Người dân, doanh nghiệp phải được tham gia xây dựng thể chế
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng xây dựng thể chế suy cho cùng là để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước…

Tại hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, do Chính phủ tổ chức trực tuyến với các địa phương hôm qua (16.9), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng xây dựng thể chế suy cho cùng là để người dân và doanh nghiệp (DN) phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước nên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế phải quan tâm lấy ý kiến của người dân, DN.

Thủ tướng nhấn mạnh phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế bởi theo ông, thời gian qua, nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác này; chưa thấy rõ đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển, thể chế chất lượng cao, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng; bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trên tinh thần nhà nước pháp quyền.

Thủ tướng khẳng định xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định, cùng với nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế.

“Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và DN, để người dân và DN phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân và DN phải được tham gia”, Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh: “Lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”.

Thủ tướng cho rằng việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính bởi “nếu không phân cấp phân quyền, không biết mà quản thì chỉ là hợp thức hóa, không biết mà ký thì rất dễ bị sai”.

Tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề xuất cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả đại dịch; chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội.

Theo Thanh Niên

https://m.thanhnien.vn/thoi-su/nguoi-dan-doanh-nghiep-phai-duoc-tham-gia-xay-dung-the-che-1450788.html