Mua thuốc qua mạng tiền mất tật mang
Bác sĩ thăm khám cho trẻ điều trị bệnh bằng thuốc nam mua qua mạng - Ảnh: BVCC

Thuốc chữa tiểu đường, chữa xương khớp, thậm chí thuốc chữa ung thư cũng được bán tràn lan trên mạng với lời cam kết khỏi bệnh sau vài liệu trình.
Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít người dân tin vào lời quảng cáo để rồi “tiền mất tật mang.

Những loại thuốc được bán tràn lan trên mạng với danh xưng thần y chữa dứt điểm “bách bệnh”, nhiều người bệnh đã trở thành nạn nhân của những loại thuốc không rõ nguồn gốc này. Không chỉ chi hàng triệu đồng mua thuốc mà còn phải nhập viện vì ngộ độc và những biến chứng khôn lường đến sức khỏe.

Chi tiền triệu mua thuốc rồi… nhập viện

Mới đây, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nam 63 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc mua giá 10 triệu đồng.

Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường “rất tốt”, là thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng.

Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn mửa, người nhà đưa đến Trung tâm chống độc cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc. Điều đáng nói qua xét nghiệm thuốc bệnh nhân sử dụng đã tìm thấy thành phần phenformin.

Đây là thành phần từng được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường, nhưng vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.

Một trường hợp khác cũng nhập viện do thủng dạ dày sau thời gian dài chữa bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân là nam, 70 tuổi, tiền sử đau viêm khớp nhiều năm.

Ông dùng thuốc nam tại nhà suốt ba tháng, sau đó đau bụng dữ dội được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, đau bụng, các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày.

Các bác sĩ đã hồi sức và phẫu thuật khâu lại lỗ thủng, lau rửa sạch ổ bụng và sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng.

Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận bé trai 16 tuổi được chẩn đoán mắc chứng thận hư, thế nhưng thay vì điều trị theo phác đồ của bác sĩ, gia đình tự chuyển sang dùng thuốc nam, thuốc bắc.

Hậu quả cháu nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy thận nặng. Dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhiều bệnh nhân vẫn tin vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội và mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để rồi “tiền mất tật mang”.

Ảnh quảng cáo thuốc tràn lan trên mạng xã hội - Ảnh: D.LIỄU chụp màn hình

Cẩn trọng với thuốc “ba không”

Ông Trần Văn Bản, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho hay hiện nay có rất nhiều quảng cáo mang tính lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người dân với thuốc nam, thuốc bắc nhưng thực chất thuốc có chứa tân dược, thậm chí thành phần độc hại.

Những sản phẩm này thường không có nhãn hiệu, không ghi rõ thành phần, không có tên nhà sản xuất. Tất cả chỉ dựa vào truyền tai, truyền miệng và thổi phồng công dụng để bán thuốc.

“Hiện nay các bệnh mãn tính như đái tháo đường, một số bệnh về xương khớp không thể chữa khỏi mà phải uống thuốc điều trị thường xuyên. Nếu người bệnh dùng thuốc thấy có chuyển biến, đó là đỡ một thời gian chứ không phải là khỏi bệnh và không nên tự dừng thuốc đã được bác sĩ chỉ định.

Thuốc đông y sử dụng cho người bệnh, loại được bào chế thành phẩm phải có đầy đủ công thức, cách bào chế, công dụng, chỉ định và cách sử dụng, rõ cơ sở sản xuất, người chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Vì vậy khi lựa chọn điều trị bệnh bằng phương pháp nào, người bệnh cũng cần nắm rõ, tìm hiểu các thông tin trên để tránh mua phải những hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Bản khuyến cáo.

Người bệnh phải tỉnh táo

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho rằng vấn nạn bán thuốc qua mạng ngày càng báo động. “Chúng tôi thường xuyên điều trị cho bệnh nhân biến chứng do sử dụng thuốc mua trên mạng không rõ nguồn gốc.

Mặc dù rất nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, gout… đã được y văn khẳng định không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể theo dõi, hạn chế phát triển và giúp người dân giảm biến chứng của bệnh.

Thế nhưng với mong muốn được khỏi bệnh nhanh, nhiều bệnh nhân đã tìm đến những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng”, bác sĩ Tiến cho hay.

Theo bác sĩ Tiến, việc kết hợp Đông – Tây y khá phổ biến. Nhưng kết hợp điều trị ra sao cần có sự tham vấn của bác sĩ và các lương y đã được đào tạo, cấp phép.

Để hạn chế việc sử dụng thuốc bừa bãi cũng như các “thầy dỏm” bán thuốc tràn lan, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước và chính người bệnh. Người bệnh cần tỉnh táo khi lựa chọn bất kỳ phương pháp điều trị bệnh nào, không nên tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo để đánh đổi sức khỏe của mình.

Theo Tuổi Trẻ