Nhà máy, doanh nghiệp hồi sinh sau đại dịch
1.500 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã dần hồi phục

Khoảng 1.500 nhà máy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM đang khởi động, phục hồi sản xuất và đón nhận công nhân quay trở lại làm việc sau mấy tháng đóng cửa vì dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, ngay từ giữa tháng 6, chính quyền thành phố đã triển khai cho tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 cho 322.000 công nhân tại 18 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.

Thế nhưng với sự lây lan tốc độ cao của biến thể mới Detal đã dẫn đến 800 nhà máy/doanh nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy/doanh nghiệp còn lại vẫn kiên trì phòng, chống dịch, tổ chức sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu theo phương thức “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” với ¼ lực lượng lao động.

Đến nay qua hơn 2 tuần hồi sinh, trong đó tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp đã có khoảng 700 nhà máy “3 tại chỗ” tiếp tục hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh, công nhân đã được về nhà.

Khoảng 1.500 nhà máy đang khởi động, phục hồi sản xuất và đón nhận công nhân quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, để hoạt động trở lại bình thường, ông Bé kiến nghị, các bộ, ngành nhất là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an cần thống nhất cách kiểm soát thông thương liên tỉnh và Bắc – Nam để 400 khu công nghiệp và khu kinh tế của nước nhanh chóng được kết nối giao thương nhằm cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu, hàng xuất nhập khẩu qua các tỉnh và đến các cảng.

Ngoài ra cần thống nhất hộ chiếu vắc xin, kết nối đường bay nội địa và quốc tế bởi 1.500 nhà máy bao gồm cả 500 nhà máy FDI thường là các mắt xích trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu.

Đó là chưa kể nhu cầu đón các nhà đầu tư và chuyên gia từ nước ngoài vào và đưa đội ngũ kỹ thuật đi đào tạo tại các nước.

“Chúng ta không thể mong có cây đũa thần, nhưng Nghị quyết 128/NQ-CP đang cho ta kỳ vọng về một định hướng chủ động tư duy với cách nghĩ, cách làm, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và tổ chức, đề ra các giải pháp đồng bộ, thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm kiểm soát được tình hình dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh với hiệu quả tốt nhất”, ông Bé nói.

Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/nha-may-doanh-nghiep-hoi-sinh-sau-dai-dich-post1391191.html