Người trẻ xoay chuyển tình thế trong dịch: Đưa sợi tơ dứa ra thế giới
Trong đại dịch nhưng anh Hạnh vẫn đưa được sợi tơ dứa ra thế giới

Không chỉ nghiên cứu phát triển những sản phẩm thay thế để thích ứng với khó khăn, anh Nguyễn Văn Hạnh còn đưa sản phẩm sợi tơ từ lá dứa ra thế giới giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất

Từ khi dịch bệnh bùng phát, không vận chuyển được dứa tươi đi các nơi, ngay lập tức anh Nguyễn Văn Hạnh (32 tuổi), chủ nhân nông trại Hạnh Phúc, Giám đốc Hợp tác xã dứa Hạnh Phúc (Nghệ An), đã sáng tạo và tung ra thị trường những sản phẩm từ quả dứa bảo quản được lâu hơn.

Anh còn đưa được sản phẩm sợi tơ từ lá dứa ra thế giới ngay trong đại dịch.

Trong dịch không thể vận chuyển được dứa tươi, anh Hạnh (trái) đã sáng tạo nhiều sản phẩm thay thế như dứa sấy lạnh, nước dứa tươi sấy thăng hoa

Phải thích ứng và luôn chủ động

Anh Hạnh kể, từ khi dịch bùng phát mạnh, ở H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, toàn bộ nhân lực phải thực hiện phương án 4 tại chỗ. Trong thời gian này, không thể để “đứa con tinh thần” của mình bị điêu đứng, anh Hạnh đã nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm thay thế quả dứa tươi.

“Mình cho ra đời sản phẩm dứa sấy lạnh, sấy mộc không tẩm đường hay chất bảo quản. Bên cạnh đó là sản phẩm nước dứa tươi sấy thăng hoa, vừa đảm bảo được nguyên vị, chất dinh dưỡng thay thế dứa tươi mà còn bảo quản được lâu hơn, chỉ cần cho vào nước khuấy đều lên và uống”, anh Hạnh bộc bạch.

Chia sẻ về lý do nghiên cứu phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ dứa, anh Hạnh bày tỏ: “Mình phải thích ứng thôi, vì trong dịch dứa tươi không thể vận chuyển được, mà để lâu sẽ bị hư.”

“Bình thường TP.HCM là một trong những thị trường lớn nhất tiêu thụ dứa của mình, nhưng vì dịch bệnh khâu vận chuyển bị dừng. Không những thế, nhu cầu cần bổ sung chất dinh dưỡng, lượng vitamin để tăng cường sức đề kháng của người dân vùng dịch rất là cao, nên mình nghĩ cách để tạo nên những sản phẩm từ quả dứa tươi mà có thể bảo quản được lâu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Anh Hạnh cho biết trước dịch, trung bình mỗi tháng doanh thu của Hợp tác xã dứa Hạnh Phúc dao động khoảng 150 – 200 triệu đồng. Trong mùa dịch bị ảnh hưởng nhiều nhưng nhờ linh động chuyển đổi ngay nên anh Hạnh vẫn tạo được doanh thu để duy trì và trả lương nhân công

Trong đại dịch nhưng anh Hạnh vẫn đưa được sợi tơ dứa ra thế giới

Hành trình đưa nông sản ra thế giới

Là người trồng dứa, thấy sau mỗi vụ thu hoạch người nông dân tốn rất nhiều chi phí để xử lý phần lá dứa, thậm chí mọi người còn dùng thuốc diệt cỏ để cây dứa cháy khô và đốt.

Như thế vừa ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn rất nguy hiểm nếu đốt lan ra làm cháy rừng. Từ trăn trở đó, anh Hạnh nghĩ tại sao không tận dụng nguồn tài nguyên này và anh nghiên cứu dùng men vi sinh để ủ lá dứa làm phân bón xanh.


Rất sáng tạo để cứu được doanh nghiệp vượt khó

Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp của BSA, đánh giá: “Đây là một sự sáng tạo để có nhiều sản phẩm độc đáo, ý nghĩa đưa ra thị trường. Và khi Hạnh làm ra sản phẩm sợi tơ dứa đã đưa ra thế giới dự triển lãm, tạo sự chú ý rất lớn cho khách hàng các nước, đó là sự thành công rất lớn. Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, để giữ cho doanh nghiệp không phải phá sản là đã quá mừng, thì chàng trai này từ chỗ thay vì phải điêu đứng lại tạo ra được sản phẩm mới có thể giải quyết được công ăn việc làm, tận dụng hết tất cả nguyên liệu, phụ liệu từ cây dứa và còn nhận được những hợp đồng để xuất sang các nước. Tôi đánh giá cao tinh thần cố gắng và khả năng sáng tạo của Hạnh”.


Anh Hạnh kể: “Quá trình ủ lá dứa, mình thấy lá phân hủy thì còn lại các sợi tơ, thế là mình bắt đầu tìm hiểu thì biết được ngày xưa ông cha ta cũng lấy tơ sợi từ lá dứa để đan võng, làm dây thừng cột đồ.

Mà nguồn lá dứa theo mình khảo sát từ bắc vào nam rất dồi dào. Bên cạnh đó, người dân sau mùa thu hoạch dứa thì không có nguồn thu nào khác, nên mình muốn nghiên cứu phát triển để làm tơ sợi từ lá dứa”.

Từ đó, anh kết hợp với chị Vũ Thị Liễu (37 tuổi, Trưởng bộ môn công nghệ môi trường, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) nghiên cứu và phát triển sản phẩm sợi lá dứa ECOSOI. Anh Hạnh tìm tòi, nghiên cứu cách làm thủ công nhưng thấy tốn quá nhiều công sức và cũng không hiệu quả, nên bắt đầu sáng chế máy cơ khí để tăng công suất.

“Chiếc máy có thể tách được hơn 3 tấn lá dứa một ngày, tách được gần 2 kg sợi khô từ 100 kg lá dứa tươi, năng suất tương đương 20 người làm thủ công. Những sợi tơ từ lá dứa ứng dụng làm ra nhiều sản phẩm khác nhau, nhất là trong ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ, làm ra sản phẩm quần áo, khăn, túi xách, đồ trang trí, đan võng…”, anh Hạnh chia sẻ.

Sau đó, anh kết nối với chị Nguyễn Thị Thu Trang (sáng lập Hãng thời trang túi xách Ananda Zurich) là Việt kiều Thụy Sĩ cùng hợp tác và phụ trách về việc phát triển kinh doanh, quảng bá sản phẩm sợi lá dứa đến với các nước trên thế giới.

Nhờ thế ngay trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, đầu tháng 9 vừa qua, trong cuộc triển lãm các sản phẩm về phát triển bền vững trong các lĩnh vực của cuộc sống với tên gọi Gwand Sustainable Festival lần thứ 12 ở Lucern (Thụy Sĩ), sợi lá dứa thô và sản phẩm thời trang túi xách làm từ lá dứa được chị Trang đại diện giới thiệu tại triển lãm.

Từ đó, sợi tơ dứa tiếp cận được thị trường châu Âu và được đánh giá cao bởi tính thân thiện môi trường, bền vững, mang giá trị cộng đồng cho người dân bản địa và đã có những đơn đặt hàng đầu tiên để anh Hạnh đưa sợi lá dứa ra thế giới.

“Họ đã đặt hàng và mình đang chuẩn bị để chuyển hàng sang. Từ việc có thể xuất được sợi lá dứa đi các nước, mình đang lập đề án thuê đất xây dựng nhà máy để tạo công ăn việc làm cho bà con cũng như những người trẻ ở địa phương”.

Thanh Niên

https://thanhnien.vn/nguoi-tre-xoay-chuyen-tinh-the-trong-dich-dua-soi-to-dua-ra-the-gioi-post1389438.html