Nguyễn Trang

“Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được xây dựng với mục tiêu đưa ra một cái nhìn nhanh chóng về mức độ ứng dụng thương mại điện tử ở Việt Nam theo địa phương và so sánh sự tiến bộ giữa các năm của từng tỉnh thành địa phương với nhau”, ông Nguyễn Kỳ Minh , ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam EBI được Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam công bố hàng năm tại sự kiện Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam VOBF
“Bản báo cáo gần 90 trang được Vecom dày công soạn thảo sau khi tham vấn hàng nghìn doanh nghiệp, đối tác khác nhau và mất thời gian không dưới một năm để đưa ra kết quả này”, ông Minh chia sẻ.
Để xây dựng chỉ số thương mại điện tử, Vecom dựa trên 4 nhóm tiêu chí khác nhau.
Đó là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa cơ quan chính phủ với doanh nghiệp (G2B)
Trong mỗi một nhóm tiêu chí này sẽ có một loạt tiêu chí nhỏ đánh giá, cho điểm và mỗi một nhóm tiêu chí sẽ có trọng số khác nhau để từ đó xây dựng nên chỉ số thương mại điện tử.
Mỗi một nhóm chỉ số sẽ có một mức điểm khác nhau cho từng tỉnh, thành phố. Ví dụ, chỉ số về hạ tầng ICT và nguồn nhân lực trong năm 2019 này, Hà Nội xếp thứ nhất với mức điểm 88,4.
Bình quân chung của chỉ số này là 35,6. Tương tự, có 43 nhóm chỉ số còn lại là chỉ số B2C, chỉ số giáo dịch B2B và chỉ số giao dịch G2B.
“Tổng hợp từ 4 nhóm chỉ số này chúng tôi chính ra một con số gọi là điểm EBI của năm 2019 của lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam là 40,3.
Hiện nay, vecom đã triển khai nghiên cứu thị trường trong 7-8 năm vừa qua. Mỗi một năm chúng tôi đưa ra con số tính bình quân cho từng tỉnh thành khác nhau.
Bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử đưa ra một cách so sánh điểm bình quân của năm tỉnh thành phố có điểm cao nhất có khoảng cách chênh lệch so với 5 tỉnh xếp cuối cùng trong diện khảo sát là bao nhiêu”, ông Minh cho biết.
“Năm 2014, khoảng cách giữa 5 tỉnh lớn nhất và 5 tỉnh có điểm thấp nhất chỉ là 18 điểm, sang năm 2015 con số chênh lệch tăng lên 20,3, năm 2018 là 36,7 và năm nay 2019 khoảng cách chênh lệch đã rõ rộng ra là 39,4”
Một lưu ý Vecom đưa ra trong báo cáo, hiện nay tại hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và Tp HCM chiếm tới 70% giá trị giao dịch về thương mại điện tử ở Việt Nam.
Theo đó, Vecom đặt ra một mục tiêu mà theo ông Minh “ khá tham vọng ở thời điểm hiện nay”, Vecom muốn đưa các tỉnh còn lại đến 2025 mức độ giao dịch trong thương mại điện tử chiếm 50%.
Ngoài ra, các vấn đề khác như quản lý bán hàng trên facebook như thế nào, cạnh tranh trong giao hàng chặng cuối, tính đồng bộ trong xây dựng chính sách ở Việt Nam đối với lĩnh vực thương mại điện tử và các lĩnh vực có liên quan đến thương mại điện tử như thế nào đều được nêu ra trong báo cáo.
Theo ông Minh, thông điệp Vecom muốn nhấn mạnh là mức độ phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam đang rất không đồng đều và chúng ta sẽ phải tìm cách nào đó.
“Những diễn đàn như ngày hôm nay, sẽ là cơ hội để ngồi với nhau cùng bàn bạc tìm ra giải pháp giảm sự phân biệt và khoảng cách giữa các tỉnh thành phố phát triển với những thành phố chưa phát triển”, ông Minh nói.