Ngân hàng và Doanh nghiệp: Đồng hành khơi thông dòng vốn tín dụng

Thành Ánh – Thanh Tuyền

DNNVV gặp nhiều rảo cản, khó khăn khi tiếp cận vay vốn bằng hình thức tín chấp. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh việc “cung – cầu” dòng vốn tín chấp “giao thoa” lẫn nhau thì cần có sự nỗ lực của cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp (DN). Trong đó, ngân hàng cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục thẩm định, cấp tín dụng…Bên cạnh đó, cần thiết kế các gói sản phẩm tín dụng riêng phù hợp với đặc thù của từng nhóm DN.

Qua đó, để tháo gỡ khó khăn tín dụng cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần hạn chế tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức 3 Hội nghị lớn tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng để trưng cầu ý kiến từ doanh nghiệp, qua đó cùng khơi thông dòng chảy tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay ở Việt Nam về tiêu chuẩn và các điều kiện để cho vay tín chấp vẫn chưa có một quy định thống nhất, chưa có cơ chế cụ thể về chuẩn trong cho vay tín chấp. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản khiến cho các ngân hàng thương mại khó khăn trong việc mở hầu bao để hỗ trợ DN.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, trong năm 2018, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới gần 6.965 tỷ đồng cho 1.249 doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết: “Vấn đề nằm ở chỗ là đa số các DN cần vay tín chấp là DNNVV không có tài sản, quản trị chưa cao, phương án kinh doanh chưa rõ ràng, khoa học, chưa chứng minh rõ sự minh bạch của dòng tiền, báo cáo tài chính còn mập mờ – chưa tạo được niềm tin đối với các ngân hàng.

Thậm chí có nhiều DN không thể cập nhật kịp thời và chuẩn xác về báo cáo thuế, báo cáo thu – chi… khi ngân hàng yêu cầu.

Cũng có nhiều DN hoạt động theo tính chất gia đình, không có bộ phận kế toán chuyên môn mà chỉ kiêm nhiệm nên về mảng này rất yếu kém, không đảm bảo tính minh bạch, ngân hàng khó khăn trong việc kiểm soát…”.

Mới đây, Hội nghị tại Đà Nẵng đã có hơn 15 ý kiến tham luận nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.