Nắm bắt cơ hội xúc tiến thương mại từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Hoàng Nguyên

Cần phải thiết lập một liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo tính đồng bộ

Nhật Bản là quốc gia có số lượng nhập khẩu lượng lớn thực phẩm từ nước ngoài, và ngày càng thể hiện nhu cầu cao hơn đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Để mang tới lợi thế cạnh tranh hiếm hoi cho doanh nghiệp đối với các thị trường xuất khẩu, Tạp chí Thương gia và Thị trường chuyển tới cho độc giả thông tin được các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổng hợp và báo cáo tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến Thương mại với các Thị trường nước ngoài  vào cuối tháng 7/2022.

Thông tin thị trường luôn là tài sản quý giá với mọi doanh nghiệp dù kinh doanh trong nước hay xuất khẩu. Nắm bắt được thông tin thị trường tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho doanh nghiệp, đặc biệt với những thị trường quốc tế, nơi nguồn thông tin khan hiếm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, giá cá hàng hóa tại đất nước này đang tăng cao từng ngày do tình trạng đồng Yên bị mất giá kỷ lục so với đồng USD trong vòng nửa đầu năm 2022, cùng với biến động giá dầu thế giới khiến mọi chi phí nhập khẩu cho nguyên liệu đầu vào hay chi phí sản xuất, chi phí logistic tăng cao,

Vô hình chung điều này gây ra khó khăn cho chúng ta khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, tuy nhiên, đi kèm với thách thức là những cơ hội nếu chúng ta có thể đảm bảo được chất lượng tương đương của hàng hóa nông sản, hoa quả, cùng với giá chào bán thấp hơn có khả năng mang tới cơ hội thay thế cho nông sản của các nước khác hoặc phần nào là sản phẩm nội địa.

Chúng ta đang có cơ hội to lớn khi Việt Nam và Nhật Bản có một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp khi thường xuyên có sự trao đổi các đoàn cấp cao.

Và trong các buổi trao đổi, nguyên thủ hai nước đều khẳng định tầm quan trọng của hợp tác thương mại song phương, đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại.

Những lợi thế vĩ mô còn thể hiện ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên: VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP.

Các FTA này đã và đang tạo động lực thúc đẩy thương mại song phương, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và giúp doanh nghiệp hai nước có cơ hội cùng tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

Tận dụng các cam kết cắt giảm thuế trong các Hiệp định FTA mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên là biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả nhất mà doanh nghiệp cần phải nắm bắt.

Trong khi Nhật Bản là quốc gia có số lượng nhập khẩu lượng lớn thực phẩm từ nước ngoài, và ngày càng thể hiện nhu cầu cao hơn đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Những hàng hóa được nhập nhiều nhất có thể kể tới cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… là những sản phẩm mà Việt Nam tự tin có thể cung cấp sản lượng vô cùng lớn cho thị trường này.

Tính tới 2021, Việt Nam có khoảng 450.000 người đang sinh sống và làm việc tại Nhật, con số ngày vẫn tăng không ngừng, thể hiện thị trường tiềm năng cho hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam, đặc biệt là hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ khô…

Mới đây, tại Tokyo, lần đầu tiên gạo Việt Nam được bày bán tại thị trường Nhật Bản với sự với sự bảo trợ của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tập đoàn Nikkoku Trust cùng các đối tác là liên minh Ngân hàng Kiraboshi, Công ty Suntomi Internatianal, Công ty Spice House và Tập đoàn Tân Long tổ chức.

100 tấn gạo ST25 được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản đánh dấu một cột mốc quan trọng khi gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai.

Tuy nhiên để nắm được các cơ hội mang hàng hóa vào thị trường Nhật Bản khó tính, yêu cầu chất lượng cao, đặc biệt với hàng thực phẩm, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch…

Trường hợp bị kiểm tra phát hiện vi phạm về vấn đề vệ sinh thì sẽ bị tiêu hủy, và các lô hàng trong tương lai sẽ phải chịu sự kiểm tra gắt gao hơn, kéo dài thời gian thông quan và phát sinh chi phí cho người xuất khẩu.

Như mới đây khi Nhật Bản tăng cường kiểm dịch với các lô hàng quả vải tươi và các sản phẩm khác được chế biến từ quả vải nhập khẩu từ Việt Nam, nhằm đảm bảo các lô hàng quả vải không có chứa hoạt chất Tricyclazole (hoạt chất có tác dụng trừ nấm, phòng trị bệnh đạo ôn) vượt quá mức cho phép (0,01 ppm).

Trong trường hợp phát hiện vi phạm, các lô hàng quả vải có thể bị áp đặt mức độ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, và trường hợp phát hiện nhiều vi phạm thì quả vải Việt Nam có thể bị dừng nhập khẩu vào Nhật Bản.

Về vấn đề này Thương vụ Nhật Bản đã có công văn từ tháng 4/2022 gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương để kịp thời cảnh báo tới các doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, Nhật Bản là nước có hệ thống phân phối phức tạp, nhiều cấp trung gian. Các công ty nước ngoài không có chi nhánh tại Nhật thì gần như không thể bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng hoặc không thể đưa hàng ngay vào các hệ thống siêu thị.

Việc này gây giảm cạnh tranh của sản phẩm khi giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng bị dội lên, bởi các doanh nghiệp cần đưa hàng hóa nhập khẩu qua một đầu mối nhập khẩu lớn, từ đầu mối này hàng hóa lại được phân phối qua hệ thống đại lý cấp 1, cấp 2…

Là người tiêu dùng Nhật Bản, họ thường nhạy cảm với các hàng hóa có giá bán thay đổi liên tục và thích mua sản phẩm giá cả ổn định theo thói quen.

Bởi vậy sự ổn định về nguồn cung, chất lượng và giá bán là điều kiện tiên quyết mà các nhà nhập khẩu tại Nhật ưu tiên khi tìm đối tác để nhập khẩu. Đánh đổi lại nếu đáp ứng được sự ổn định này các đối tác Nhật có thể đồng ý sự ổn định với mức giá cao hơn đôi chút so với thị trường.

Hướng tới việc xúc tiến thương mại nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tiên là đảm bảo chất lượng, thương hiệu của sản phẩm.

Cần phải thiết lập một liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong mọi khâu từ trồng trọt tới chăn nuôi, sản xuất và chế biến, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu, hướng tới giữ được chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Đối với hàng nông thủy sản – thực phẩm Việt Nam cũng cần có sự đa dạng về khẩu vị, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã bao bì cho bắt mắt và thu hút khách hàng.

Xa hơn, công tác quảng bá, giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm cũng cần được chú trọng nhiều hơn nữa, bởi những sản phẩm ngon, có chất lượng chỉ thực sự được đón nhận khi được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ.

Các doanh nghiệp cũng lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin đối tác nước ngoài trước khi tiến hành ký kết hợp đồng kinh doanh.

Thương vụ nhấn mạnh về câu chuyện 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý gây xôn xao trong thời gian vừa qua chính là một bài học cảnh tỉnh các doanh nghiệp khi giao dịch thương mại quốc tế.

Doanh nghiệp Việt từng gặp phải các đối tác Nhật Bản không đảm bảo uy tín, do vậy trong khả năng của mình Thương vụ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác minh thông tin của đối tác (địa chỉ, số điện thoại, website…) để hàng hóa Việt Nam có thể tiến tới và chiếm lĩnh nhiều hơn thị phần của xứ sở hoa Anh đào.