Người dân, doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho bình thường mới ở TP.HCM?
Tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động cho người dân phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngoài các chính sách từ phía chính quyền TP.HCM, người dân, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế và các điều kiện cần thiết để trở lại cuộc sống bình thường mới.

Tính đến ngày 8-9, TP.HCM có một số địa phương như quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ đã kiểm soát được dịch. Các địa phương khác cũng đang đẩy mạnh hoạt động tiêm vaccine và y tế để sớm có phương án đưa cuộc sống người dân, doanh nghiệp (DN) trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ hôm qua (7-9) cho biết TP có đề xuất “thẻ xanh COVID-19” và nhóm chuyên gia y tế cùng nhóm chuyên gia kinh tế đang thiết kế thẻ này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 6-9 cũng nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi, thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

1. Người dân cần chuẩn bị gì?

Bí thư Nguyễn Văn Nên trong những cuộc trao đổi với báo chí gần đây liên tục nhắc lại: Tâm thế chuẩn bị và ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng để TP bước vào giai đoạn bình thường mới.

“Bình thường mới” rất khác so với “bình thường”, tức là có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 và bất kể ai cũng có thể nhiễm bệnh và lây cho người xung quanh. Như vậy trước tiên, người dân phải tự giác tiêm vaccine.

Hiện nay, điều đáng mừng là tỉ lệ tiêm chủng một mũi tại TP.HCM đã đạt khoảng 85% dân số từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, TP cũng có gần 130.000 người nhiễm bệnh đã bình phục, cũng được xem như người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

TP cũng đang triển khai “ba mũi nhọn”, gồm tiêm cố định cho bất kỳ người dân nào đang sống tại TP.HCM; tiêm đặc thù cho các DN tuyến đầu; tiêm lưu động cho người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất và những người đi lại khó khăn như người cao tuổi, bệnh nền.

Các loại vaccine TP đã dùng như AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm cho đến nay đều được chứng minh an toàn, hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bùng phát tại TP.HCM, việc tự nguyện tiêm vaccine theo khuyến cáo của ngành y tế sẽ giúp người dân có sức chống lại virus gây bệnh; đồng thời là cơ sở để TP nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, để người dân có thể đi làm trở lại, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và thậm chí là không thiết yếu trong điều kiện bình thường mới.

Điều quan trọng thứ hai chính là năng lực tự chăm sóc khi không may bị nhiễm bệnh. Bình thường mới tới đây không đồng nghĩa “zero-covid” nên phải chấp nhận số ca nhiễm cộng đồng có lúc tăng trở lại sau khi đã kiểm soát, miễn là hệ thống y tế đảm bảo tiếp nhận đủ bệnh nhân nặng để giảm thiểu tử vong.

Khi đã được tiêm vaccine, người dân nếu nhiễm bệnh phải khai báo y tế; tự cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tiếp theo, người dân phải tập thói quen tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn, khai báo y tế tại các điểm đến công cộng (chợ, siêu thị, trường học, sân vận động…).

Điều đó một mặt giúp bản thân phòng bệnh, mặt khác ngừa lây nhiễm cho người xung quanh và quan trọng không kém là cơ quan chức năng có thể theo dõi dịch tễ, kích hoạt hệ thống truy vết, khoanh vùng, cảnh báo khi xuất hiện các ca dịch trong cộng đồng.

2. Hộ sản xuất, kinh doanh chuẩn bị gì?

Với đặc thù phần lớn là dịch vụ, TP sẽ có những giải pháp để người dân sớm quay lại hoạt động kinh doanh, mua bán. Trong đó có thể kể đến các hộ gia đình kinh doanh thiết yếu; chợ; trung tâm thương mại và siêu thị; cho thuê nhà trọ, khách sạn…

Đặc thù của các nhóm sản xuất, kinh doanh này là thành phần nhỏ lẻ, ít người lao động nhưng lại có mức độ tiếp xúc rất nhiều, rất phức tạp và đa dạng thành phần. Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, khu vực này dễ làm bùng phát dịch cộng đồng, khó kiểm soát.

Thứ nhất, những người tham gia hoạt động kinh doanh, gồm cả chủ hộ kinh doanh và người lao động đều phải âm tính khi làm việc và được tiêm vaccine đầy đủ.

Bên cạnh đó, thường xuyên xét nghiệm (tối thiểu ba ngày/lần giai đoạn dịch còn căng thẳng; sau đó có thể giảm dần lên một tuần/lần) và không tiếp tục làm việc khi có biểu hiện bệnh COVID-19.

Thứ hai, không gian nơi làm việc và tiếp xúc với mọi người phải được tổ chức lại thông thoáng, được khử khuẩn thường xuyên; cần chú ý đến khoảng cách giữa người bán và người mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ.

Ví dụ, các quán ăn cần đảm bảo giãn cách giữa các bàn; giữa người bán và người nhận thức ăn; siêu thị cũng cấu trúc lại khu vực kệ trưng bày, vị trí xếp hàng tính tiền; kinh doanh đường phố nên có vạch kẻ giãn cách…

Cần nhắc nhở khách hàng thực hiện 5K, như sát khuẩn, khai báo y tế, đeo khẩu trang. Khi khách hàng đông cần có sự điều phối kịp thời để giảm nguy cơ tiếp xúc gần; đồng thời nên tính toán đẩy mạnh các hình thức mua online – giao tận nhà hoặc bán mang về.

Thứ ba, khuyến khích khách hàng thanh toán điện tử, chuyển khoản bằng nhiều hình thức khác nhau (trả thẻ, e-banking, ví điện tử…) thay vì chỉ sử dụng tiền mặt.

Thứ tư, các hộ kinh doanh trong một phạm vi nhất định (trong cùng một hẻm, tổ dân phố, khu chợ, siêu thị) cần chủ động lập ra các tổ tự quản.

Một mặt có thể kịp thời thông tin cho nhau khi xuất hiện ca nhiễm để có biện pháp phản ứng; mặt khác, có thể nhắc nhở nhau, hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch.

3. Doanh nghiệp cần chuẩn bị ra sao?

Bình thường mới ở TP không thể để khối DN đứng ngoài. Các DN kinh doanh hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, thương mại – dịch vụ, sản xuất hàng hóa và các cảng là những nhóm DN cần sớm thích nghi với môi trường làm việc có SARS-CoV-2 để hoạt động lâu dài và bền vững.

Nhóm DN này đăng ký kinh doanh có mã số thuế (hoặc muốn đăng ký thành lập mới), với số lượng người lao động từ thấp (vài chục người) đến rất cao (vài chục ngàn người). Người lao động có nơi cư trú đa dạng, từ các khu nhà trọ, khu tập thể đến các khu đông dân cư.

Nếu xảy ra dịch bệnh thì theo kinh nghiệm vừa qua cho thấy tốc độ bùng phát nhanh. Vì thế cho nên tất cả người lao động đều phải được tiêm vaccine hai mũi.

Người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phải đảm bảo các quy định về 5K mà Bộ Y tế hướng dẫn. Trong giai đoạn số ca cộng đồng còn cao, phải tổ chức cho người lao động theo mô hình “một cung đường – hai địa điểm”, tức là nhà ở và nơi làm việc.

Mỗi DN tùy vào quy mô hoạt động, cần thành lập một hoặc nhiều tổ tự quản về phòng chống dịch để ứng phó với những kịch bản có thể xảy ra.

Tổ tự quản giúp mọi người giám sát, hỗ trợ, nhắc nhở nhau trong sinh hoạt, làm việc để vừa đảm bảo hiệu quả công việc vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là khi trong nội bộ xuất hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm.

Các DN cũng cần thúc đẩy thanh toán bằng điện tử, giảm thiểu tiền mặt; đẩy mạnh mô hình thương mại điện tử, bán mang về.•

Vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng

Để người dân, DN tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới, Nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trong bối cảnh TP.HCM đã siết chặt giãn cách suốt nhiều tuần qua.

Thứ nhất, với người dân, chiến lược tiêm chủng cần “thần tốc hơn nữa”. Các chuyên gia y tế cho rằng quy trình tiêm vaccine hiện nay có thể được rút ngắn để tăng công suất mà vẫn đảm bảo an toàn, ví dụ việc chờ sau tiêm đến 30 phút là quá dài và không cần thiết.

Vì vậy, cần dựa vào dữ liệu tiêm chủng thời gian qua để cải tiến quy trình tiêm hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Thứ hai, phương án “thẻ xanh COVID-19” cần được thúc đẩy nhanh chóng, trong đó lấy công nghệ và dữ liệu làm nền tảng. Cần gom tất cả ứng dụng trước đây vào chung một ứng dụng có thể tích hợp chức năng, giúp người dân:

(i) Khai báo y tế tại các điểm đến nơi công cộng; (ii) Khai báo y tế khi nhiễm bệnh/nghi nhiễm để kích hoạt việc truy vết, thông báo cho cơ quan y tế và các F1; (iii) Khai báo khi qua chốt kiểm dịch;

(iv) Cập nhật vấn đề tiêm chủng hoặc chữa trị… Đây là một ứng dụng “gối đầu giường”, có giá trị trong mọi hoạt động đời sống của người dân khi bình thường mới.

Thứ ba, việc giúp đỡ người dân nắm rõ kiến thức, thao tác quen thuộc như tự xét nghiệm, tự cách ly và chăm sóc, chữa trị tại nhà hiệu quả, an toàn là rất quan trọng. Người dân thích nghi được với virus thì họ sẽ bình tĩnh ứng xử dù họ ở nhà hay ở nơi làm việc, nơi công cộng.

Cuối cùng, các hộ kinh doanh và DN vẫn cần một bệ đẩy sau một thời gian thiệt hại do giãn cách.

Các chính sách miễn thuế, cho vay vốn, gia hạn nợ, kết nối hệ thống DN cùng ngành, xúc tiến thương mại, giảm giá thuê mặt bằng, các gói tài chính kích cầu hay các chương trình hỗ trợ xây dựng hệ thống phòng chống dịch (xét nghiệm nhanh, thuốc kháng virus, khử khuẩn…) là rất cần thiết cho họ lúc này.

Theo PL TPHCM

https://plo.vn/thoi-su/nguoi-dan-doanh-nghiep-can-chuan-bi-gi-cho-binh-thuong-moi-o-tphcm-1013866.html