Lập trang trại chủ yếu để bán điện
Một trang trại điện mặt trời tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên

Dù quy hoạch là đất sản xuất nông nghiệp nhưng các trang trại điện mặt trời có thu nhập chính từ bán điện; việc trồng trọt, chăn nuôi chỉ là đối phó.

Dọc Tỉnh lộ 11C và 8A qua xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế thời gian gần đây đã xuất hiện 3 trang trại nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời, còn gọi là trang trại điện mặt trời (TTĐMT), với tổng diện tích gần 10 ha.

Kiểm tra rất khó (?)

TTĐMT của ông Phạm Hồng Phú (thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền) hiện vẫn đang xây dựng rầm rộ.

Ngoài phần trang trại điện áp mái trồng cây nha đam (khoảng 2 ha) đã hoàn thiện, chủ đầu tư còn đang xây dựng 3 chuồng nuôi gà thịt với quy mô rộng hơn 3.500 m2 cùng hệ thống quạt gió và nước làm mát.

Trang trại đã đấu nối hệ thống điện nhà nước để bán điện từ nhiều tháng trước.

TTĐMT của ông Phú có diện tích sử dụng đất làm nông nghiệp là 3,48 ha; diện tích lắp đặt điện mặt trời áp mái khoảng 2 ha, loại hình trang trại trồng cây nha đam.

Chủ trang trại đã ký hợp đồng cho 4 công ty thuê mái lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời và đã được Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên – Huế nghiệm thu, đóng điện và ký kết hợp đồng mua bán điện.

Ông Phú cho biết đã và đang liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng đầu ra với một số công ty, tập đoàn nhằm thu mua nha đam và gà thịt với quy mô giai đoạn 1 khoảng 100.000 con.

Tại khu vực trang trại đã cho trồng đại trà cây nha đam khoảng hơn nửa năm nay và đây là khu vực trảng cát nắng hạn, đất cằn cỗi nên cây nha đam phát triển kém, một số đã chết.

TTĐMT của ông Nguyễn Đăng Hòa tại thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền cũng đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và đấu nối vào lưới điện nhà nước để bán điện.

Trang trại này diện tích khoảng 2,5 ha và đã trồng cây đinh lăng trên hầu hết diện tích trong hơn nửa năm qua nhưng cây phát triển chậm, một số bị úa vàng lá.

Ông Nguyễn Đình Hợp, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Phong Hiền, nói rằng khu vực này là vùng rú cát, rất khó trồng trọt nếu không có giải pháp kỹ thuật hiệu quả.

Đối với việc trồng trọt, chăn nuôi tại các TTĐMT hiện nay, địa phương kiểm tra cũng rất khó bởi trồng cây trong khu vực không thể quang hợp, chủ đầu tư chưa tiến hành cải tạo đất.

Gần như các trang trại đều nằm ở các trục đường tỉnh lộ, hạ tầng giao thông hoàn thiện và chiếm một phần lớn diện tích đất sản xuất nhưng chỉ xây dựng lên chủ yếu để bán điện tạo lợi nhuận, còn sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch đất thì chỉ thực hiện cho có.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, toàn huyện này có 4 trang trại nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái với diện tích sử dụng đất trang trại cho nông nghiệp gần 10 ha, diện tích lắp đặt điện mặt trời áp mái khoảng 4,43 ha, công suất lắp đặt dưới 1.000 kWp, loại hình trang trại chủ yếu là trồng trọt.

Theo kết quả kiểm tra và Công văn số 114/BC-SCT ngày 15-1-2021 của Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế, đánh giá chung cho thấy các chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trong đó việc thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và của các bộ, ngành liên quan.

Giá trị sản phẩm nông nghiệp không cao

Ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, cho biết qua kiểm tra, trang trại nông nghiệp của ông Nguyễn Chánh Phúc (xã Phong Hiền) đã xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi và tận dụng hệ thống mái nhà để lắp đặt điện mặt trời khi chưa có chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, theo quyết định cho thuê đất và “sổ đỏ” được cấp cho ông Phúc thì không có mục đích đất nông nghiệp khác.

Nhưng người này đã tiến hành xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi và tận dụng hệ thống mái nhà để lắp đặt điện mặt trời là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền được giao phối hợp các ngành liên quan, UBND xã Phong Hiền kiểm tra, tham mưu xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, hướng dẫn ông Phúc bổ sung các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng để xây dựng mô hình kinh tế trang trại kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định.

Tương tự, trang trại của ông Nguyễn Đăng xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt và tận dụng hệ thống mái nhà để lắp đặt điện mặt trời khi chưa có chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.

UBND huyện Phong Điền đã giao UBND xã Phong Hiền phối hợp các ngành liên quan kiểm tra hiện trường, đình chỉ thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; đồng thời kiểm tra cụ thể việc sử dụng đất trang trại kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để báo cáo, đề xuất phương án giải quyết.

“Vấn đề quản lý chất lượng công trình xây dựng trang trại nông nghiệp còn nhiều bất cập.”

“Huyện đã đề nghị các sở có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình xây dựng khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và các trang trại có lắp hệ thống điện mặt trời áp mái để có cơ sở kiểm tra xử lý bảo đảm theo quy định” – ông Nghiễm cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những khu vực phát triển TTĐMT dù quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhưng giá trị thực tế các sản phẩm nông nghiệp không cao.

Hầu như chưa sử dụng đất cho nông nghiệp

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã kiểm tra 9 dự án TTĐMT trong toàn tỉnh, với tổng diện tích đất gần 33 ha. Trong đó, diện tích phục vụ điện mặt trời khoảng 12,5 ha, sản lượng điện đang vận hành gần 29 MWp.

Qua kiểm tra cho thấy việc cho thuê sử dụng vào mục đích trang trại là đúng quy hoạch, đúng thủ tục.

Tuy nhiên, tại các điểm có đầu tư điện mặt trời thì diện tích đất hầu như chưa sử dụng vào mục đích chính là sản xuất nông nghiệp.

Các TTĐMT ở huyện Quảng Điền và Phong Điền thu nhập chính chủ yếu từ bán điện.

Theo Người Lao Động

https://nld.com.vn/thoi-su/lap-trang-trai-chu-yeu-de-ban-dien-20210713220140638.htm