“Lý lịch tư pháp” cho nông sản Việt

Thành Hiếu

Minh bạch thông tin về thương hiệu, các chứng nhận mà doanh nghiệp đang áp dụng như VietGAP, GlobalGAP, Organic,..nó đang là công nghệ mũi nhọn cho nông sản Việt Nam.

Sử dụng mã QR Code trong sản xuất nông nghiệp đang dần trở thành một xu thế tất yếu của nông sản việt. Với chức năng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, từ thành phẩm cuối cùng đến nơi sản xuất ban đầu, kiểm tra, rà soát từng giai đoạn trong chuỗi chế biến sản xuất và phân phối.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những giải pháp công nghệ tiên phong hiện nay, có khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất chế biến và phân phối.

Tính năng này cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ghi nhận tất cả các thông tin, giai đoạn của sản phẩm mỗi khi phát sinh thông tin từ lúc bắt đầu sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Mục đích là để có thể theo dõi và truy lại chính xác được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình hình thành sản phầm trong chuỗi cung ứng.

Truy xuất nguồn gốc đang trở thành tiêu điểm cần thiết cho sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt là với hàng hóa thực phẩm tại Việt Nam.

Giúp người dùng tìm hiểu về thông tin xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

Việc truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích như đối với doanh nghiệp: là quá trình phù hợp với quy định của nhà nước. Đồng thới đáp ứng nhất là các quốc gia nhập khẩu khó tính trên Thế giới như các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật.

Qua đây doanh nghiệp Việt có thể mở rộng được thị trường; thông quan dễ dàng hơn và tăng sức cạnh tranh. Các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, quá trình hình thành sản phẩm đều được minh bạch với người tiêu dùng, giúp họ tin tưởng hơn về sản phẩm và đánh giá so sánh với các nhà cung cấp khác.

Là cách tốt nhất để doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng cuối cùng để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Phòng chống và phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Doanh nghiệp có thể theo dõi, kiểm soát nhanh dòng thông tin từ các khâu của chuỗi mắt xích, quản lý thông tin sản xuất nội bộ. Giúp doanh nghiệp truy vấn và thực hiện thu hồi, xử lý nhanh chóng các sản phẩm kém chất lượng.

Làm giảm phạm vi thu hồi từ 50% đến 95%, giúp tiết kiệm chi phí khi có vấn đề về an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới Việt Nam sẽ có quy định rõ ràng hơn về truy xuất nguồn gốc từ đó thành lập cổng thông tin quốc gia, và kết nối với hệ thống truy xuất của doanh nghiệp qua đó giúp cơ quan quản lý được nguồn gốc của sản phẩm trên thị trường.

Loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn vào thị trường, đối với người tiêu dùng: Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trên thị trường thông qua tem QR Code dán trên sản phẩm bằng điện thoại thông minh có kết nối internet. Biết được đâu là sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để yên tâm chọn mua.

Hiệu quả từ thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng hình thức điện tử là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập như: Hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc còn chưa cụ thể.

Việc nâng cao nhận thức của xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số lượng lớn sản phẩm nông lâm thủy sản được bán tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh…được lấy từ những hộ kinh doanh tại chợ đầu mối tuy nhiên Ban quản lý chợ đầu mối còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, các hộ kinh doanh tại chợ chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, nguyên nhân do chi phí sản xuất tem truy xuất nguồn gốc tương đối lớn làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, nên nhiều doanh nghiệp, người dân chưa chưa mặn mà.

Sử dụng tem điện tử có gắn QR code và được quảng bá là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực tế đó mới chỉ dừng lại ở việc truy xuất thông tin

Công tác tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp, người dân về hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản và đăng ký mã QR Code cho sản phẩm còn gặp khó khăn do họ chưa nhận thức được những lợi ích và hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đối với người tiêu dùng bước đầu đang được triển khai, tuy nhiên nhận thức còn nhiều hạn chế nên còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp, hiện 95% các sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thị được sử dụng tem điện tử có gắn QR code và được quảng bá là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực tế đó mới chỉ dừng lại ở việc truy xuất thông tin, dữ liệu thông qua tem chứ chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa gắn với hoạt động quản lý và chưa có chiều sâu về mặt dữ liệu.

Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp, người dân cần gắn với các hoạt động quản lý nhà nước điển hình như hệ thống quản lý dữ liệu địa phương (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể…), hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hệ thống quản lý chương trình OCOP, các cổng thông tin truy xuất nguồn cấp tỉnh/cấp quốc gia.

PGS. TS. Mai Văn Trịnh Viện Môi trường Nông nghiệp chia sẻ : “Khi gắn với quản lý nhà nước thì doanh nghiệp mới phát huy được hiệu quả của hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ đó thực hiện truy xuất đúng và đủ, đồng thời tăng cường trách nhiệm của chính doanh nghiệp nông nghiệp và cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.”

“Để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc nông sản đòi hỏi các doanh nghiệp, người dân sản xuất phải có giải pháp đồng bộ từ khâu tích tụ ruộng đất đến quy trình sản xuất, chế biến phải thống nhất, bảo quản, vận chuyển theo đúng yêu cầu. Đây cũng là cách giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong đầu tư. Song song với đó, các nhà cung cấp dịch vụ tem điện tử cần nghiên cứu, cải tiến tem nhằm giảm giá thành, phù hợp với từng sản phẩm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân khi áp dụng”.

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 69% người tiêu dùng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, 47% cho biết muốn tra cứu nhưng không có đủ thông tin, 74,8% cho rằng rất khó để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Chính vì thế, thời gian qua, các địa phương đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp, người dân áp dụng, sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, và giúp nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm việt.