Nhà báo công nghệ Stewart Rogers: Hãy chơi thoải mái như đứa trẻ, độ lượng hơn với bản thân
Ông Stewart Rogers - Trưởng nhóm phân tích tại trang tin công nghệ Venture Beat (Mỹ)

Khởi nghiệp một công ty công nghệ không phải một bức tranh chỉ toàn màu hồng. Đằng sau những nụ cười tươi rói khi được thỏa sức thực hiện đam mê, giải quyết những vấn đề của thế giới, đã có những nhà sáng lập lựa chọn con đường cùng trước các sức ép phải đối mặt hàng ngày.

Một con số giật mình đã được Stewart Rogers, một nhà báo kiêm diễn giả trong lĩnh vực AI, AR/VR, blockchain…, chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 (Hanoi Innovation Summit) những ngày cuối tháng 8 vừa qua.

Ông cho biết tỷ lệ tự tử ở những người sáng lập (founder) công ty cao gấp đôi người bình thường, ở nam và nữ lần lượt là 10,9% và 3,7%.

Và theo những nghiên cứu đã được triển khai, các founder cũng là người có khả năng bị nghiện chất hướng thần cao gấp ba, có khả năng rơi vào tình trạng lưỡng cực cao gấp 10 lần người khác.

Một người bạn của ông năm ngoái cũng đã chết vì tự tử. “Người đó được biết đến là một founder rất thông minh, luôn có nụ cười tươi rói nhưng ta không biết vấn đề bên trong họ là gì. Chỉ đến một ngày bất ngờ nghe tin họ đã tự tử”, Stewart Rogers kể.

Trong con mắt của một người đã có 25 năm làm các công việc từ kinh doanh, marketing, quản lý đến trở thành người hướng dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ, thì start up công nghệ không phải một bức tranh màu hồng.

Lý do người ta gây dựng một start up đến từ sự thôi thúc đưa giải pháp cho các vấn đề trên thế giới này nên không khó để nhìn thấy gương mặt cười tươi, sự đam mê của họ khi được làm theo cái mình muốn.

Nhưng, đằng sau đó, vẫn luôn có nhiều sức ép trên vai những người sáng lập.

Rất nhiều người trong xã hội hô hào chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn, phải cố và cố. Khi chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội, ta thường chứng minh theo những mong muốn từ xã hội.

Nhưng trên thực tế chúng ta lại đang quá tải. Hãy thành thật với bản thân, đừng làm việc quá vất vả và phải làm việc thông minh.

Khi có đam mê, người ta cũng thường có xu hướng làm hết mình. Chính Stewart Rogers khi lao vào guồng viết sách có thể viết từ 8h sáng đến 1h chiều, nghỉ một chút rồi tiếp tục ngày qua ngày miệt mài. Sức ép công việc đối với các công ty khởi nghiệp, nhất là startup công nghệ, lại càng lớn hơn.

Thứ hai là sức ép về tài chính. Ngoài áp lực kiếm tiền nuôi gia đình còn là mong muốn những gì thu lại lớn hơn những gì bỏ ra khi có ý tưởng đầu tư. Cùng đó, khi là ông chủ doanh nghiệp, người ta còn chịu áp lực duy trì công việc, tạo việc làm cho người lao động của mình.

Ngoài ra, còn những áp lực đến từ sự đánh giá của người khác. Những người sáng lập doanh nghiệp có thể phải chịu sức ép lớn khi được xã hội đánh giá là một người xuất chúng, trong khi việc có ý tưởng hay như một thiên tài nhưng không có nghĩa anh sẽ là một nhà quản lý doanh nghiệp tốt.

Hay như với mạng xã hội, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng về thần kinh. Theo Stewart Rogers, mạng xã hội là con dao hai lưỡi một mặt giúp con người có thể dễ dàng trao đổi, nhưng mặt khác lại là nơi ta không thành thật với bản thân mình, khi thực tế rất khác so với hình ảnh trưng lên.

Những người bạn xung quanh rất quan trọng, hãy tập hợp quanh mình người cùng chí hướng, hướng đến sự hạnh phúc và tư tưởng tích cực. Bởi sự vui vẻ có khả năng lây truyền từ người này sang người khác.

Cùng chung tay để chia sẻ niềm vui, con người tập hợp nhau lại còn để chia sẻ và đối mặt với thất bại

Đối mặt với những sức ép này, lời khuyên của nhà báo công nghệ Stewart Rogers là đừng ngồi quá lâu trên máy tính, mà nên hòa mình với thiên nhiên.

“Tôi đã gặp nhiều người có khả năng ứng phó tốt với stress, không cần phụ thuộc vào thuốc hướng thần. Trong đó, thiền là một công cụ giúp lấy lại sự cân bằng trong suy nghĩ, tư tưởng. Ngoài ra, việc tập thể dục cũng mang lại hiệu quả tốt Việc tham gia vào các môn thể thao không nhất thiết phải tập các động tác quá sức, mà quan trọng là tạo ra sự thay đổi trong môi trường xung quanh”, ông cho hay.

Ông cũng cho rằng người lớn hãy chơi nhạc, vẽ, hòa mình vào buổi đi chơi một cách thoải mái nhất như trẻ nhỏ. “Không có gì sai khi người lớn chơi như một đứa trẻ cả! Điều thú vị là khi chúng ta chơi, não sẽ làm tốt hơn trong các công việc tiếp theo.

Dù không nghĩ đến công việc nhưng bộ não vẫn đang hoạt động. Tư tưởng sau đó rõ ràng hơn, ý tưởng đến rất nhanh, làm việc nhanh và hiệu quả hơn nhiều”.

Cùng đó, theo Stewart Rogers, nói chuyện và giao tiếp với nhau là một biện pháp hiệu quả. Đơn giản là việc chào hỏi khi gặp người lạ, từ đó có thể có những bước xa hơn để trò chuyện, cũng giống như các sinh viên trên các trường đại học vẫn tụ tập, làm quen nhau.

Khi chúng ta cởi mở, người khác cũng sẽ như vậy, chỉ cần chủ động ta sẽ nhận lại được sự phản hồi tích cực từ người khác. Không chỉ nói chuyện với người lạ, việc nói chuyện với con cái, người thân cũng cần được thực hiện nhiều hơn.

Nói chuyện với người mình tin tưởng không chỉ giúp giãi bày mà còn có thể có nguồn cảm hứng mới, từ đó trở thành nền tảng sức mạnh tinh thần.

Điều Stewart Rogers nhận thấy là có khá nhiều người có tư tưởng quá cầu toàn, nghĩ rằng họ phải thành công trong mọi tình huống. Chính điều này lại tạo ra gánh nặng quá lớn với bản thân họ.

Theo ông, mỗi người hãy nên độ lượng với chính mình, làm và học hỏi từ sự thất bại. Bởi thành công đã là tốt rồi nhưng thất bại cũng có thể giúp chúng ta đi xa hơn.

Một thực tế là xã hội đang quá khắt khe với thất bại, nhất là ở phương Đông trong khi theo Stewart Roger phương Tây rộng lượng hơn với điều này. Không có gì khiến doanh nghiệp xuống dốc và biến mất nhanh hơn khi người sáng lập tự tử hay qua đời sớm.

Do vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ những sức ép, dẫn đến lựa chọn đi vào bước đường cùng là tự tử, việc tập hợp nhau lại là cần thiết.

Điều này sẽ giúp tạo ra sự thay đổi trong toàn ngành bằng việc giúp nhau làm việc thông minh hơn, không phải vất vả hơn và chú trọng sức khỏe tinh thần.

Theo Đầu tư