Logistics Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần phát huy những lợi thế

Trọng Tâm – Đức Lâm

với 2 cảng biển lớn là Đà Nẵng và Bình Định

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT), được thành lập từ năm 2008 gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, với 4 khu kinh tế ven biển, gồm Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định). Nhiều chuyên gia đánh giá đây là vùng đất đầy tiềm năng và lợi thế phát triển logistics.

 Cơ sở hạ tầng logistics lợi thế chưa tương xứng với tiềm năng

Được biết, ngoài 4 khu kinh tế ra vùng KTTĐMT còn có khoảng 20 khu công nghiệp được Thủ tướng chính phủ cho phép thành lập, chiếm 6% số khu công nghiệp được cấp phép cả nước và khoảng 50% số khu công nghiệp của 14 tỉnh thành miền Trung.

Với diện tích tự nhiên 27.881,7km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước, dân số 6,5 triệu người, chiếm trên 7,0% dân số cả nước. Vùng KTTĐMT hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa dịch vụ và phát triển logistics. Hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, thương mại có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, phát triển logistics của vùng.

Tại vùng KTTĐMT cơ sở hạ tầng logistics bao gồm đầy đủ các hệ thống cảng biển, hàng không, đường sắt, đường bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Trong các phương thức vận chuyển, đường bộ đóng vai trò then chốt trong hoạt động vận tải hàng hoá xuất nhập cảnh và giữa các vùng trong cả nước.

vai trò trung tâm KTTĐMT, cảng hàng không Đà Nẵng bao gồm cảng nội địa và quốc tế đang phát huy vai trò là sân bay chiến lược kết nối nhiều chuyến bay đưa du khách và nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Ngoài ra Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) cũng đã được nâng cấp theo hướng đến năm 2025 trở thành cảng hàng không quốc tế và là trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước. còn lại 2 cảng hàng không Phú Bài, và Phù Cát cũng được xem là tiềm năng.

Đặc biệt với hệ thống đường bộ như; các tuyến đường quốc lộ, các tuyến giao thông trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối với các cửa khẩu Việt – Lào, cũng như hệ thống đường sắt Bắc – Nam, được đầu tư hệ thống nối các cảng biển với các trung tâm logistics của vùng tạo sự kết nối trong chuỗi logistics.

Mặc dù những năm gần đây, hệ thống logistics khu vực này cũng đã được quan tâm, các loại hình dịch vụ ngày càng phong phú và số lượng các doanh nghiệp logistics cũng như doanh nghiệp sử dụng logistics tăng lên.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng logistics khu vực này còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.

Theo kết quả khảo sát về chất lượng cơ sở hạ tầng logistics vùng KTTĐMT, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics đều cho rằng hệ thống hạ tầng logistics của vùng hầu hết mới chỉ đạt mức trung bình.

Cụ thể, có tới 58,7% số lượng các doanh nghiệp được hỏi đánh giá hệ thống đường bộ ở mức trung bình. Thấp hơn là các ý kiến đánh giá về hệ thống đường sắt, kho bãi và hệ thống sân bay, hàng không (trên dưới 53%) và hệ thống cảng biển. Công nghệ thông tin lần lượt là 49,3% và 45,3% số lượng các doanh nghiệp đánh giá mức trung bình.

Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) cũng đã được nâng cấp theo hướng đến năm 2025 trở thành cảng hàng không quốc tế và là trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước.

Cần giải pháp đầu tư hạ tầng nhằm phát triển hệ thống logistics

Không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia đều coi cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và của hoạt động logistics nói riêng.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể như đường bộ có khoảng 256.684km; 41.900km đường thủy; 44 cảng biển; 2.600km đường sắt; 13 cảng dầu khí ngoài khơi loại 3 và 21 sân bay, hệ thống thông tin được đầu tư nâng cấp để bắt kịp với xu hướng của thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đều có những tồn tại, hạn chế nhất định trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, trình độ kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu so với yêu cầu phát triển.

Theo số liệu thống kê, tại thời điểm 31/12/2016 tính riêng vùng KTTĐMT có tổng gần 27.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics (gồm bán buôn bán lẻ; vận tải, kho bãi; thông tin và truyền thông), nhờ vậy đóng góp của logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn tăng lên.

Tuy nhiên, tỷ trọng số doanh nghiệp logistics vùng KTTĐMT so với cả nước là khá thấp (chỉ trên 5%). Trong khi đó, cơ cấu vốn đầu tư của từng địa phương trong vùng KTTĐMT cho lĩnh vực logistics so với các ngành khác chiếm tỷ trọng không nhỏ.

Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu xuất phát từ thực tế vùng KTTĐMT có nhiều cảng biển, sân bay, nhưng các cơ sở hạ tầng này chưa được đầu tư hiện đại để đạt các tiêu chuẩn quốc tế làm giảm khả năng khai thác của các cơ sở hạ tầng và lượng hàng hoá lưu thông qua các cơ sở này còn khá khiêm tốn.

Cụ thể, lượng hàng container qua 2 cảng lớn là Đà Nẵng và Bình Định chỉ chiếm khoảng 3,2%. Điều này cho thấy, mức độ công nghiệp hóa, sản xuất và sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Trung, đặc biệt là vùng KTTĐMT vẫn còn quá thấp so với cả nước.

Bên cạnh đó hiện nay, hệ thống logistics vùng KTTĐMT còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng logistics, doanh nghiệp logistics đến các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics đang gia tăng cả về số lượng doanh nghiệp, nhưng thực tế hiệu quả cung cấp dịch vụ chưa tương xứng, đồng bộ với hoạt động logistics tại khu vực.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cũng như các địa phương cần có các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistics kết nối cho vùng KTTĐMT, các hệ thống cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường hàng không cần được đầu tư đồng bộ, hiện đại và được kết nối thông suốt với các trung tâm logistics, các khu công nghiệp của vùng.

Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức về logistics, vai trò của logistics trong toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của các trung tâm logistics trong việc thực hiện các hình thức liên kết kinh tế vùng.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa của dịch vụ logistics góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho doanh nghiệp góp phần mở rộng thương mại quốc tế, áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, khuyến khích việc thuê ngoài logistics, điều chỉnh và bổ sung chính sách đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động dịch vụ logistics trong thời gian tới.