Mô hình Câu lạc bộ trong đào tạo nguồn nhân lực ngành thương mại điện tử

TS. Nguyễn Thị Thu Hương – ĐH Mở Hà Nội

Trong những năm gần đây, sự khan hiếm nguồn nhân lực cho thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT trong nước. Vì vậy, bài viết sau khi phân tích và đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT sẽ đề xuất mô hình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, thiết thực với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT ở Việt Nam

Thương mại điện tử là xu hướng chung của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI bởi đây chính là lĩnh vực sẽ kéo các nền kinh tế, các phương thức kinh doanh đến gần nhau hơn và gần như xóa bỏ ranh giới mua sắm của thế giới.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet và công nghệ trong CMCN 4.0, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực trên phạm vi cả nước với nhiều mô hình kinh doanh mới đã được vận hành, triển khai, đã tạo nên cuộc “cách mạng mua sắm” không có điểm dừng cùng với hàng triệu việc làm mỗi năm dành trên thế giới phẳng trong xu hướng toàn cầu.

Theo dự đoán của Google và Temasek, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD. Theo đó, ngành TMĐT sẽ vẫn tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới.

Nguồn nhân lực lực ngành thương mại điện tử là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh TMĐT phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tại Việt Nam, nhóm doanh nghiệp (DN) lớn có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao hơn nhiều so với nhóm DN vừa và nhỏ.

Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), truyền thông, tài chính, và bất động sản có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao nhất, chiếm đến 49% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Tuy nhiên, nguồn nhân lực TMĐT tại doanh nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, kỹ năng. Điều tra về hiện trạng TMĐT hàng năm của Vụ TMĐT cho thấy, đội ngũ cán bộ chuyên trách về TMĐT khá ít, hiện mới có 38% doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách về TMĐT, chỉ một số rất ít là các cán bộ kinh doanh, hoặc cán bộ tin học được đào tạo ngắn hạn về TMĐT.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm và doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng….

Thực tế cho thấy, trên rất nhiều trang tìm việc trực tuyến, các thông tin tìm kiếm nhân lực TMĐT đăng tải khá nhiều với các vị trí digital marketing, online sale, online PR, facebook marketing, e-commerce manager… Nhiều công ty hàng đầu về thương mại điện tử đang ráo riết săn đầu người vì nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này rất khan hiếm nên không dễ tìm được nhân sự phù hợp, có kiến thức và kỹ năng quản trị, kinh doanh trực tuyến để giao dịch với các đối tác trong nước và nước ngoài.

Theo khảo sát từ các công ty cung cấp giải pháp TMĐT như VCCorp, Vật giá, DKT, Chợ điện tử thì nguồn lực TMĐT có chất lượng và phù hợp với nhu cầu còn đang thiếu hụt, chỉ có dưới 30% nhân lực được đào tạo chính quy TMĐT, 55% đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin còn lại các ngành nghề khác.

Theo khảo sát của VECOM thì tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng về CNTT và TMĐT có xu hướng tăng lên, từ 29% (năm 2016) đã tăng lên 31% (năm 2017) và đặc biệt, 46% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về quản trị website và sàn giao dịch TMĐT.

Như vậy, để đáp ứng được nhu cầu phát triển TMĐT theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 thì 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực TMĐT tăng cao nhưng chất lượng và số lượng nguồn nhân lực TMĐT của Việt Nam hiện còn hạn chế thì công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT là một nhu cầu cấp bách hiện nay, nhất là theo hướng chính quy, hiện đại.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực TMĐT một cách chính quy ở Việt Nam khởi đầu từ sau khi có Quyết định 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2005 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT, trong đó có dự án đầu tư nguồn nhân lực TMĐT tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Hiện nay hầu hết các trường đại học, cao đẳng khối ngành kinh tế và công nghệ thông tin ở Việt Nam đều đã đưa môn học “Thương mại điện tử” vào chương trình đào tạo với thời lượng giảng dạy ở mức phổ biến là 45 tiết. Tuy nhiên, đào tạo chuyên sâu về ngành/chuyên ngành TMĐT thì mới có 1 số trường triển khai, trong đó một số trường đã thành lập mới khoa thương mại điện tử nhưng đa số là thành lập bộ môn thương mại điện tử.

Đặc biệt, cùng là đào tạo ngành TMĐT nhưng có 60% trường tiếp cận đào tạo theo hướng kinh doanh và 40% trường tiếp cận đào tạo theo hướng công nghệ thông tin. Những con số trên phản ánh công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực TMĐT mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu thực tế, đặc biệt là đào tạo chính quy dài hạn hiện nay chỉ chiếm 16% trong các hình thức đào tạo TMĐT tại Việt Nam hiện nay.

Theo Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), đào tạo TMĐT hiện nay chủ yếu theo hình thức đơn đặt hàng (37%), đào tạo ngắn hạn tập trung (33%), đào tạo trực tuyến (9%). Bộ Công Thương và các Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo về TMĐT dành cho DN. Các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến TMĐT cũng đã cũng thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn, đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực cho mình (62%), gửi nhân viên tập huấn lớp ngắn hạn (30%), và tự mở lớp đào tạo (8%).

Đào tạo tại chỗ là cách rẻ nhất và nhanh nhất để phục vụ nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp, nhưng về mặt chiến lược, hình thức này không trang bị được cho nhân viên những kiến thức bài bản, có hệ thống, do đó hiệu quả về lâu dài không cao. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mới quan tâm đến đào tạo TMĐT bề nổi mà chưa có bề sâu. Do đó, nguồn nhân lực và công tác đào tạo nhân lực TMĐT trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu và yếu về trình độ chuyên môn.

Nguồn nhân lực phục vụ cho thương mại điện tử phải đáp ứng được những nhu cầu cao về chuyên môn.

Thứ nhất, hoạt động thương mại được tiến hành trên môi trường mạng là dựa trên những quy định, những nguyên tắc và yêu cầu riêng (về giao dịch, thanh toán, tranh chấp…). Điều này đòi hỏi những người lao động trực tiếp và những nhà quản lý kinh doanh phải hiểu rõ các thao tác kỹ thuật, những quy định và nguyên tắc thực hiện kinh doanh trực tuyến.

Thứ hai, người làm thương mại điện tử cần phải nắm vững những vấn đề liên quan đến thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông để có thể vận dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin khi tiến hành các giao dịch thương mại điện tử, đồng thời phải thường xuyên cập nhật các công nghệ mới, nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới trong thương mại điện tử.

Thứ ba, thương mại điện tử là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế tri thức. Do đó, nhân lực thương mại điện tử, dù là người thực hiện hay là người đóng vai trò quản lý đều là những đối tượng có hàm lượng tri thức cao. Họ cần được tiến hành đào tạo có hệ thống, trải qua các quá trình đào tạo từ hệ thống đến chuyên sâu tương ứng với từng vị trí, từng nhiệm vụ và theo từng chuyên ngành cụ thể.

Theo đánh giá của các chuyên gia TMĐT, thực tế nguồn nhân lực ngành TMĐT cần có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và ngoại ngữ, nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài, các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời gian còn thiếu nhân lực. Chính vì vậy đào tạo chính quy dài hạn tại các trường đại học mới là cứu cánh cho nhân lực của TMĐT và là một nhiệm vụ có tính thời sự và cấp thiết của các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.

  1. Đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT

2.1. Những ưu điểm

Các trường đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT có xu hướng ngày càng tăng và tập trung nhiều hơn các kiến thức thực tiễn, hội nhập. Để tiếp cận thực tiễn phù hợp và hiệu quả, các trường đã lựa chọn các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, ngân hàng, tài chính…

Điển hình tại Trường Đại học Mở Hà Nội: mặc dù ngành TMĐT là ngành mới mở nhưng luôn được chú trọng việc khảo sát, tổ chức các chuyên đề để sinh viên cập nhật kiến thức thực tiễn, bổ sung những kiến thức cần thiết mà chương trình đào tạo còn thiếu. Để hỗ trợ sinh viên thực tập, Trường đã khảo sát các lĩnh vực sinh viên mong muốn đi thực tập, cụ thể như:

Qua số liệu trên, Trường có căn cứ để bổ sung các kiến thức lý thuyết cũng như có kế hoạch tổ chức các chuyên đề phù hợp cho sinh viên, giúp sinh viên tự tin hơn trong quá trình thực tập cũng như có thêm cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, người học có trình độ ứng dụng KHCN ngày càng cao nên cập nhật  kiến thức, công cụ, kỹ năng, phương pháp chủ động, sáng tạo, cập nhật hơn. Do đó, trong quá trình giảng dạy, giảng viên đưa các tình huống ứng dụng công nghệ thực tế vào bài học cũng được người học tiếp cận thuận lợi, dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các DN tham gia vào công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, giảng dạy chuyên đề trở nên thiết thực, hiệu quả hơn. Hiện nay, đối với nhiều Trường đào tạo ngành TMĐT, các DN không chỉ tham gia với tư cách là tư vấn về chuẩn đầu ra, về phương pháp giảng dạy, về nội dung học phần mà còn tham gia với vai trò người sử dụng lao động và có sự đánh giá thực tế về chất lượng nguồn lao động này.

2.2. Những hạn chế, khó khăn

Thứ nhất, đào tạo nhân lực ngành TMĐT đòi hỏi có kiến thức tổng thể như thông thạo về ngoại ngữ để thực hiện các thao tác giao dịch trực tuyến, hiểu biết về các thị trường tiềm năng và kinh nghiệm giao thương quốc tế, kiến thức về dịch vụ sau bán hàng… Hiện tại việc công tác đào tạo này còn chưa đồng bộ.

Thứ hai, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nhân lực ngành TMĐT còn chưa tương ứng với các đòi hỏi kỹ năng thực hành của một số học phần.

Thứ ba là sự phối hợp giữa Nhà trường và Doanh nghiệp liên quan đến kiến thức một số học phần còn thiếu hiệu quả do thời gian, kế hoạch, đặc thù công việc, vấn đề nguồn lực khác nhau, chưa đồng bộ.

Thứ tư, một số ít sinh viên còn chưa chủ động hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng cần thiết trước đòi hỏi ngày càng cao của nguồn nhân lực ngành TMĐT.

Thứ năm là sự thiếu hụt về nguồn giảng viên đào tạo chuyên sâu ngành TMĐT, vừa có chuyên môn nghiệp vụ cao, vừa có kinh nghiệm thực tiễn tốt, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy khoa học.

  1. Đề xuất mô hình CBL trong đào tạo nguồn nhân lực ngành thương mại điện tử

Mô hình CBL – Consulting Based Learning – đã được ứng dụng trong đào tạo doanh nhân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều nước ASEAN và nghiên cứu đề xuất mở rộng áp dụng mô hình này trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ngành thương mại điện tử nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức trên..

Mô hình CBL được xây dựng dựa trên 3 trụ cột là trường học/cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người học như hình sau:

Hợp tác giữa Cơ sở đào tạo/Nhà trường và Doanh nghiệp: giúp doanh nghiệp lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng, phát triển tài năng dựa trên năng lực của sinh viên, tiết kiệm được chi phí, thời gian đào tạo lại sau khi tuyển dụng, sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng ngay công việc tại doanh nghiệp. Nhà trường sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hội nhập, nâng cao vị thế.

Giảng viên được tiếp cận với hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại của doanh nghiệp thông qua các chuyến tham quan, làm việc. Tỷ lệ sinh viên làm đúng ngành tăng; Sinh viên được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, từ đó phát huy trí tuệ và sự say mê cố gắng trong học tập, được tài trợ kinh phí, tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp.

Trong những năm gần đây, vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng được các trường đại học coi trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo đó, các trường mời doanh nghiệp cùng tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và đánh giá người học, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; tham gia và thực hiện xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ sở đào tạo thương mại điện tử.

Phối hợp giữa Doanh nghiệp và Sinh viên, đặc biệt trong việc sinh viên đến các doanh nghiệp thực tập, tuyển dụng lao động. Sinh viên bắt đầu từ năm thứ 2 có thể thực tập tại các DN là thành viên của các sàn TMĐT trong nước và quốc tế để làm quen với môi trường giao thương thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm để ngay khi tốt nghiệp; sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các DN.

Ngược lại, qua quá trình thực tập tại DN, sinh viên có thể bổ sung ngược kiến thức thực tế vào việc học, có các minh họa thiết thực trong các học phần liên quan đến ngành.

Mối quan hệ giữa Cơ sở đào tạo/Nhà trường và Sinh viên là vô cùng quan trọng trong mô hình này, trong đó trường đại học là kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao. Các yếu tố ảnh hưởng đến chương trình đào tạo ngành TMĐT của từng trường như: mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn; chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành TMĐT; chương trình dạy học, đánh giá để đạt chuẩn đầu ra; đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; công tác đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo; kết quả đầu ra của người học.

Bên cạnh đó, để trở thành lao động có chất lượng cao, người học cần tích lũy và đạt được các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành TMĐT như: có kiến thức nền tảng chung, kiến thức bổ trợ và chuyên môn về TMĐT tư vấn, thực hiện hiệu quả các hoạt động kinh doanh điện tử trong thực tiễn; có kỹ năng nghề nghiệp về TMĐT để thích ứng và làm việc hiệu quả trong các môi trường làm việc hội nhập, đa dạng về văn hoá và công nghệ phát triển; Có năng lực tự chủ trong công việc; tự chịu trách nhiệm với bản thân và có ý thức phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, để việc phối hợp hiệu quả, Doanh nghiệp, Sinh viên, Nhà trường cần chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin. Bảo mật và an toàn thông tin là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp. Vì vậy, khi tiếp nhận đến SV đến DN thì vấn đề này luôn được DN quan tâm. Do đó, sinh viên, cơ sở đào tạo và các DN cần có những cam kết, thỏa thuận về đảm bảo an toàn thông tin.

Tóm lại, ba trụ cột trong mô hình CBL là trường học/cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, người học có vai trò quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bài viết đã phân tích mối quan hệ giữa các trụ cột trên, các nhân tố ảnh hưởng đến các trụ cột đó trong từng mối quan hệ. Hy vọng, đây là sẽ là mô hình nghiên cứu đề xuất cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT có chất lượng cao, đáp ứng được các đòi hỏi của nền kinh tế hội nhập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *