Nâng cao hiệu quả của nhãn hiệu tập thể

Minh Sơn – Tuấn Hải

Bún Mạch Tràng, tinh hoa của Cổ Loa, có màu và mùi vị đặc trưng không lẫn với các loại bún khác.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2013, nhãn hiệu tập thể được hiểu là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Qua đó, việc phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể sau khi đăng ký cần trách nhiệm không chỉ từ phía hộ sản xuất kinh doanh mà cả các cơ quan Nhà nước.

Cùng với đó, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt thì việc bảo hộ nhãn hiệu có vai trò rất quan trọng để giúp các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể có điều kiện phát triển sản xuất bền vững và đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra còn góp phần ngăn chặn hành vi sao chép hoặc nhái lại nhãn hiệu và tăng cường sức cạnh tranh, độc quyền của mỗi sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường, giúp người tiêu dùng phân biệt được đặc điểm, chất lượng của từng sản phẩm.

Cụ thể, “Bún tiến vua”, bún Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội đã trở thành món ăn dân giã, gắn liền với lịch sử truyền thống của làng nghề. Mặc dù vậy, hiện nay, làng nghề Mạch Tràng đang có nguy cơ dần bị mai một. Do đó, bảo hộ nhãn hiệu tập thể là cách mà nhiều địa phương lựa chọn.

Từ năm 2012 – 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng trên 20 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, đặc sản làng nghề truyền thống.

Song song với đó, bằng mục tiêu vực dậy, duy trì và quảng bá thương hiệu cho các làng nghề, năm 2018, bún Mạch Tràng đã được UBND thành phố Hà Nội lựa chọn để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Thế nhưng, làm thế nào có thể phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể sau khi đăng ký, từ đó phát triển thương hiệu cho làng nghề là câu hỏi của không chỉ dành cho làng bún Mạch Tràng mà còn của nhiều làng nghề hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy – Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, để phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể sau khi đăng ký cần trách nhiệm từ nhiều phía. Mặc khác, đối với hộ sản xuất kinh doanh, cần phải có trách nhiệm bảo vệ danh tiếng, uy tín của sản phẩm.

Ngoài ra, cơ quan Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất thông qua các dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể. Cùng với đó, cũng cần có trách nhiệm bảo đảm thị trường, chống hàng giả, hàng nhái.

Như vậy, trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay, những đòi hỏi về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Qua đó, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu giữ vai trò sống còn đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường.