Mạng xã hội Việt: Đứng trên vai hay lách qua người khổng lồ?

Post content

Mạng xã hội Việt Lotus sắp ra mắt cho biết sẽ tập trung vào nội dung (ảnh chụp màn hình).

Sau Hahalolo, mạng xã hội Việt tiếp theo Gapo được ra mắt. Lotus là cái tên tiếp theo vừa được VCCorp chính thức công bố sẽ ra bản thử nghiệm từ ngày 16.9 tới. Tổng vốn đã huy động bước đầu của dự án này là 700 tỉ đồng và ở giai đoạn đầu cung cấp dịch vụ Lotus kì vọng sẽ thu hút thêm khoảng 500 tỉ đồng nữa.

Nở rộ trở lại…

Thị trường dịch vụ trường thông số tại Việt Nam đang ghi nhận sự nở rộ trở lại của mạng xã hội Việt như cách đây khoảng 10 năm trước. Trên dưới 10 năm trở lại đây, thị trường từng nở rộ nhiều mạng xã hội Việt như Yobanbe, Tamtay, Yume, Zing Me, Go.vn…

Thậm chí, Zing Me từng thắng thế so với Yahoo!360 Plus khi “ông lớn” này thay đổi nền tảng và xóa bỏ Yahoo!360 khiến dân mạng phải “dời nhà” và nhiều người đã chọn Zing Me thay vì Yahoo!360 Plus.

Tuy nhiên, khi Facebook bắt đầu thâm nhập Việt Nam, các mạng xã hội Việt dần rơi rụng và Zing Me chính là mạng xã hội Việt cuối cùng tồn tại từ năm 2010 trở lại đây với lượng người dùng trên 5 triệu users, nhưng rồi cũng không thể cạnh tranh được với Facebook.

Khi ấy nhiều ý kiến cho rằng, mạng xã hội Việt không còn cửa để tồn tại và phát triển ngay trên “sân nhà”.

Muốn thành công phải lách qua Facebook?

Ông Vũ Thanh Long – Giám đốc Cty phát triển và vận hành ứng dụng về y tế eDoctor – trong một lần trao đổi với chúng tôi cho rằng “hiện nay chưa có ai có thể cạnh tranh được với Facebook”. Đó là một thực tế, mạng xã hội đại chúng (Mass Social Network) là hướng Facebook đang phát triển và đang quá mạnh.

Mạng xã hội Hahalolo (chụp màn hình).

Trong một sự kiện ông Võ Thanh Hải – Giám đốc Viettel Media, đơn vị phát triển mạng xã hội Việt có tên Mocha – cho rằng các mạng xã hội Việt làm giống Facebook rồi muốn đánh bại họ là điều không thể.

Bởi làm giống Facebook là cạnh tranh trực diện với các tính năng, dịch vụ mà họ đang làm rất tốt và gần như đang không có đối thủ trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên theo nhà báo chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước, hướng đi của mạng xã hội Việt nên lách vào thị trường ngách, có nghĩa là không đối đầu với Facebook mà cung cấp các dịch vụ, tính năng mà mạng xã hội toàn cầu khó có thể vươn tới.

Điều đó cũng có nghĩa, trước hết hãy làm thật tốt để phục vụ thật tốt người dùng bản địa, tạo tính địa phương hóa khác biệt mà Facebook không có và khoan hãy nghĩ đến “toàn cầu hóa”, “go global” cho mạng xã hội Việt.

Khái niệm “thị trường ngách” còn mang tính chung chung nhưng trên thực tế đã có những trường hợp “lách qua người khổng lồ” thành công.

Đơn cử, mạng xã hội về video nói chung thì hiện nay YouTube là vô đối trên toàn cầu với khoảng 2 tỉ người dùng. Tuy nhiên, ứng dụng mạng xã hội video Tik Tok sinh sau đẻ muộn nhưng hiện nay vẫn tạo được thị trường riêng và đã thu hút hơn 500 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu trong đó có không ít người dùng tại Bắc Mỹ và Châu Âu.

Tik Tok không đi vào tập khách hàng quá rộng như của YouTube mà chỉ tập trung vào giới trẻ, tuổi teen. Tik Tok không đi vào hướng làm sáng tạo nội dung video công phu mà chỉ tập trung vào các video ngắn từ 15 giây trở xuống, nhún nhảy, vui nhộn, chợp nhanh và post lẹ lên chia sẻ với cộng đồng.

Mạng xã hội Gapo cho biết vừa cán mốc 1 triệu người đăng kí sử dụng (chụp màn hình).

Ngay tại thị trường Mỹ, trước khi Facebook trở thành “con quái vật” như hiện nay (cách nói của Sean Parker – Chủ tịch đầu tiên của mạng xã hội Facebook) thì mạng xã hội MySpace mới là số 1 tại Mỹ với hơn 70 triệu người dùng vào năm 2004.

Tại Việt Nam, trước khi Zing Me thu hút được hơn 5 triệu người dùng không ai nghĩ rằng có một ngày mạng xã hội Yahoo!360 và sau đó là Yahoo!360 Plus tiêu tan…

Vẫn có những con đường dù đó là những “khe cửa hẹp” cho các mạng xã hội Việt. Đó là thị trường ngách mà từ Mocha, Hahalolo, Gapo, Lotus đang muốn tạo ra sự khác biệt lách qua Facebook để tồn tại.

Theo Thế Lâm/ báo Lao Động