Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2020

Dưới đây là 8 chính sách mới của chính phủ có hiệu lực trong tháng 2 này

Điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng

Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ban hành ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác có hiệu lực từ ngày 01/02/2020.

Về giống cây trồng, Nghị định quy định chi tiết về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng và chi tiết quy định về ghi nhãn giống cây trồng…

Dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được thẩm định công nghệ

Có hiệu lực từ ngày 10/02/2020, Nghị định 95/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 29 yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Cụ thể, dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2020, Nghị định 97/2019/NĐ-CP ban hành ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở cấp huyện, cấp tỉnh và ở trung ương.

Thay vì quy định thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương, Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi: Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở bộ, cơ quan ngang bộ (cấp bộ) và Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu phải đạt 6 tiêu chí

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2020, Nghị định 99/2019/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt 6 tiêu chí sau:

1- Đã công bố định hướng phát triển thành cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu trong sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học; được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

2- Có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm.

3- Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học.

4- Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này.

5- Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học.

6- Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học công lập là giảng viên, cán bộ được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Bổ sung mức phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y

Có hiệu lực thi hành từ ngày 18/2/2020, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Trong đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi mang theo sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế hoặc chế biến từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật nguy hiểm trên loài động vật đó.

Sửa quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Có hiệu lực từ ngày 20/02/2020, Nghị định 06/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/01/2020 sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Hồng Kông (Trung Quốc)

Nghị định số 07/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/01/2020 của Chính phủ về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019 – 2022 (thuế suất AHKFTA) có hiệu lực từ ngày 20/02/2020.

Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ban hành ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại có hiệu lực từ ngày 24/02/2020.

Nghị định này quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

PV