Trang Hoài
Ngành Dệt May đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam giữ mức tăng trưởng tốt, ước đạt mục tiêu 42 tỷ USD. Đồng thời, đặt tham vọng đạt tới 47 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang đã có những nhận xét sơ bộ trước thềm Hội nghị Tổng kết năm 2022 về tình hình dệt may Việt Nam và thế giới trong năm 2022. Đồng thời đưa ra những giải pháp giúp Ngành Dệt May vượt qua khó khăn, thách thức, hướng tới phát triển bền vững.
Đối mặt nhiều áp lực: Tài sản người lao động được ưu tiên bảo vệ bằng mọi giá
Báo cáo của VITAS cho hay, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn do ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này. Có thể kể đến như việc các đơn hàng sụt giảm trong tháng 11-12 năm nay và trong quý I/2023, mức bình quân giảm từ 25-27%.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch. Đặc biệt, với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn do không chủ động được đơn hàng và thị trường.
“Khó khăn nữa là vấn đề lao động, bởi lao động là tài sản số 1 của doanh nghiệp, trên cả thiết bị công nghệ, nhà xưởng. Nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị gỉảm, hụt đơn hàng cũng phải gắng gượng để giữ chân lao động. Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau. Chúng tôi nhận định sự phục hồi mạnh sẽ rơi vào quý 3-4/2023” Chủ tịch Vũ Đức Giang đã chia sẻ.

Tuy vậy, trước những khó khăn đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021. Trở thành tiền đề đặt tham vọng xuất khẩu đạt 47 tỷ USD vào năm 2023.
Chủ tịch Giang cũng nhấn mạnh: “Chúng ta có cở sở đặt ra tham vọng đó, như thông tin về các Hiệp định Thương mại là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường và mặt hàng. Đơn cử như trước đây, chúng ta cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn. Họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Bangladesh, Myanma sang. Ngoài ra, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hoá nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.”
Hiện Việt Nam đã mở cửa hội nhập, xuất khẩu tới 66 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, các nước khu vực CPTPP, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là nước nhập khẩu nguyên liệu và các sản phẩm dệt may khác của Việt Nam tương đối lớn.
Hướng đến xây dựng 20 thương hiệu mạnh
Bên cạnh đó, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hoá, quản trị số, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

“Tay nghề của người lao động tương đối tốt, chất lượng sản phẩm tương đối ổn định và chúng ta tuân thủ “luật chơi” với các nhà nhập khẩu, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số cũng như các giải pháp công nghệ để thúc đẩy phát triển bền vững. Ngành dệt may đã đa dạng mặt hàng, ngoài sản phẩm may mặc, chúng ta đã xuất khẩu vải được hơn 2 tỷ USD, tơ sợi hơn 4 tỷ USD và xuất khẩu phụ liệu may hơn 1 tỷ USD.”
Để giúp doanh nghiệp vượt khó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang, đại diện cho tiếng nói các DN Dệt Việt Nam trong buổi Họp báo ngày 18/11/2022 công bố Hội nghị tổng kết Ngành đã chia sẻ thông tin với báo giới về những kiến nghị với Chính Phủ và các bộ, ngành liên quan nên cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp có ngành hàng xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động, giải quyết việc làm trong giai đoạn khó khăn thách thức như hiện nay.
Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam phấn đấu xây dựng được 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới. Để đạt được mục trên, VITAS sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, lấy lợi ích của doanh nghiệp dệt may làm trọng tâm. Đây chính là phương hướng hoạt động trọng tâm và xuyên suốt của VITAS trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Hội nghị tổng Ngành dệt may Việt Nam sẽ diễn ra ngày 16-12 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tổng kết tình hình dệt may Việt Nam và thế giới trong năm 2022, nhìn nhận đánh giá hoạt động của hiệp hội trong năm qua, chia sẻ định hướng hoạt động trong thời gian tới cùng những giải pháp giúp ngành dệt may vượt qua khó khăn, thách thức vươn tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ của hội nghị tổng kết, ngày 15-12, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức Hội nghị Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á (AFTEX); tổ chức Hội thảo “Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may để phát triển bền vững”.