Mô hình đào tạo thương mại điện tử hướng thực tiễn và hội nhập

Nguyễn Hà Giang

Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM,  giangnh@uef.edu.vn

Tóm tắt: Ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) được đào tạo khóa đầu tiên vào năm 2016, cho đến nay đã có ba khóa sinh viên tốt nghiệp và ba khóa đang đào tạo. Chương trình đào tạo được xây dựng chú trọng trang bị năng lực thực hành nghề nghiệp, gắn kết với thức tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Bài báo đề cập về chương trình đào tạo trình độ đại học ngành TMĐT tại UEF, bao gồm chương trình đào tạo, chương trình dạy học hướng tới trang bị kỹ năng thực hành nghề nghiệp, thực tiễn xã hội và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Một số các giải pháp đề xuất để nâng cao chất lượng đào tạo ngành TMĐT tại UEF nói riêng và các trường đào tạo ngành TMĐT nói chung.

  1. Giới thiệu

Khoa Công nghệ thông tin tại Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM, được giao trọng trách phát triển ngành TMĐT theo hướng năng lực thực hành, chú trọng kiến thức thực tiễn của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu hội nhập, toàn cầu hóa.

Khóa tuyển sinh đầu tiên là Khóa 2016, cho đến thời điểm viết bài đã có 03 khóa tốt nghiệp và 03 khóa đang triển khai đào tạo.

Ngành TMĐT là ngành chủ lực được đào tạo tại Khoa CNTT. Ban đầu chương trình được xây dựng với 02 hướng chuyên ngành bao gồm: Kinh doanh trực tuyến, Tiếp thị trực tuyến. Đến năm 2019, chương trình đào tạo được cập nhật hoàn chỉnh hơn và bổ sung thêm một chuyên ngành Giải pháp TMĐT đáp ứng nhu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.

Chương trình đào tạo ngành TMĐT được xây dựng nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra (CĐR), được quy định trong quy trình xây dựng CĐR và Chương trình đào tạo (CTĐT) của UEF. Một số điểm nổi bật khi xây dựng CTĐT:

Dựa trên sứ mạng và tầm nhìn của Trường và Khoa để làm căn cứ xây dựng

  1. mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra cho ngành TMĐT.
  2. Xây dựng CTĐT dựa trên CĐR: trong quá trình xây dựng có tham khảo, đối sánh với CTĐT trong nước và quốc tế. Đồng thời có sự hiệu chỉnh cho phù hợp sứ mạng, mục tiêu của Nhà trường, gắn liền với nhu cầu học tập của người học, với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.
  3. Chương trình dạy học (CTDH) ngành TMĐT thể hiện được sự cân bằng giữa khối lượng các kiến thức đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành, đảm bảo tương thích với CĐR của CTĐT và tính logic giữa các môn học. CTĐT được thiết kế theo hướng tích hợp, đảm bảo liên thông hợp lý giữa các trình độ, các phương thức đào tạo và giữa các trường, được rà soát và điều chỉnh định kỳ theo từng giai đoạn để đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
  4. Hệ thống đề cương chi tiết được mô tả đầy đủ thông tin và hỗ trợ tốt cho việc dạy và học.

Trong quá trình triển khai đào tạo, hằng năm CTĐT luôn được rà soát và cập nhật dựa trên khảo sát các bên liên quan (BLQ) để đảm bảo CTĐT luôn đáp ứng nhu cầu về chất lượng đào tạo và sự kỳ vọng của xã hội.

Trong tháng 9 năm 2022, Khoa CNTT đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, và đang trong giai đoạn thẩm định ngoài.

Trong các năm qua, ngành TMĐT luôn có những con số tăng trưởng rất ấn tượng, từ số lượng tuyển sinh, các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của sinh viên, các giải thưởng học thuật và các thành tích khác đã bước đầu khẳng định chất lượng đào tạo và định hướng mà UEF đang xây dựng.

  1. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo và chương trình dạy học được mô tả khá chi tiết trong Bản mô tả CTĐT được Nhà trường triển khai đồng bộ từ năm 2018 với ba phiên bản khác nhau, phù hợp với từng cách tiếp cận của BLQ như: Phụ huynh – thí sinh, Nhà tuyển dụng-doanh nghiệp, Khoa – GV đào tạo. Trong phần này sẽ giới thiệu các điểm chính của CTĐT ngành TMĐT tại UEF.

  • Mục tiêu đào tạo

Mục tiêu CTĐT ngành TMĐT được xác định rõ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và mức độ tự chủ và trách nhiệm mà người học đạt được sau khi ra trường, trên cơ sở gắn chặt với mục tiêu, sứ mạng, triết lý giáo dục của Trường, cũng như đảm bảo mục tiêu chung của giáo dục đại học đã ban hành. Bao gồm mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu chung:

Đào tạo cử nhân TMĐT có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, nắm vững những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về TMĐT, có khả năng tham gia hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch và tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp TMĐT.

Cử nhân TMĐT với vốn kiến thức lý thuyết rộng, cơ bản và có định hướng với khả năng thực hành tốt; có khả năng thích nghi với nền kinh tế thị trường đa dạng, luôn biến động, có thể hội nhập được vào nền công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; có một trình độ vững chắc để có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn.

Trên cơ sở mục tiêu chung của CTĐT, Khoa CNTT đã xây dựng các mục tiêu cụ thể và CĐR của CTĐT. Từ mục tiêu cụ thể và CĐR CTĐT, Khoa sẽ tiếp tục phân nhiệm để xây dựng mục tiêu và CĐR cụ thể của từng học phần trong CTĐT. Mục tiêu cụ thể (POs) thể hiện mong muốn của Khoa về những nội dung mà CTĐT có thể mang lại cho người học và được chia vào ba nhóm kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm.

Mục tiêu cụ thể:

Kiến thức: Gồm kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, xã hội, pháp luật, an ninh quốc phòng và giáo dục thể chất; kiến thức cơ bản và chuyên sâu của ngành TMĐT.

PO1: Nắm vững và có khả năng vận dụng các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, về lý luận chính trị, hiểu biết về pháp luật Việt Nam, hiểu biết về an ninh quốc phòng và giáo dục thể chất.

PO2: Có kiến thức lý thuyết cơ bản và chuyên sâu của ngành TMĐT để thích ứng tốt với những công việc khác nhau như ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, tiếp thị, phát triển giải pháp TMĐT toàn diện cho doanh nghiệp.

Về kỹ năng:

PO3: Có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, khả năng tự học, tự nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

PO4: Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán, bảo mật thông tin, kinh doanh trực tuyến, marketing.

PO5: Có kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kỹ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi.

Về mức độ tự chủ và trách nhiệm:

PO6: Có phẩm chất chính trị, tuân thủ luật pháp, có sức khỏe tốt.

PO7: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo yêu cầu riêng của nghề, có trách nhiệm với xã  hội, cộng đồng.

Mục tiêu CTĐT được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu của thị trường lao động đối với ngành nghề mà người học có thể làm sau khi ra trường. Với mục tiêu rõ ràng, CTĐT

ngành TMĐT được các nhóm chuyên trách bao gồm các nhà khoa học/nghiên cứu giáo dục, các giảng viên có kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ quản lý trong và ngoài trường, đại diện đơn vị sử dụng lao động, đã tham gia xây dựng một cách bài bản, thể hiện rõ ràng, cụ thể cấu trúc hợp lý và có hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, yêu cầu về năng lực mà người học có thể đạt được sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, ngành TMĐT UEF còn thực hiện tham khảo và đối sánh CTĐT giữa các khóa. Đồng thời, ngành cũng thực hiện đối chiếu, so sánh CTĐT với một số CTĐT cùng ngành của các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế nhằm phục vụ cho quá trình thiết kế, xây dựng CĐR và CTĐT.

Đối với CTĐT, ngoài khối lượng kiến thức phù hợp, ngành TMĐT bảo đảm trang bị cho người học những kỹ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điểm nổi bật trong nội dung CTĐT, có các học phần Thiết kế dự án (Project Design) giúp trang bị cho sinh viên có khả năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phát hiện, trình bày và giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, v.v..

Ngoài ra, các học phần tiếng Anh cũng được chú trọng đào tạo ngay trong năm thứ nhất; đồng thời các học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh chiếm trên 50% tổng số các học phần chuyên ngành để sinh viên có thể tự tin đảm nhận các công việc yêu cầu sử dụng tiếng Anh chuyên ngành TMĐT trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

  • Chuẩn đầu ra

CĐR của CTĐT ngành TMĐT được xây dựng phù hợp với sứ mạng tầm nhìn của Nhà trường, phản ánh được mục tiêu của CTĐT và xác định rõ ràng những kiến thức, những kỹ năng và những phẩm chất, mức độ tự chủ và trách nhiệm mà người học cần đạt sau khi hoàn thành CTĐT. Việc đo lường, đánh giá việc đáp ứng CĐR được thể hiện rất rõ trong từng đề cương chi tiết học phần.

CĐR của CTĐT ngành TMĐT hướng đến mục tiêu trang bị cho SV những kiến thức cơ bản vững chắc về kinh tế – xã hội, kiến thức vững chắc về cơ sở ngành và chuyên ngành rèn luyện các kỹ năng mềm cùng các kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, đủ và phù hợp với nhu cầu xã hội, thái độ học tập và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, để khi ra trường sinh viên có thể làm việc được ngay, lại vừa có thể học tiếp lên bậc cao hơn hoặc làm công tác nghiên cứu. Các CĐR thể hiện được mục tiêu của CTĐT ở 03 nhóm: kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm. CĐR được xây dựng gồm 10 chuẩn như sau:

PLO1: Nắm vững và vận dụng kiến thức cơ bản về nền tảng toán học, lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, hiểu biết về pháp luật Việt Nam, hiểu biết về an ninh quốc phòng; có kiến thức và khả năng tự rèn luyện về thể chất.

PLO2: Vận dụng kiến thức cơ sở ngành về công nghệ thông tin và thương mại để thích ứng tốt với những công việc khác nhau như nghiên cứu lý thuyết, đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình, thiết kế giải pháp TMĐT, tư vấn, quản lý, nghiên cứu chuyên sâu, dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới.

PLO3: Vận dụng kiến thức chuyên sâu ngành TMĐT phục vụ cho công việc theo từng chuyên ngành: phát triển giải pháp thương mại điện tử; kinh doanh trực tuyến; tiếp thị trực tuyến.

PLO4: Có kỹ năng tổ chức, lãnh đạo và làm việc theo nhóm (đa ngành). Kỹ năng giao tiếp hiệu quả thông qua viết, thuyết trình, thảo luận, đàm phán, làm chủ tình huống, sử dụng hiệu quả các công cụ và phương tiện hiện đại.

PLO5: Lập luận phân tích và giải quyết các vấn đề trong TMĐT: phát triển giải pháp kinh doanh trực tuyến, marketing trực tuyến.

PLO6: Có kỹ năng phản biện, tư duy phê bình, đánh giá chất lượng công việc. Có khả năng thử nghiệm, nghiên cứu, khám phá tri thức và đưa ra giải pháp sáng tạo.

PLO7: Có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam. Kỹ năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong công việc.

PLO8: Có phẩm chất chính trị – đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm đối với nhóm và trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị.

PLO9: Có khả năng hướng dẫn, giám sát, tham gia cài đặt, triển khai các hệ thống, sản phẩm, giải pháp về TMĐT.

PLO10: Có khả năng tự định hướng, lập kế hoạch, điều phối các nguồn lực, đánh giá và đưa ra kết luận chuyên môn, có thể bảo vệ quan điểm cá nhân và cải thiện hiệu quả các hoạt động.

CĐR của CTĐT ngành TMĐT được công bố rộng rãi đến các BLQ, giảng viên, người học, nhà tuyển dụng thông qua: Website của Trường, Website của Khoa, thông qua các cuộc họp xây dựng CĐR. CĐR ngành TMĐT được xác định rõ ràng, súc tích, phản ánh được mục tiêu của CTĐT, đảm bảo khối lượng kiến thức và kỹ năng người học cần đạt được sau khi hoàn thành CTĐT.

  • Bản mô tả chương trình đào tạo

Bản mô tả CTĐT ngành TMĐT thể hiện đầy đủ các thông tin cần thiết, phù hợp với các nhu cầu khác nhau của các BLQ về CTĐT. Đồng thời, Bản mô tả được xem như cẩm nang để định hướng hoạt động giảng dạy, học tập cũng như quản lý đào tạo của ngành. Nội dung của Bản mô tả bao gồm 3 phần chính: (i) Mô tả CTĐT, (ii) Mô tả chương trình giảng dạy (iii) Hướng dẫn thực hiện CTĐT. Bảng 2.1 mô tả đầy đủ các nội dung trong Bản mô tả CTĐT ngành TMĐT.

Bảng 2.1 Nội dung Bản mô tả CTĐT

Bản mô tả CTĐT được cập nhật định kỳ hàng năm và theo giai đoạn cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới, tình hình thực tế của Nhà trường và sự phản hồi của các BLQ.

  1. Chương trình dạy học theo hướng thực tiễn và hội nhập

CTDH được dựa trên CĐR của CTĐT, trong đó bao gồm: Xác định cấu trúc, khối lượng kiến thức cần thiết của CTĐT; xác định tổ hợp phương pháp giảng dạy, học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học của tất cả các môn học/học phần trong CTDH phù hợp, góp phần hỗ trợ hiệu quả việc đạt được CĐR. Về phân bố các học phần: Các học phần bắt buộc/tự chọn, kiến thức nền tảng rộng/kiến thức cơ bản/kiến thức cơ sở ngành cốt lõi/kiến thức ngành gần/cơ sở ngành nâng cao được phân bổ hợp lý nhằm tạo điều kiện để sinh viên chủ động trong lựa chọn đăng ký các học phần. Sự phân bổ khối kiến thức thể hiện qua bảng 3.1.

Bảng 3.1. Phân bổ khối lượng kiến thức

CTDH ngành TMĐT được thiết kế chặt chẽ, có trình tự logic hợp lý giữa các khối kiến thức đại cương và chuyên ngành. CTĐT được thiết kế với thời gian đào tạo chuẩn là 4 năm, tuy nhiên người học có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học đến tối đa 8 năm. Mỗi năm học có 2 học kỳ chính và 1 học kỳ phụ (học kỳ hè), mỗi học kỳ chính được phân thành 2 đợt, mỗi đợt có 8 tuần học, 1 tuần dự trữ và 1 tuần thi.

Theo định hướng của UEF là đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội và hội nhập quốc tế. Ngành TMĐT cũng bám chặt định hướng này để xây dựng chương trình dạy học theo hướng tiếp cận chung.

3.1. Định hướng đào tạo hội nhập

Để đảm bảo người học tốt nghiệp có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, hội nhập và đa quốc gia. Chương trình dạy học tăng cường năng lực tiếng Anh bao gồm tiếng Anh tổng quát và tiếng Anh chuyên ngành, tổng tỷ lệ dạy và học sử dụng tiếng Anh được thể hiện trong bảng 3.2 như sau:

Bảng 3.2. Tỷ lệ học phần dạy-học bằng tiếng Anh.

Ngoài việc tăng cường các học phần giảng dạy và học bằng tiếng Anh, CĐR của CTĐT ngành TMĐT đòi hỏi người học phải tích lũy và đạt được năng lực tiếng Anh là IELTS 5.5 hoặc tương đương khi xét đủ điều kiện tốt nghiệp.

Với định hướng là trường đại học quốc tế nên trong thời gian qua, năng lực tiếng Anh của người học tại UEF đã không ngừng được nâng cao. Ngoài việc học tập các học phần bằng tiếng Anh, người học được tiếp

cận và tham gia rất nhiều các hoạt động quốc tế như: học kỳ quốc tế, giao lưu sinh viên quốc tế, các cuộc thi học thuật/nghiên cứu khoa học cấp trường, khoa trong đó sử dụng tiếng Anh để báo cáo và thuyết trình. Có thể nói việc tạo môi trường học tập, nghiên cứu và sinh hoạt theo hướng quốc tế đã giúp cho sinh viên ngành TMĐT có được sự tự tin và đủ năng lực để có thể làm việc trong môi trường hội nhập.

3.2. Định hướng đào tạo thực tiễn

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội, Trường UEF đã hướng tới việc nâng cao kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề nghiệp thực tế trong CTĐT.

Theo lộ trình thiết kế, một số học phần đặc biệt được bố trí theo định hướng trên như sau:

–    Giảng dạy kỹ năng: Học phần kỹ năng Project Design 1 được giảng dạy ở năm thứ nhất, Project Design 2 được giảng dạy ở năm thứ hai, hình thành cho người học phương pháp, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy, phát hiện và giải quyết vấn đề thông qua một dự án. Trên cơ sở đó người học sẽ tiếp tục phát triển các kỹ năng qua các học phần chuyên môn ở các học kỳ tiếp theo.

–    Giảng dạy chuyên môn – gắn kết với thực tiễn doanh nghiệp: Từ học kỳ 1 năm thứ nhất, người học được tiếp cận các học phần nhập môn, cơ sở ngành và được tiếp cận với các lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn thông qua các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Trong các học phần chuyên ngành, ngoài việc giảng viên trực tiếp đứng lớp thì sẽ kết hợp với diễn giả từ doanh nghiệp, trình bày các vấn đề ứng dụng thực tiễn có liên quan đến học phần cho sinh viên. Ở học kỳ cuối sinh viên phải tham gia thực tập tốt nghiệp (toàn thời gian tại đơn vị thực tập, tối thiểu 12 tuần) và thực hiện khóa luận tốt nghiệp.

Việc đào tạo đẩy mạnh các kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề nghiệp và sớm tiếp cận với kiến thức thực tế từ các chuyên gia/diễn giả doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy đã góp phần nâng cao năng lực làm việc thực tiễn của người học ngành TMĐT tại UEF.

  1. Đề xuất nâng cao chất lượng

Dựa trên thực tiễn đào tạo ngành TMĐT tại UEF, dựa trên các chỉ số thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TMĐT tại Việt Nam, chúng tôi có một số kiến nghị, đề xuất chung cho các trường đào tạo ngành TMĐT nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ngành TMĐT và đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội như sau:

  1. Thường xuyên và định kỳ rà soát, cải tiến, xây dựng mới CTĐT và CTDH, cụ thể là cải tiến CTĐT đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội; cải tiến nội dung giảng dạy; phương pháp giảng dạy; phương pháp kiểm tra đánh giá, v.v.. Tất cả hoạt động rà soát, cải tiến, xây dựng mới đều phải tuân thủ chặt chẽ quy trình khảo sát các BLQ, so chuẩn, đối sánh nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
  2. Tăng cường số lượng và chất lượng các tài liệu học tập phục vụ cho học phần, phục vụ cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu.
  3. Không ngừng nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy và học chủ động, tích cực nhằm nâng cao năng lực của người học.
  4. Tăng cường việc phân tích kết quả các phản hồi, khảo sát các BLQ về CTĐT, về quá trình dạy – học. Nhằm nhanh chóng có biện pháp khắc phục và nâng cao chất lượng các hoạt động.

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ học tập, các cuộc thi học thuật, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng nhằm tạo môi trường học thuật thường xuyên và đa dạng.

  1. Đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, thực tiễn nhằm đem lại hiệu quả đào tạo cao nhất.
    1. Kết luận

Ngành TMĐT là ngành trọng điểm của quốc gia trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhu cầu về nhân lực của ngành TMĐT hiện tại là rất lớn cả về số lượng lẫn chất lượng. Do vậy việc xây dựng CTĐT và triển khai đào tạo ngành TMĐT để đạt chất lượng và đáp ứng nhu cầu của xã hội là công việc hết sức quan trọng đối với các cơ sở đào tạo. Với thực tiễn đào tạo ngành TMĐT trong sáu năm qua, chúng tôi nhận thấy việc đào tạo phải gắn liền với thực tiễn của doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT. Ngành TMĐT là khối liên ngành, và trong thời đại toàn cầu hóa, việc thương mại xuyên biên giới đã trở nên phổ biến, nên việc đào tạo ngành TMĐT phải gắn chặt với việc hoàn thiện năng lực ngoại ngữ, để tạo ra nhân lực đáp ứng hội nhập toàn cầu.

Tài liệu tham khảo

  • Báo cáo đào tạo TMĐT Việt Nam (2022), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – VECOM.
  • Khoa CNTT-UEF (2022), Bản mô tả CTĐT ngành TMĐT Khóa 2022,  Khoa CNTT, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính HCM (UEF).
  • Khoa CNTT (2022), Báo cáo tự đánh giá Trình độ đại học ngành TMĐT giai đoạn 2017-2022, Khoa CNTT, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính, HCM (UEF).