Mạng xã hội là kênh hiệu quả nhất cho hoạt động quảng cáo trực tuyến

Nguyên Hoàng

Khảo sát năm 2020 cho thấy mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai kênh hiệu quả nhất cho hoạt động quảng cáo trực tuyến.

Đây là thông tin đáng chú ý trong Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố mới đây.

53% doanh nghiệp cho biết đã quảng cáo website/ứng dụng di động thông qua các mạng xã hội, đây cũng được coi là nền tảng chính trong nhiều năm liên tiếp được doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nhiều nhất.

Vẫn theo số liệu của EBI, sau mạng xã hội, doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là giải pháp quảng bá thông qua các công cụ tìm kiếm (29%).

Tuy nhiên có tới 24% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa sử dụng hình thức quảng cáo trực tuyến nào.

Theo đánh giá của VECOM, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhìn chung đa số các doanh nghiệp đều cắt giảm chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động.

Năm 2020 có 57% doanh nghiệp cho biết chỉ chi dưới 10 triệu đồng vào hoạt động quảng bá này.

Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn là hai thành phố dẫn đầu về mức chi ngân sách cho các hoạt động quảng cáo trực tuyến trong doanh nghiệp.

Theo đó có 35% doanh nghiệp ở Tp. HCM và 33% doanh nghiệp ở Hà Nội chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng cáo trực tuyến, mức chi này với các khu vực còn lại là rất thấp.

Có thể thấy, mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm trong nhiều năm trở lại đây đã dần trở thành hai nền tảng chính hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cũng được coi là hai nền tảng đem lại hiểu quả tốt nhất so với các phương thức trực tuyến truyền thống khác như báo điện tử, tin nhắn và ứng dụng di động.

Riêng với báo điện tử, theo biểu đồ của EBI, chỉ số này ngày càng đi xuống. Nếu mấy năm trước, tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá tính hiệu quả quảng cáo trên báo điện tử đạt 21-22%, năm 2020 con số này giảm xuống chỉ còn 15%.

Năm 2019 xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hƣởng lớn tới toàn thế giới trên các mặt văn hóa – kinh tế – chính trị. Trong đó không thể không nhắc tới tác động làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng như phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng có tới 12% doanh nghiệp cho biết số đơn đặt sản phẩm thành công có tăng so với năm 2019, có thể đây là những nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu trong giai đoạn dịch, 44% doanh nghiệp cho biết số đơn hàng có giảm.