NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ VẤN ĐỀ  ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG ĐH HÒA BÌNH

Nguyễn Tiến Mạnh, ThS. Nguyễn Thị Lý

 Khoa QTKD, Trường ĐH Hòa Bình

Kế hoạch mở ngành đào tạo Thương mại điện tử của trường Đại học Hòa Bình đã có từ lâu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa| FB Đại học Hòa Bình

Mở đầu

Trong những năm gần đây, mạng điện tử nói chung và internet nói riêng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Kèm theo đó là các dịch vụ mua bán thông qua loại hình này và cụ thể là thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng.Vậy thương mại điện tử là gì? Các đặc điểm cơ bản của thương mại điện tử là gì?  Nguồn nhân lực theo học ngành Thương mại điện tử sẽ được trang bị những kiến thức gì? Sau khi học xong ngành Thương mại điện tử ra trường thì làm gì? Làm ở đâu?… Xây dựng ngành Thương mại điện tử  hiện nay là rất quan trọng và cấp thiết theo xu thế phát triển của Việt Nam nói chung và của ngành giáo dục và đào tạo nói riêng. Theo Quyết định số 1563/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016  của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, đã nhấn mạnh nội dung thực hiện về Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử (khoản 4, mục III, điều 1), trong đó nêu rõ phải “đẩy mạnh đào tạo chính quy về thương mại điện tử, gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Việc mở ngành đào tạo Thương mại điện tử nhằm cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội hiện nay là rất quan trọng. Tất cả những nội dung đó được đề cập trong bài viết này.

 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

  1. Khái niệm thương mại điện tử

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), “Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet”.

Như vậy, Thương mại điện tử là hình thức mua và bán hàng hóa và dịch vụ, hoặc chuyển tiền hay dữ liệu qua mạng điện tử, chủ yếu là internet và các phương tiện điện tử khác. Các giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như: giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng… Hiện nay ngành Thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển rất mạnh. Hầu hết các công ty bán hàng mới thành lập đều là các công ty thương mại điện tử và mua sắm qua mạng đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người Việt Nam. Các giao dịch kinh doanh này xảy ra giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Có thể thấy rằng phạm vi của Thương mại điện tử rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế, việc mua bán hàng hóa và dịch vụ chỉ là một trong hàng ngàn lĩnh vực áp dụng của Thương mại điện tử. Theo nghĩa hẹp thương mại điện tử chỉ gồm các hoạt động thương mại được tiến hành trên mạng máy tính mở như Internet. Trên thực tế, chính các hoạt động thương mại thông qua mạng Internet đã làm phát sinh thuật ngữ Thương mại điện tử.

Thương mại điện tử được thực hiện đối với cả thương mại hàng hóa (ví dụ như hàng tiêu dùng, các thiết bị y tế chuyên dụng) và thương mại dịch vụ (ví dụ như dịch vụ cung cấp thông tin, dịch vụ pháp lý, tài chính); các hoạt động truyền thống (như chăm sóc sức khỏe, giáo dục ) và các hoạt động mới (ví dụ như siêu thị ảo). Thương mại điện tử đang trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức mua sắm của con người.

  1. Các mô hình thương mại điện tử

* Doanh nghiệp với Doanh nghiệp: Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đề cập đến việc trao đổi điện tử các sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin giữa các doanh nghiệp. Đây là mô hình thương mại điện tử gắn với mối quan hệ giữa các công ty với nhau. Ví dụ bao gồm các thư mục trực tuyến và các trang web trao đổi sản phẩm và cung cấp cho phép doanh nghiệp tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ và thông tin và bắt đầu giao dịch thông qua giao diện mua sắm điện tử.

* Doanh nghiệp với Người tiêu dùng: Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng là bộ phận bán lẻ của thương mại điện tử trên internet. Đó là khi doanh nghiệp bán sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng. Ngày nay, có vô số cửa hàng và trung tâm ảo trên internet bán tất cả các loại hàng tiêu dùng. Ví dụ được công nhận nhất của các trang web này là Amazon, công ty thống trị thị trường này.

* Người tiêu dùng với Người tiêu dùng: Đây là một mô hình thương mại điện tử trong đó người tiêu dùng trao đổi sản phẩm, dịch vụ và thông tin với nhau trực tuyến. Các giao dịch này thường được thực hiện thông qua một bên thứ ba cung cấp một nền tảng trực tuyến mà các giao dịch được thực hiện.

* Người tiêu dùng với Doanh nghiệp: là một loại mô hình thương mại điện tử trong đó người tiêu dùng làm cho sản phẩm và dịch vụ của họ có sẵn trực tuyến để các công ty đấu thầu và mua. Điều này trái ngược với mô hình thương mại truyền thống của Doanh nghiệp với Người tiêu dùng.

  1. Các đặc điểm của thương mại điện tử

So với các hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử có một số điểm khác biệt cơ bản sau:

– Các bên tiến hành giao dịch trong thương mại điện tử không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước.

– Các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện với sự tồn tại của khái niệm biên giới quốc gia, còn thương mại điện tử được thực hiện trong một thị trường không có biên giới (thị trường thống nhất toàn cầu). Thương mại điện tử trực tiếp tác động tới môi trường cạnh tranh toàn cầu.

– Trong hoạt động giao dịch thương mại điện tử đều có sự tham ra của ít nhất ba chủ thể, trong đó có một bên không thể thiếu được là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực.

– Đối với thương mại truyền thống thì mạng lưới thông tin chỉ là phương tiện để trao đổi dữ liệu, còn đối với thương mại điện tử thì mạng lưới thông tin chính là thị trường.

  1. Những ưu điểm và nhược điểm của thương mại điện tử

* Ưu điểm

– Thương mại điện tử cung cấp cho người bán một phạm vi toàn cầu, xóa bỏ rào cản về địa lý. Bây giờ người bán và người mua có thể gặp nhau trong thế giới ảo, mà không gặp trở ngại về vị trí.

– Thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể chi phí giao dịch. Nó loại bỏ nhiều chi phí cố định để duy trì các cửa hàng. Điều này cho phép các công ty được hưởng lợi nhuận cao hơn nhiều.

– Nó cung cấp giao hàng nhanh chóng với rất ít nỗ lực từ phía khách hàng. Khiếu nại của khách hàng cũng được giải quyết nhanh chóng. Nó cũng tiết kiệm thời gian, năng lượng và nỗ lực cho cả người tiêu dùng và công ty.

– Một lợi thế lớn khác là sự tiện lợi mà nó cung cấp. Một khách hàng có thể mua sắm 24/7. Trang web này hoạt động mọi lúc, nó không có giờ làm việc như cửa hàng.

– Thương mại điện tử cũng cho phép khách hàng và doanh nghiệp được liên lạc trực tiếp mà không cần bất kỳ trung gian nào. Điều này cho phép giao tiếp và giao dịch nhanh chóng.

* Nhược điểm

– Chi phí khởi nghiệp của cổng thương mại điện tử rất cao. Việc thiết lập phần cứng và phần mềm, chi phí đào tạo nhân viên, bảo trì và bảo trì liên tục đều khá tốn kém.

– Mặc dù có vẻ như là một điều chắc chắn, ngành thương mại điện tử có nguy cơ thất bại cao.

– Đôi khi, thương mại điện tử có thể cảm thấy không cá nhân. Vì vậy, nó thiếu sự ấm áp của mối quan hệ giữa các cá nhân, điều quan trọng đối với nhiều thương hiệu và sản phẩm. Sự thiếu liên lạc cá nhân này có thể là một bất lợi cho nhiều loại dịch vụ và sản phẩm như thiết kế nội thất hoặc kinh doanh trang sức.

– An ninh là một lĩnh vực cần quan tâm khác. Chỉ gần đây, chúng tôi đã chứng kiến ​​nhiều vi phạm an ninh nơi thông tin của khách hàng bị đánh cắp. Trộm cắp thẻ tín dụng, trộm danh tính,… vẫn là mối quan tâm lớn với khách hàng.

 

  1. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG ĐH HÒA BÌNH

Kế hoạch mở ngành đào tạo Thương mại điện tử của trường Đại học Hòa Bình đã có từ lâu, nhưng đến tháng 2 năm 2021 vừa qua nhà trường mới tổ chức bảo vệ Đề án trước Hội đồng Khoa học. Ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Hòa Bình được xây dựng dựa trên các cơ sở phù hợp về mặt pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của nền kinh tế, của ngành Giáo dục và đào tạo và của trường Đại học Hòa Bình.

  1. Về năng lực đào tạo của Trường Đại học Hòa Bình

Trường Đại học Hòa Bình được thành lập ngày 28/02/2008 theo Quyết định số 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp và cho xã hội, đảm bảo đầu ra và việc làm cho các sinh viên.

Trải qua 13 năm thành lập và phát triển, hiện Nhà Trường đã được phép đào tạo 05 ngành trình độ thạc sĩ và 20 ngành trình độ đại học.

Năm 2019  nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc gia.

Nhà trường hiện có 25 cán bộ quản lý và 125 giảng viên cơ hữu, trong đó có 03 giáo sư, 17 phó giáo sư, 50 tiến sĩ và 80 thạc sĩ  và nhiều chuyên gia thương mại điện tử từ các doanh nghiệp, các GS, PGS, TS chuyên ngành thương mại điện tử làm cộng tác viên, giáo viên thỉnh giảng tại trường.

Các ngành, trình độ và hình thức đào tạo của nhà trường ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

  1. Về cở sở vật chất kỹ thuật của nhà trường

Hiện nay, cơ sở chính của Nhà trường tại Số 8, phố Bùi Xuân Phái, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích 3.500 m2; có 25 phòng học trang bị đầy đủ các thiết bị cơ bản phục vụ cho công tác giảng dạy, sức chứa từ 60-200 chỗ ngồi; 01 hội trường sức chứa 200 chỗ ngồi; 04 phòng máy vi tính đa năng, với số lượng 160 máy, đủ cho sinh viên thực hành; 03 phòng thí nghiệm và thực hành phục vụ cho các ngành đào tạo…

Ngoài ra, trường có một thư viện với 2.500 bản sách tham khảo, 200 đầu giáo trình với 150.000 bản, 38 đầu báo tạp chí chuyên ngành để phục vụ sinh viên.

  1. Đối tượng tuyển sinh và chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử

3.1. Về đối tượng tuyển sinh, thời gian đào tạo

– Đối tượng tuyển sinh: Theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào

– Thời gian đào tạo: 4 năm

– Đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định của chương trình đào tạo. Tổng số tín chỉ đào tạo là 131, bao gồm:

+ Kiến thức giáo dục đại cương – 34 TC,

+ Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp – 97 TC, trong đó phân ra: Kiến thức cơ sở ngành – 30 TC và kiến thức ngành – 28 TC;  Các học phần tự chọn về Kiến thức chuyên sâu ngành: 21 tín chỉ;  Thực tập tác nghiệp và quản trị tác nghiệp – 8 TC; Chuyên đề thực tập – 10 TC.

Chương trình đào tạo do trường Đại học Hòa Bình xây dựng đặc biệt quan tâm đến kỹ năng thực hành của sinh viên thông qua việc tăng giờ thực hành, kỹ năng thương mại điện tử và tăng thời lượng thực tế tại các cơ sở thực tập với sự hướng dẫn của các giáo viên của trường và đội ngũ cán bộ tại đơn vị thực tập.

3.2. Về chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử.

Cử nhân Thương mại điện tử được trang bị kiến thức nền về kinh tế học và kinh tế chính trị học và tư tưởng Hồ Chí Minh; có kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; am hiểu về hệ thống mạng điện tử và công nghệ thông tin; được trang bị kiến thức chuyên sâu và hiện đại về thương mại điện tử; về hoạch định chiến lược, kế hoạch thương mại điện tử; về quản trị thương mại điện tử và kinh doanh trên mạng điện tử. Ngoài những nghiệp vụ phục vụ cho ngành nghề, bạn còn được học về các điều khoản Luật, Kinh tế, Ngân hàng, Ngoại ngữ…và Quản trị kinh doanh để có khả năng và kiến thức trong quản lý doanh nghiệp. Người học được trang bị kiến thức để có năng lực chuyên môn tốt và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, có tư cách đạo đức và ý thức pháp luật đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

Tại Trường Đại học Hòa Bình, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội đang chuẩn bị mở ngành đào tạo Thương mại điện tử. Theo học ngành này, bạn sẽ được học chương trình chú trọng về ngoại ngữ với các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đây chính là bước đệm thuận lợi cho các bạn có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Không chỉ được cung cấp các khối lượng kiến thức chuyên ngành mà các bạn còn được rèn luyện các kỹ năng tin học, kỹ năng giao tiếp trong quá trình học tập. Theo đó sinh viên vừa giỏi về nghiệp vụ kinh doanh, vừa tinh thông về công nghệ thông tin ứng dụng trong kinh doanh và đặc biệt chuyên sâu trong việc tổ chức kinh doanh trong môi trường mạng.

Các môn học tiêu biểu của ngành Thương mại điện tử: Hệ thống thông tin quản lý, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Mạng và truyền thông, Thương mại điện tử, Marketing điện tử, Nghiên cứu thương mại điện tử, Chiến lược thương mại điện tử, Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Lập trình mạng,…

Từ những thông tin được cung cấp, tin chắc rằng các bạn thí sinh đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi “ngành Thương mại điện tử là gì, học những gì”. Đây chính là tiền đề vững chắc để các bạn định hướng được ngành học trong tương lai.

Tóm lại, về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm: Đạt chuẩn đầu ra theo qui định tại Thông tư 07/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.3.  Về đề cương các học phần chương trình đào tạo và giáo viên tham gia giảng dạy

* Theo nội dung chương trình, hồ sơ bao gồm: chương trình các học phần đào tạo từ: Kiến thức giáo dục đại cương, Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp gồm: Kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành, Kiến thức chuyên sâu ngành (phần đề cương các học phần cơ bản đã được đính kèm trong bản hồ sơ).

* Về đội ngũ giảng viên: Ngoài đội ngũ giáo viên cơ hữu của Trường Đại học Hòa Bình tham gia chương trình đào tạo thương mại điện tử, nhà trường sẽ mời các giáo viên thỉnh giảng từ các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, các Doanh nghiệp là các chuyên gia về lĩnh vực thương mại điện tử và logistics trong thương mại điện tử nói chung đã có nhiều năm tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này cùng tham gia giảng dạy với Trường Đại học Hòa Bình.

  1. Học ngành Thương mại điện tử ra trường làm gì và làm việc ở đâu?

          4.1. Những công việc có thể làm sau khi ra trường

Thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh và được nhận định sẽ tăng tốc trong những năm tới. Đó chính là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp có những chiến lược đầu tư kinh doanh vào loại hình mới và có nhiều cơ hội “hái ra tiền” này.

Theo đó, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực Thương mại điện tử ngày càng thu hút các bạn trẻ theo học cùng cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai. Tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử người học dễ dàng chọn lựa những việc làm với mức lương hấp dẫn cùng môi trường làm việc luôn mới mẻ với các vị trí:

– Chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp; Có cơ hội thăng tiến lên vị trí Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc E- Marketing;

– Chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển công nghệ thông tin;

– Tư vấn viên cho các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử;

– Cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành;

– Giảng viên ngành Thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp…

4.2. Những nơi làm việc

Cử nhân ngành Thương mại điện tử có khả năng làm việc tốt tại nhiều nơi như: các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Công ty trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đại diện doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; Các tập đoàn, Công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia; Các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định chính sách về thương mại điện tử; Các cơ quan, tổ chức đại diện thương mại điện tử của Việt Nam và quốc tế; Các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử, giảng viên các trường đại học, cao đẳng về kinh tế và quản trị kinh doanh; Có thể thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp tự tổ chức kinh doanh qua mạng, kinh doanh dựa trên nền tảng mạng và công nghệ số.

Với những công việc nêu trên, cử nhân ngành Thương mại điện tử có thể khẳng định năng lực của mình tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước tại các bộ phận như:

– Phòng Marketing, Phòng nghiệp vụ kinh doanh, Phòng Kế hoạch  tại các công ty, doanh nghiệp kinh doanh, thương mại;

– Công ty tin học, công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện các giải pháp công nghệ trong kinh doanh, thương mại;

– Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Trung tâm công nghệ, Sở ban ngành liên quan đến công nghệ thông tin…

Kết luận

Để gặt hái được thành công từ lĩnh vực Thương mại điện tử đòi hỏi bạn phải lựa chọn cho mình một chương trình đào tạo chất lượng ở các trường đại học uy tín. Sinh viên theo học ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Hòa Bình, ngoài việc được trang bị kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được đào tạo chuyên sâu ngoại ngữ chuyên ngành và trong lĩnh vực thương mại, kỹ năng bán hàng, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh trên internet, tham gia những dự án kinh doanh mẫu theo hướng dẫn của giảng viên, tham gia hội thảo chuyên đề, tham quan môi trường làm việc thực tế thuộc lĩnh vực thương mại điện tử,…Qua đó, tạo nên khối kiến thức toàn diện và sâu rộng về nghề nghiệp người học có dự định theo đuổi.

Qua thông tin bài viết, người học chắc chắn đã có cái nhìn khái quát về Thương mại điện tử, về nội dung, kiến thức học ngành Thương mại điện tử, ra trường sẽ làm gì và có thể làm việc ở đâu? để từ đó các bạn học viên lựa chọn nơi đào tạo và có được tâm thế tốt nhất theo đuổi nghề nghiệp trong tương lai.

Việc mở ngành thương mại điện tử trình độ đại học là rất cần thiết và cấp bách nhằm phục vụ nguồn nhân lực thương mại điện tử  của Việt Nam. Đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cung cấp trực tiếp cho các đối tác chiến lược của Trường Đại học Hòa Bình và các dự án khác của nhà trường. Hiện Trường Đại học Hòa Bình đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành cho sinh viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường để nhanh chóng tiến hành đào tạo ngành Thương mại điện tử trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ sơ Đề án mở ngành đào tạo Thương mại điện tử và ngành đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hòa Bình, Hà Nội 2021.
  2. Tờ trình đăng lý mở ngành đào tạo Thương mại điện tử của Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2/2021.
  3. Trần Văn Hòe, 2015, Thương mại điện tử căn bản, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
  4. Đặng Đình Đào, 2018, Thương mại doanh nghiệp, NXB Lao động – Xã hội.