Nguyễn Thế Đại Nghĩa, Lê Hoành Sử*, Trần Thị Ánh, Nguyễn Tiến Dũng
Trường Đại học Kinh tế – Luật- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM)
*Tác giả liên hệ: Lê Hoành Sử, Email: sulh@uel.edu.vn
Nguyễn Thế Đại Nghĩa, Lê Hoành Sử*, Trần Thị Ánh, Nguyễn Tiến Dũng
Trường Đại học Kinh tế – Luật- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM)
*Tác giả liên hệ: Lê Hoành Sử, Email: sulh@uel.edu.vn
Tóm tắt: Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh và mở rộng hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Thương mại điện tử Việt Nam cũng phát triển vượt bậc trong bối cảnh dịch COVID 19 làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng và các xu hướng công nghệ mới được du nhập, từ đó thúc đẩy nhu cầu học tập nâng cao kiến thức về Thương mại điện tử của người lao động trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đào tạo Việt Nam đang thiếu một chương trình đào tạo cao học cho ngành Thương mại điện tử. Bài tham luận này đánh giá nhu cầu, thực trạng của đào tạo cao học ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp để xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cao học Thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0: Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh với quy mô lớn. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam là tâm điểm phát triển của khu vực Đông Nam Á với một nền kinh tế mở và hội nhập. Các phương thức và mô hình kinh doanh mới trong thời đại công nghiệp 4.0 được các doanh nghiệp trong nước áp dụng rộng rãi, nổi bật nhất là sự hoạt động trong mảng Thương mại điện tử. Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021”, doanh thu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.
Trên toàn cầu, doanh thu B2C cũng tăng 8,1% lên 6.388 tỷ USD. Tại khu vực Đông Nam Á, doanh thu Thương mại điện tử cũng tăng mạnh 63% từ 38 tỷ lên 62 tỷ USD. Để theo kịp xu hướng phát triển với các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực thì việc phát triển thương mại điện tử là yếu tố quan trọng của các doanh nghiệp trong nước. Hơn thế nữa, tác động của đại dịch COVID-19 trong hai năm vừa qua đã tạo nhiều chuyển biến trong hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Số lượng người sử dụng Internet tiếp tục tăng, chiếm 70% dân số và thời lượng truy cập Internet mỗi ngày cũng tăng. Tương ứng, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cũng tăng 11% lên 88% và giá trị mua sắm trực tuyến trung bình cũng tăng từ 225 USD lên 240 USD. Sự chuyển biến của người dùng càng làm cho các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số và tham gia sâu rộng vào lĩnh vực thương mại điện tử. Do đó sự phát triển tất yếu này sẽ phát sinh các đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao về tri thức trong hoạt động quản lý thương mại điện tử và chuyển đổi số của các cấp lãnh đạo tại các doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Xu thế hội nhập quốc tế về Thương mại điện tử: Theo báo cáo “Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam” của Fitch Solutions cho quý III năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế với 74,6 trên 100 điểm về độ mở kinh tế. Điểm số này cao hơn mức trung bình của châu Á là 46 và mức trung bình toàn cầu là 49,5 điểm. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì những thách thức cơ bản liên quan đến sự hội nhập quốc tế về Thương mại điện tử, kinh tế số và chuyển đổi số càng trở nên cấp thiết.
Trước mắt, việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 với việc cho phép 11 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương (trong đó có nghề nghiệp Thương mại điện tử) đã tạo nên những cơ hội và thách thức cũng như khẳng định xu hướng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Thương mại điện tử. Xu thế hội nhập này đã mở ra một cơ hội rất lớn cho nghề nghiệp Thương mại điện tử với hàng triệu doanh nghiệp và hơn 600 triệu cư dân các nước thành viên khối ASEAN.
Một khảo sát của Trường Đại học Kinh tế- Luật thuộc ĐHQG-HCM được tiến hành năm 2021 về nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ cao học về Thương mại điện tử của doanh nghiệp cho thấy khoảng 62% trong số mẫu khảo sát 30 doanh nghiệp đang có nhu cầu hoặc nhu cầu rất cao trong việc tuyển dụng nhân sự lĩnh vực này (Hình 1.1).
Nhu cầu nâng cao trình độ về Thương mại điện tử: Thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Thương mại điện tử hiện nay cho thấy mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo tham gia đào tạo chuyên ngành Thương mại điện tử khá nhiều; số lượng sinh viên tốt nghiệp dồi dào nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động do thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng tự định hướng phát triển năng lực cá nhân, năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng giải quyết các công việc phức tạp, khó dự báo.
Khi các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống chuyển đổi hoặc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực Thương mại điện tử, các nhân sự hiện hữu từ nhân viên đến cấp quản lý đều gặp khó khăn khi phải thực hiện chuyển đổi do họ không có nền tảng chuyên môn về Thương mại điện tử. Do đó nhu cầu hoàn thiện và nâng cao kiến thức trong lĩnh vực Thương mại điện tử từ phía người lao động hiện nay cũng rất lớn, nhất là nhu cầu được học cao học ngành Thương mại điện tử tại những cơ sở đào tạo có chất lượng, uy tín và được xã hội công nhận.
Theo số liệu khảo sát do khoa Hệ thống thông tin thuộc trường Đại học Kinh tế – Luật tiến hành năm 2021 với đối tượng khảo sát là các sinh viên đã tốt nghiệp hệ đại học chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý và Thương mại điện tử, khoảng 84% đối tượng khảo sát có ý định hoặc đang cân nhắc tiếp tục học nâng cao trình độ (Hình 1.2), 80% đối tượng quan tâm đến chương trình cao học Thương mại điện tử (Hình 1.3).
Việt Nam đang có nhu cầu cấp thiết về một chương trình đào tạo cao học ngành Thương mại điện tử để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của ngành trong giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn. Dựa trên báo cáo về Đào tạo Thương mại điện tử của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2022, có 36 trường đại học đào tạo ngành Thương mại điện tử trình độ đại học theo mã ngành 7340122 thuộc lĩnh vực đào tạo Kinh doanh và Quản lý, nhóm Ngành kinh doanh. Tuy nhiên, đào tạo cao học ngành Thương mại điện tử hiện nay đang là một khoảng trống mênh mông. Trong hệ thống các trường thành viên của Đại học quốc gia cũng như các trường ngoài hệ thống, chưa có trường nào đào tạo hệ cao học ngành này.
Cùng với việc thiếu hụt các cơ sở giáo dục đào tạo cao học ngành Thương mại điện tử, số lượng và chất lượng giảng viên có học vị tiến sĩ cũng thiếu hụt và không thể tăng nhanh. Ngoài ra, giảng viên ngành này còn phải liên tục cập nhật kiến thức để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cũng như mở rộng kiến thức đa ngành sang các lĩnh vực có liên quan của quá trình chuyển đổi số như chính phủ số, kinh tế số và xã hội số….
Cao học ngành Thương mại điện tử khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Các học viên có thể dễ dàng tìm cho mình một chương trình đào tạo được tổ chức giảng dạy bởi các trường đại học uy tín được kiểm định về chất lượng đào tạo tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Hiện nay có hai xu hướng đào tạo cao học chính của ngành Thương mại điện tử: chương trình chỉ tập trung vào mảng Thương mại điện tử và chương trình kết hợp với các kiến thức liên quan trong lĩnh vực quản trị, tiếp thị, điện toán, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Chương trình đào tạo thuần về Thương mại điện tử (Đại học Dublin City – Ireland, Đại học Montréal – Canada, Đại học Thành phố Hong Kong – Trung Quốc) được thiết kế giúp học viên phát triển kiến thức về các xu hướng mới nổi trong Thương mại điện tử và khả năng khai thác công nghệ kỹ thuật số để tạo ra trải nghiệm khách hàng trực tuyến hấp dẫn. Các chương trình này đào tạo học viên trở thành một chiến lược gia giỏi trong lĩnh vực Thương mại điện tử với khả năng phân tích các vấn đề để tích hợp hiệu quả các mô hình và công nghệ thương mại điện tử trong doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo kết hợp mảng Thương mại điện tử với các ngành liên quan, như Thương mại điện tử và Điện toán Internet (Đại học Hong Kong – Trung Quốc), Thương mại điện tử và Quản trị kinh doanh chuyển đổi số (Đại học Frankfurt – Đức), Tiếp thị số và Thương mại điện tử (TBS Education – Pháp) sẽ cung cấp cho học viên các kiến thức thiên về hướng kinh doanh, tiếp thị và quản lý nhiều hơn, đồng thời vẫn tích hợp các kiến thức về công nghệ trong lĩnh vực Thương mại điện tử và Điện toán Internet hoặc chuyển đổi số. Số lượng chương trình đào tạo có nội dung kết hợp giữa Thương mại điện tử và các ngành liên quan được các trường cung cấp nhiều hơn vì trên thực tế, Thương mại điện tử là một lĩnh vực liên ngành đòi hỏi nhiều kiến thức của các chuyên ngành khác nhau.
Nghiên cứu chương trình đào tạo cao học nước ngoài: Các chương trình đào tạo cao học về Thương mại điện tử trên thế giới rất đa dạng và nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ. Không chỉ tập trung vào Thương mại điện tử, nhiều chương trình có sự tích hợp giữa Thương mại điện tử và quản trị, tiếp thị hoặc kinh tế số. Do đó các cơ sở giáo dục đào tạo tại Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo các chương trình này để xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của học viên.
Xây dựng chương trình đào tạo cao học phù hợp với bối cảnh phát triển Thương mại điện tử tại Việt Nam: Việc xây dựng chương trình đào tạo cao học cần trải qua 8 bước: khảo sát xác định nhu cầu người học, xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra, xác định cấu trúc và khối lượng kiến thức, đối chiếu chương trình đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, thiết kế đề cương chi tiết, tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chương trình đào tạo, hoàn thiện dự thảo chương trình đào tạo và đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo.
Thông qua các bước xây dựng chương trình như trên, các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ xác định rõ nhu cầu của người học, từ đó xây dựng mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra của chương trình cũng như khối lượng kiến thức phù hợp với bối cảnh phát triển Thương mại điện tử tại Việt Nam.
Các chương trình đào tạo cần nghiên cứu đối chiếu với chương trình của các trường quốc tế để cập nhật kịp thời các xu hướng mới, đồng thời có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết nhằm hướng đến việc thực hiện kiểm định quốc tế. Các chương trình nếu đạt được chất lượng thông qua các kiểm định quốc tế sẽ tạo uy tín cho cơ sở giáo dục đào tạo và thu hút thêm người học, giảng viên và các đối tác.
Các cơ sở giáo dục đào tạo cần đánh giá và cập nhật thường xuyên nội dung chương trình môn học và phương pháp giảng dạy dựa trên các tiến bộ mới của lĩnh vực chuyên ngành và yêu cầu của việc sử dụng lao động
Nhằm hướng đến sự thuận tiện cũng như gia tăng sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, các chương trình cao học Thương mại điện tử cần được thiết kế nội dung kiến thức phù hợp để dễ dàng liên thông với các chương trình đào tạo cử nhân ngành Thương mại điện tử. Số lượng cử nhân tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử hàng năm của các trường hiện nay sẽ là nguồn tuyển sinh dồi dào cho các chương trình liên thông cao học.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cũng như tính hiệu quả, thiết thực của chương trình đào tạo cao học, các cơ sở giáo dục đào tạo cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới cũng như nhận đặt hàng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Thương mại điện tử từ các doanh nghiệp hoặc các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tập hợp đội ngũ giảng dạy có trình độ cao: Để đáp ứng được chất lượng đào tạo cũng như hướng đến việc thực hiện các kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế, trước hết cần phải đảm bảo việc tập hợp được một đội ngũ giảng dạy có trình độ cao. Vì tính chất liên ngành của lĩnh vực Thương mại điện tử, các cơ sở giáo dục đào tạo có thể tận dụng các giảng viên trình độ cao đến từ các ngành gần hoặc có liên quan như Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin, Kinh tế và Quản trị kinh doanh. Các giảng viên này cần được cập nhật và bổ túc thêm các kiến thức mới về Thương mại điện tử thông qua các buổi hội thảo khoa học, các chương trình bồi dưỡng kiến thức để có thể duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Liên kết phối hợp với đội ngũ chuyên gia thương mại điện tử của các doanh nghiệp lớn trong Hiệp hội thương mại điện tử: Các chuyên gia thương mại điện tử của các doanh nghiệp là người nắm rõ tình hình kinh doanh, các thông tin về thị trường, khách hàng, các giải pháp công nghệ, các vấn đề, khó khăn khi triển khai kênh thương mại điện tử. Do đó các cơ sở giáo dục đào tạo cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị, cấp quản lý nhà nước, với doanh nghiệp, với Hiệp hội thương mại điện tử để đưa các kiến thức, kinh nghiệm thực tế vào các chương trình đào tạo nhằm gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn.
Liên kết đào tạo với các trường quốc tế: Các cơ sở giáo dục đào tạo cần đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết đào tạo với các trường quốc tế có uy tín với các chương trình đào tạo đã đạt kiểm định về chất lượng để nâng cao chất lượng đầu ra của học viên. Đồng thời các hoạt động hợp tác liên kết này sẽ phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế của lĩnh vực thương mại điện tử, giúp cho các kiến thức, mô hình, công nghệ và giải pháp luôn được cập nhật thường xuyên và liên tục. Học viên có khả năng hội nhập quốc tế và làm việc trong môi trường toàn cầu.
Theo Huo, W., Wu, M., and Soar, J. (2020), việc liên kết đào tạo quốc tế còn mang lại lợi ích hai chiều cho các cơ sở giáo dục đào tạo. Không chỉ mở ra cơ hội học tập tại nước ngoài cho học viên trong nước, các chương trình liên kết quốc tế còn có thể thu hút học viên nước ngoài đến theo học tại Việt Nam. Nhờ thế, xu hướng quốc tế hóa trong giáo dục đào tạo cao học tại Việt Nam sẽ từng bước được củng cố và phát triển.
Tóm lại, sự phát triển tất yếu của thương mại điện tử trong nước, xu thế hội nhập quốc tế về thương mại điện tử đã tạo ra nhiều thách thức lẫn cơ hội đối với nghề nghiệp trong lĩnh vực này cũng như đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, của sự phát triển khoa học. Thực trạng thiếu hụt một chương trình đào tạo cao học về Thương mại điện tử của các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước càng làm tăng thêm nhiều khó khăn, thách thức cho sự phát triển của Thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Để giải quyết tình trạng trên đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và đẩy mạnh sự hợp tác, hỗ trợ đồng bộ của các ban ngành, các cơ sở giáo dục, các hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trước mắt, căn cứ Quy chế hoạt động của Đại học Quốc gia TPHCM có thể thí điểm mở các chương trình sau đại học, đào tạo thạc sĩ Thương mại điện tử. Do đó, theo kế hoạch và chiến lược phát triển, trường Đại học Kinh tế – Luật sẽ xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Thương mại điện tử và sớm trình ĐHQG-HCM.
Khi đó, thực hiện các kiến nghị nêu trên sẽ góp phần giúp các trường xây dựng được một chương trình đào tạo cao học Thương mại điện tử chất lượng, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam, hướng đến việc hội nhập với khu vực và thế giới.
Tài liệu tham khảo
Liên hệ quảng cáo
Công ty CP Phát triển Truyền thông Thương gia ViệtTheo dõi Thương gia Thị trường