Một số nghiên cứu đào tạo thương mại điện tử cho sinh viên nhóm ngành kinh doanh: Một nghiên cứu định tính

TS.Bùi Thành Khoa

Bộ môn TMĐT, Khoa Thương mại – Du lịch,

Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM

Email: buithanhkhoa@iuh.edu.vn

Tóm tắt

Lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra rất nhiều triển vọng việc làm mới và các cơ sở đào tạo toàn quốc đang sửa đổi chương trình giảng dạy của họ để cung cấp một chương trình đào tạo TMĐT phù hợp cho sinh viên. Nghiên cứu này gợi ra quan điểm của các nhà đào tạo và các doanh nghiệp về tầm quan trọng, mức độ liên quan và việc đào tạo TMĐT. Theo kết quả nghiên cứu, (1) nhu cầu và sự quan tâm đến đào tạo TMĐT dự kiến sẽ tăng lên; (2) các hình thức đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục; (3) nghiên cứu chỉ ra 5 định hướng đào đạo TMĐT, và (4) 15 môn học cần thiết cho sinh viên ngành TMĐT. Từ đó, nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp cho việc đào tạo TMĐT tại Việt Nam trong bối cảnh 4.0.

  1. Giới thiệu

TMĐT đang thay đổi mạnh mẽ thế giới kinh doanh. Hầu hết những gì chúng ta biết về việc tiến hành kinh doanh sẽ thay đổi; do đó, tất cả các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều sẽ phải đối mặt với những khó khăn không thể tránh khỏi do tiến bộ công nghệ mang lại (Shaw, Gardner, & Thomas, 1997). Điều này càng được chứng minh rõ ràng hơn trong đại dịch Covid-19 khi hệ thống thị trường điện tử trở thành nhu cầu chiến lược và là một phần của cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp.

Ước tính năm 2021 như ở Hình 1, lĩnh vực TMĐT của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 20% và có quy mô trên 16 tỷ đô la Mỹ, trong khi các ngành như bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%; cũng như ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8% (VECOM, 2022). Điều này chứng tỏ rằng hiệu quả kinh tế của các hoạt động thương mại trực tuyến là đáng kể.

Nguồn: Tổng cục thống kê và VECOM

Khi nhiều tổ chức tham gia kinh doanh trực tuyến, nhu cầu về nhân viên có trình độ và chuyên môn về lĩnh vực này ngày càng tăng. Nhu cầu gia tăng đối với các chương trình giáo dục TMĐT là kết quả của việc mở rộng thị trường việc làm TMĐT. Hiệp hội các trường đào tạo kinh doanh (AACSB – Association to Advance Collegiate Schools of Business), đã thừa nhận tầm quan trọng của hình thức kinh doanh mới này bằng cách dành một phần trên trang web của mình để thúc đẩy việc áp dụng liên tục các chương trình đào tạo TMĐT. Để tạo ra một sản phẩm chất lượng cao, các nhà quản lý tại các cơ sở đào tạo phải cân đối cẩn thận nội dung giảng dạy trong các chương trình đào tạo.

Nghiên cứu liên quan đến đào tạo TMĐT nhấn mạnh sự cần thiết và sự phù hợp của việc tích hợp công nghệ trong chương trình giảng dạy sinh viên ngành TMĐT nói riêng và sinh viên các khối ngành kinh tế nói chung (David, Maccracken, & Reckers, 2003; Obimgbo, Abanyam, & Owenvbiugie, 2022). Sự gia tăng bùng nổ của TMĐT trên tất cả các lĩnh vực nhấn mạnh sự phù hợp của các chiến lược TMĐT đối với công ty và sự cần thiết rõ ràng của việc giáo dục TMĐT trong các trường đại học và cao đẳng. TMĐT đã trởthành một phần thiết yếu trong bộ kiến thức của sinh viên tốt nghiệpnhóm ngành kinh doanh. Khi nhiều trường tiếp tục cung cấp các khóa học và chương trình TMĐT, quan điểm từ các học viên và giảng viên về định hướng, vai trò và phương pháp sư phạm được áp dụng trong đào tạo TMĐT là có giá trị.

Nghiên cứu này xem xét việc kết hợp đào tạo TMĐT vào chương trình giảng dạy các ngành kinh doanh. Hiện tại, mặc dù đã có nhiều sự ủng hộ đối với đào tạo TMĐT, nhưng việc xây dựng chương trình giảng dạy TMĐT đang ít được chú ý trong các tài liệu. Có rất ít nghiên cứu được thực hiện để xem xét nội dung và chương trình đào tạo TMĐT. Nghiên cứu này điều tra hiện trạng và hướng đi trong tương lai của giáo dục TMĐT bằng cách (1) xem xét các tài liệu về công nghệ thông tin và TMĐT gần đây và phân tích hơn các giáo trình liên quan đến TMĐT để xác định các chủ đề có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; (2) thực hiện một cuộc khảo sát doanh nghiệp và giảng viên để lấy ý kiến ​​về lợi ích, mức độ phù hợp và việc cung cấp đào tạo TMĐT; và (3) phân tích chương trình đào tạo khi xây dựng nội dung chương trình bao gồm định hướng đào tạo và các môn học cần thiết.

Ngoài phần giới thiệu, cấu trúc bài báo bao gồm phần nội dung về thực trạng TMĐT và đào tạo nguồn lực cho TMĐT tại Việt Nam. Phần tiếp theo là phương pháp nghiên cứu; kết quả nghiên cứu và kết luận.

 

  1. Thực trạng TMĐT và đào tạo nguồn lực cho TMĐT tại Việt Nam

2.1. Thực trạng TMĐT tại Việt Nam

Với 49,3% dân số mua hàng trực tuyến, thị trường TMĐT tại Việt Nam tăng 18% vào năm 2020, đạt 11,8 tỷ USD và chiếm 5,5% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ, theo báo cáo của Cục kinh tế số và TMĐT (IDEA, 2021). Đến năm 2025, mua sắm trực tuyến sẽ đạt 55 % dân số và giá trị trung bình của các giao dịch trực tuyến sẽ đạt 600 đô la mỗi người, mỗi năm, theo dự kiến ​​của Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ triển vọng nhất. Đã có ba nền kinh tế kỹ thuật số lớn trong khu vực và tốc độ tăng trưởng tổng hợp của chúng kể từ năm 2015 đạt trung bình từ 35% đến 36%. Ví dụ, Việt Nam đứng thứ hai, với 36%, chỉ sau Indonesia 41%. Một số thay đổi diễn ra tại Việt Nam liên quan đến TMĐT có thể tóm tắt như sau:

Thứ nhất, TMĐT phát triển trong đại dịch. Khách hàng thích được giao hàng đến tận nhà hơn là đi ra ngoài và có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Theo báo cáo của VECOM (2022), đối với khách hàng mua từ 10 sản phấm/dịch vụ trực tuyến trở lên của một người giai đoạn diễn ra Covid và trong năm 2020 cao hơn so với 2019 (lần lượt là 26%-29%-18% đối với từ 15 sản phấm/dịch vụ, và 22%-22%-14% đối với 10 – 15 sản phấm/dịch vụ).

Thứ hai, Điện thoại thông minh là thiết bị phổ biến nhất để khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến, theo báo cáo có 87% khách hàng truy cập Internet và sử dụng thiết bị di động để đặt hàng trực tuyến (VECOM, 2022).

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, COVID-19 đã làm cho các giao dịch không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, con số khách hàng sử dụng tiền mặt đã giảm từ 86% ở năm 2019 xuống còn 78% ở năm 2020. Tỷ lệ người mua trực tuyến thanh toán không dùng tiền mặt ở năm 2020 đã tăng lên so với năm 2019, thẻ tín dụng – thẻ ghi nợ (17% ở năm 2019 tăng lên 20% ở năm 2020), ví điện tử (từ 18% tăng lên 23%), thẻ cào (tăng từ 2% lên 6%) (VECOM, 2022).

Trước đại dịch, thị trường trực tuyến của Việt Nam đang phát triển mạnh. Người ta kỳ vọng rằng TMĐT sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ hai con số ngay cả sau COVID-19 do sự gia tăng phổ biến của mua sắm trực tuyến do kết quả của việc giãn cách xã hội. TMĐT và tiếp thị trực tuyến đã trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây, vì vậy đây là thời điểm để các công ty đầu tư vào lĩnh vực này.

2.2. Thực trạng đào tạo TMĐT tại Việt Nam

Hiên tại, việc thiếu nguồn nhân lực cho TMĐT – và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao – từ lâu đã trở thành rào cản lớn đối với tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam và các nước khác. Dữ liệu khảo sát của VECOM cũng cho thấy xu hướng tăng trong ba năm qua về tỷ lệ các công ty khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên đủ tiêu chuẩn có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT (VECOM, 2022). VECOM dự kiến ​​từ năm 2021 đến năm 2025, nhu cầu thu hút các chuyên gia TMĐT tài năng sẽ còn lớn hơn. Khi lĩnh vực TMĐT tiếp tục mở rộng nhanh chóng, một vấn đề then chốt cần phải giải quyết trong thời gian tới là cần phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Trong đó các cơ sở giáo dục đóng vai trò nòng cốt trong việc chuẩn bị cho những người làm TMĐT trong tương lai có thể làm việc ở trình độ cao.

Theo báo cáo cáo của VECOM (2022), đến năm 2022, toàn quốc đã có 36 trường đào tạo ngành TMĐT (Mã ngành 7340122), gần 40 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT, 53 trường giảng dạy học phần TMĐT trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn vô số trở ngại cần phải giải quyết trước khi các chương trình đào tạo TMĐT tại các trường đại học có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực rất cao của ngành TMĐT cho đến ít nhất là đến năm 2025.

Thứ nhất, đội ngũ giáo viên trong lĩnh vực đào tạo TMĐT còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Bất chấp sự gia tăng của các trường đào tạo chương trình liên quan đến TMĐT, đội ngũ giảng viên hiện có không thể đáp ứng kịp nhu cầu do vấn đề về yêu cầu chuyên môn của ngành đào tạo là kết hợp giữa tư duy kinh doanh và sự hiểu biết về công nghệ thông tin.

Ngoài ra, nguồn tài liệu đào tạo TMĐT vẫn chưa tương xứng với những gì cần thiết để đào tạo hiệu quả những người trong lĩnh vực này. Đa phần tài liệu tiếng việt chưa được cập nhật.

Dù là giữa các trường đại học hay giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu khoa học và các nhóm xã hội – nghề nghiệp thì sự hợp tác trong đào tạo TMĐT vẫn còn thiếu mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo đại học và các doanh nghiệp thương mại.

Người ta cũng nhận thấy rằng các sáng kiến ​​hướng nghiệp, chia sẻ thông tin và xúc tiến liên quan đến giáo dục TMĐT còn thiếu.

Cuối cùng, chất lượng giáo dục TMĐT do các trường cao đẳng cung cấp đã không theo kịp với sự mở rộng số lượng các cơ sở cung cấp các khóa học như vậy. Một số rất nhỏ các trường đại học cung cấp chương trình đào tạo sơ cấp về kinh doanh TMĐT ở cấp độ đại học và thậm chí còn ít hơn nữa đã được chứng nhận là đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

 

  1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT như giảng viên cũng như các doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực bán hàng trực tuyến, marketing điện tử. Các cá nhân tham gia phỏng vấn sâu được lựa chọn dựa trên phương pháp chọn mẫu phi xác suất có mục đích với tiêu chí là có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT tối thiểu 5 năm. Số lượng đáp viên tham gia phỏng vấn là 17 người với phân bổ như Bảng 1. Trong đó số đáp viên có giới tính Nam chiếm 64,7%; còn lại 35,3% là nữ. Số đáp viên có kinh nghiệm làm việc, hoặc giảng dạy liên quan đến TMĐT từ 10 năm trở lên là 8 người, chiếm 47%. Đồng thời, các đáp viên có lĩnh vực kinh doanh hoặc chuyên môn đa dạng như bảng 1.

Một dàn bài phỏng vấn bán cấu trúc đã được phát triển, thí điểm và sửa đổi trước khi gửi bằng thư điện tử cho những người tham gia. Trong đó, câu hỏi đầu tiên nhằm đánh giá kỳ vọng của người trả lời đối với việc chi tiêu cho đào tạo TMĐT trong tương lai. Câu hỏi thứ thứ hai, nghiên cứu đã thăm dò xem họ đưa ra ý kiến tại sao TMĐT lại quan trọng trong bối cảnh ngày nay. Các câu hỏi thứ ba liên quan đến các cách khác nhau để đào tạo TMĐT trong các cơ sở đào tạo. Trong câu hỏi thứ tư, nghiên cứu sẽ tập trung tìm hiểu về định hướng đào tạo ngành TMĐT mà các đáp viên mong muốn hoặc kỳ vọng. Câu hỏi cuối cùng sẽ đưa ra các môn học liên quan đến ngành TMĐT và yêu cầu đáp viên lựa chọn 15 môn thực sự bắt buộc và cần thiết đối với sinh viên ngành TMĐT tại các trường ngành kinh doanh.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại văn phòng của các đáp viên hoặc quán cà phê trong thời gian khoảng 45 – 90 phút. Kết quả phỏng vấn sâu sẽ được ghi âm, sau đó tổng hợp những ý chính và rút ra kết luận.

  1. Kết quả nghiên cứu

Hơn 90% các chuyên gia nhận thấy nhu cầu và sự quan tâm tăng lên đối với đào tạo TMĐT, trong khi chỉ có khoảng 7% cho rằng đã nên đào tạo chuyên sâu cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin hoặc Quản trị kinh doanh để có thể đảm nhận các vai trò khác nhau. Kết quả này cho thấy rằng nhu cầu và sự quan tâm đáng kể đến các khóa học TMĐT. Việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng TMĐT hoặc đào tạo các học phần liên quan được các chuyên gia nhấn mạnh. Một số ý kiến tiêu biểu được thống kê như sau:

“…nhu cầu về đào tạo TMĐT sẽ tăng ”

“…các ngành liên quan đến kinh doanh cần thiết kế môn TMĐT trong chương trình đào tạo”

“…hiện tại cần đào tạo các kỹ năng kinh doanh trực tuyến”

“…các trường nên đào tạo các môn học gắn liền với việc kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp”

“…sinh viên cần được học các học phần liên quan đến nền kinh tế số”

“…học viết content, quản trị các kênh bán hàng trực tuyến là quan trọng với 1 sinh viên thời này”

Về câu hỏi “Tại sao đào tạo TMĐT lại trở nên quan trọng trong bối cảnh kinh doanh ngày nay?”, 14/17 đáp viên cho rằng học TMĐT sẽ giúp sinh viên “có thể làm việc trong kỷ nguyên 4.0 và hơn nữa”. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu về kỹ năng cần có đối với các nhân viên trong thời đại mới, đặc biệt khả năng khởi nghiệp của giới trẻ (Huang, Xie, Huang, Li, Cai và cộng sự, 2021). Ngoài ra, sinh viên được đào tạo về TMĐT sẽ có thể “hấp dẫn nhà tuyển dụng hơn trong thị trường lao động”; ý kiến trên được sự đồng thuận của 70,5% đáp viên tham gia phỏng vấn. Ngoài ra còn một số ý kiến khác như:

“… do số lượng các tổ chức ứng đụng TMĐT ngày càng tăng” (12/17)

“ … Cần có sự bao phủ của TMĐT trong chương trình giảng dạy kinh doanh để duy trì tính cạnh tranh về mặt học thuật” (10/17)

“…. Đáp ứng yêu cầu kiểm định” (4/17)

Hiện tại, việc đào tạo TMĐT đang được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức tại Việt Nam. 15/17 ý kiến cho rằng đối với các khóa học kinh doanh nên đưa tối thiểu 20-30% các học phần bắt buộc liên quan đến TMĐT như Marketing điện tử, Thanh toán số, Nguyên lý TMĐT vào giảng dạy. Ngoài ra, một số ý kiến (11/17) cho rằng có thể đưa các học phần tự chọn cho sinh viên các ngành như du lịch, kế toán, tài chính, ngân hàng, markerting lựa chọn trong quá trình tham gia học tập. Ngoài ra, có 7/17 ý kiến nên xây dựng chương trình đào tạo riêng biệt cho chuyên ngành TMĐT để đào tạo sinh viên nhằm phù hợp với nhu cầu công việc. Điều này cũng đang được thể hiện rõ trong chiến lược đào tạo của các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam như báo cáo của VECOM (2022).

Một trong những vấn đề cũng được các nhà quản lý và giảng viên quan tâm đó là định hướng đào tạo của các chương trình TMĐT. Hiện tại, có rất nhiều định nghĩa về TMĐT, chẳng hạn như TMĐT là hoạt động mua, bán hoặc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin thông qua các thiết bị điện tử và Internet (Turban, Whiteside, King, & Outland, 2017). Hoặc tại Việt Nam, khái niệm TMĐT tương đương với khái niệm kinh tế Internet (VECOM, 2022). Do đó, việc xác định định hướng đào tạo ngành TMĐT là quan trọng để có thể định hướng chương trình và phương pháp đào tạo sinh viên ngành này. Bảng 2 trình bày các định hướng được các chuyên ra đưa ra nhiều nhất khi đào tạo chuyên ngành TMĐT. Trong đó, định hướng đào tạo để sử dụng trong marketing trực tuyến cho các doanh nghiệp và hỗ trợ kinh doanh trực tuyến tại doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất (88,2%), tiếp đó là khởi nghiệp trực tuyến (82,3%).

Cuối cùng, các môn học cần thiết và bắt buộc đối với sinh viên ngành TMĐT được các chuyên gia lựa chọn bao gồm: Nguyên lý TMĐT (số lượng đồng ý: 17), Internet (14), pháp luật TMĐT (13), chiến lược kinh doanh TMĐT (16), các chủ đề và xu hướng TMĐT (12), marketing điện tử (17), phân tích dữ liệu (12), rủi ro và bảo mật TMĐT (15), quản trị tác nghiệp TMĐT (13), thanh toán điện tử (16), nhập môn lập trình (16), thiết kế website cơ bản (front-end) (17), thiết kế website nâng cao (back-end) (14), hệ thống thông tin quản lý (15), phân tích và thiết kế hệ thống (14). Sự phân bổ các môn lựa chọn cho thấy được bản chất của ngành TMĐT là sự kết hợp giữa kinh doanh và công nghệ thông tin (Fountain, Braithwaite, & Joyce, 1998; Rezaee, Lambert, & Ken Harmon, 2006).

  1. Kết luận

Thông qua nghiên cứu định tính bằng phương pháp phỏng vấn sâu 17 chuyên gia đến từ các trường đào tạo và doanh nghiệp, nghiên cứu đã rút ra được các bốn kết luận như sau:

(1) Hiện tại, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực TMĐT cho xã hội đang rất cao, hơn 90% các đáp viên đều đồng ý quan điểm này khi được trao đổi. Điều này xuất phát từ lợi thế của ngành TMĐT đó là ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình kinh doanh. Sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT sẽ có nhiều lợi thế về công nghệ hơn so với các ngành khác. Ngoài ra, nhu cầu đào tạo còn xuất phát từ việc các cơ sở đào tạo sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các cơ sở chỉ đào tạo truyền thống. Đào tạo liên quan đến TMĐT cũng là một lợi thế lớn cho hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo.

(2) Chiến lược đào tạo TMĐT tại các cơ sở đào tạo kinh doanh đang theo đúng định hướng và quan điểm của các chuyên gia. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng chương trình đào tạo ngành TMĐT đang gặp nhiều khó khăn như nguồn nhân lực đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo, cơ sở hạ tầng, định hướng đào tạo… Do đó, cơ sở đào tạo cần phải quan tâm đến các vấn đề nêu trên trước khi mở ngành để đảm bảo chất lượng đầu ra sau khi sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, một rủi ro đối với các chương trình chuyên ngành TMĐT đó là thời gian đào tạo quá dài (trung bình 4 năm) có thể dẫn đến sự lạc hậu (Melymuka, 2000). Do đó, các chương trình cần cập nhật liên tục và khuyến khích khả năng tự học, tự nghiên cứu ở sinh viên. Cách tiếp cận thứ hai là cung cấp khóa học TMĐT riêng biệt ở các cấp độ đại học, sau đại học. Phản hồi từ các chuyên đều ủng hộ cách tiếp cận này trong việc đào tạo TMĐT cho sinh viên. Cách tiếp cận này tập trung nhiều hơn vào các chủ đề TMĐT và nhấn mạnh tầm quan trọng tương đối của giáo dục TMĐT. Cách tiếp cận thứ ba là tích hợp đào tạo TMĐT trong suốt chương trình giảng dạy kinh doanh như một phần của yêu cầu chương trình học cốt lõi của tất cả các chuyên ngành kinh doanh. Các chủ đề TMĐT, theo cách tiếp cận này, được đưa vào các khóa học kinh doanh hiện có ở tất cả các ngành (ví dụ: kế toán, kinh tế, tài chính, tiếp thị, quản lý và hệ thống thông tin).

(3) Hiện tại, các chuyên gia ủng hộ việc các chương trình đạo tạo cần xác định định hướng đào tạo khi xây dựng chương trình đào tạo và truyền tải thông tin này đến sinh viên trước khi bắt đầu các khóa học. Theo ý kiến các chuyên gia, hai định hướng đang được quan tâm nhiều nhất là ngành TMĐT cần đào tạo ra các nhân viên tiếp thị trực tuyến hoặc nhân viên hỗ trợ hoạt động kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, về định hướng lâu dài, các định hướng liên quan đến hỗ trợ công nghệ thông tin cho doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, phân tích dữ liệu kinh doanh trực tuyến cũng cần được quan tâm. Ngoài ra, đối với sinh viên ngành TMĐT, định hướng khởi nghiệp cũng là một sự lựa chọn phù hợp cho sinh viên sau tốt nghiệp (Dutta & Bhat, 2014).

(4) Cuối cùng, các chuyên gia đã đưa ra 15 môn học cần thiết cho sinh viên ngành TMĐT cũng như có thể dùng để đào tạo cho các chuyên ngành kinh doanh. Các môn học bao gồm các môn liên quan đến quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin; trong đó, các môn có thể được phân bổ từ cơ bản đến chuyên ngành. Nhóm môn cơ sở được đề xuất bao gồm: Nguyên lý TMĐT, Internet, pháp luật TMĐT, các chủ đề và xu hướng TMĐT, hập môn lập trình, thiết kế website cơ bản (front-end). Nhóm các môn chuyên ngành bao gồm: chiến lược kinh doanh TMĐT, marketing điện tử, phân tích dữ liệu, rủi ro và bảo mật TMĐT, quản trị tác nghiệp TMĐT, thanh toán điện tử, nthiết kế website nâng cao (back-end), hệ thống thông tin quản lý, phân tích và thiết kế hệ thống.

Thời gian nghiên cứu ngắn chỉ cho phép nghiên cứu thu thập dữ liệu thông qua phương pháp phỏng vấn. Các nghiên cứu tiếp theo có thể sử dung phương pháp khảo sát để nâng cao chất lượng của kết quả nghiên cứu. Đồng thời, đối tượng khảo sát sẽ đa dạng hơn so với phỏng vấn. Ngoài ra, có thể tiến hành các nghiên cứu riêng biệt đối tượng chuyên gia là giảng viên (đào tạo lao động), và doanh nghiệp (sử dụng lao động) để có các kết luận rõ ràng hơn.

Tài liệu tham khảo

David, J. S., Maccracken, H., & Reckers, P. M. (2003). Integrating technology and business process analysis into introductory accounting courses. Issues in accounting education, 18(4), 417.

Dutta, N., & Bhat, A. K. (2014). Flipkart: journey of an Indian e-commerce start-up. Emerald Emerging Markets Case Studies, 4(7), 1-14. doi: 10.1108/eemcs-03-2014-0064

Fountain, R., Braithwaite, R., & Joyce, P. (1998). Teaching electronic commerce: a new focus for business computing. Paper presented at the Proceedings. 1998 International Conference Software Engineering: Education and Practice (Cat. No. 98EX220).

Huang, L., Xie, G., Huang, R., Li, G., Cai, W., & Apostolidis, C. (2021). Electronic commerce for sustainable rural development: exploring the factors influencing BoPs’ entrepreneurial intention. Sustainability, 13(19), 10604.

IDEA. (2021). Sách trắng TMĐT Việt Nam 2021. Retrieved from Hà Nội: http://idea.gov.vn/file/66d4f658-3e94-4abc-b50f-d9da0e616b82

Melymuka, K. (2000). Mastering e-commerce by degrees. Computerworld, 48-48. Retrieved from https://link.gale.com/apps/doc/A69545000/AONE?u=anon~429cb094&sid=googleScholar&xid=6e812481

Obimgbo, J. I., Abanyam, F. E., & Owenvbiugie, R. O. (2022). Exploring Electronic Commerce Technology by Business Education Graduates for Employment Opportunities and Self-Reliance in Nigeria. International Journal of Smart Business and Technology, 10(1), 111-130.

Rezaee, Z., Lambert, K. R., & Ken Harmon, W. (2006). Electronic commerce education: Analysis of existing courses. Accounting Education: an international journal, 15(01), 73-88.

Shaw, M. J., Gardner, D. M., & Thomas, H. (1997). Research opportunities in electronic commerce. Decision support systems, 21(3), 149-156.

Turban, E., Whiteside, J., King, D., & Outland, J. (2017). Introduction to electronic commerce and social commerce. Cham, Switzerland: Springer.

VECOM. (2022). Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2022. Retrieved from Hà Nội: