngày lẻ. Mục tiêu nhằm giảm tải lượng người dân tập trung đông cùng một lúc ở các khu vực siêu thị.

Theo đó, mỗi hộ gia đình được tổ dân phố phát một phiếu mua hàng trên đó ghi rõ thông tin tên người đại diện gia đình, số điện thoại, địa chỉ, tổ dân phố, phường và địa chỉ siêu thị Co.opmart để đến mua sắm.

Người dân đến đúng siêu thị đã in trên phiếu, đúng ngày chẵn hoặc lẻ và xuất trình cho nhân viên siêu thị trước khi vào mua sắm…

Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết ngoài phát phiếu mua hàng, hướng dẫn người dân mua hàng qua app… quận 3 còn đang triển khai hình thức đi siêu thị giúp người dân.

“Việc làm này sẽ được thực hiện đối với các gia đình không có điều kiện đi siêu thị, không muốn đến nơi tiếp xúc đông người, đặc biệt là ở các khu vực phong tỏa, cách ly y tế” – bà Hằng nói.

Theo Pháp Luật

https://plo.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-giup-dan-tphcm-mua-hang-trong-gian-cach-999423.html