Lừa tuyển cộng tác viên online trên sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tiền
Các bị can trong vụ án - Ảnh: Công an cung cấp

Băng nhóm chuyên đăng bài tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki, hứa hẹn người tham gia được hưởng hoa hồng 12 – 15% giá trị mỗi đơn hàng… để lừa chiếm đoạt tiền.

Ngày 8-3, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết đã khởi tố 23 bị can để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chuyên án phối hợp giữa C02 và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Điều tra ban đầu xác định từ tháng 3 đến tháng 7-2022, các bị can đăng bài tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki…

Theo quảng cáo, người tham gia được hưởng hoa hồng 12 – 15% giá trị mỗi đơn hàng.

Sau khi bị hại liên hệ, nhóm này sẽ gửi link web giả mạo Shopeemall để lập tài khoản, chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để mua đơn hàng có sẵn.

Ngoài ra, các bị can còn lôi kéo người chơi tham gia theo dõi TikTok, nhe nhạc MP3 để được trả công 10.000 – 50.000 đồng/lần.

Một chiêu thức khác là lập tài khoản trên trang web Co…, Gor…com, SX…com, ua8….com, các trang có giao diện như trang web đánh bạc trực tuyến, máy chủ đặt tại Campuchia.

Khi người chơi đặt cược lệnh tài xỉu, chẵn lẻ sẽ được chúng hứa trả hoa hồng 30 – 65% trên tổng số tiền mỗi lần đặt.

Sau khi bị hại chuyển tiền bằng ba cách mời gọi như trên đến tài khoản ngân hàng cung cấp sẵn, nhóm lừa đảo sẽ gửi qua Telegram một hợp đồng bảo hiểm cam kết bảo đảm an toàn 100% vốn cho khách hàng.

Thời gian đầu, khi số tiền ít, các bị can sẽ cho bị hại rút tiền về tài khoản ngân hàng để dụ dỗ. Khi số tiền lớn hơn, nhóm này lấy nhiều lý do như sai số tài khoản ngân hàng, đặt cược sai lệnh… để không cho rút tiền.

Nhóm lừa đảo còn mời gọi khách hàng chuyển thêm tiền để được rút hết số tiền đã nộp vào. Khi thấy bị hại không còn khả năng chuyển tiền, chúng liền chặn liên lạc, xóa tài khoản để chiếm đoạt tiền.

Theo C02, nhóm này đã dùng 18 tài khoản mở tại các ngân hàng như Bản Việt, Eximbank, HDBank, MBbank, MSB, Vietcombank… để bị hại chuyển tiền.

Đầu tháng 1, C02 và Cục An ninh mạng phối hợp cùng chính quyền Campuchia bắt các nghi phạm di lý về Việt Nam để xử lý.


C02 đề nghị các nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền bằng cách thức như trên, gửi đơn tố giác đến Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, số 497 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo Tuổi Trẻ