Lấp khoảng trống pháp lý thị trường thương mại điện tử

Việc quản lý hoạt động có yếu tố thương mại điện tử trên mạng xã hội cần khác biệt với các loại hình thương mại điện tử khác.

Ngày 23-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Thương mại điện tử (TMĐT) trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý”. Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng hiện nay có nhiều vấn đề trong quản lý TMĐT trên mạng xã hội mà một phần do khoảng trống về pháp lý.

Phải tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, trình bày báo cáo cho hay: Thị trường TMĐT ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh. Từ xuất phát điểm thấp 2,2 tỉ USD vào năm 2013, quy mô thị trường này đã lên đến khoảng 10,08 tỉ USD vào năm 2019.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong thời gian tới. Theo một báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường này dự kiến đạt 23 tỉ USD vào năm 2025.

Đặc biệt TMĐT trên mạng xã hội đang phát triển nhanh, tỉ lệ các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng này cũng tăng so với các sàn giao dịch TMĐT. Hiệu quả kinh doanh qua mạng xã hội được doanh nghiệp đánh giá cao (40% cho biết hiệu quả cao), lớn hơn rất nhiều so với các hình thức kinh doanh trực tuyến khác.

Thế nhưng hiện nay lại chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để các nhà kinh doanh tuân thủ. Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên mạng xã hội như với phương tiện truyền thống cũng không khả thi khi áp dụng với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong nước cũng như xuyên biên giới…

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, đại diện VCCorp, cho biết sắp tới sẽ ra mắt mạng xã hội có chức năng thanh toán và giao hàng. Xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh để nó phát triển minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được nhưng không kìm hãm.

“Cần phải quản lý được hàng hóa phục vụ và đăng tải trên mạng Internet để đảm bảo vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, tránh bán hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt phải quản lý được vấn đề lừa đảo, mạo danh để bán hàng. Đồng thời cần quản lý thuế của người bán hàng trên môi trường mạng xã hội nhằm tạo ra sự cạnh tranh công bằng” – ông Tuấn đề nghị.

Cần có hình thức quản lý phù hợp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhìn nhận một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa mạng xã hội và sàn TMĐT là cho đến nay các mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Người mua và người bán vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch. Trong khi đó các sàn TMĐT có thể có chức năng đặt hàng trực tuyến và cho phép giao dịch được hoàn tất trên môi trường mạng, từ khâu đặt hàng đến khâu vận chuyển và giao hàng.

“Trước thực tiễn này, đòi hỏi pháp luật về TMĐT cần có những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển. Việc quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội cần khác biệt với các loại hình TMĐT khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cũng nhận xét do thực tiễn hoạt động TMĐT trên Internet phát triển quá nhanh nên nhiều quy định đã trở nên lạc hậu. Do vậy, pháp luật về quản lý mạng xã hội và TMĐT cần được điều chỉnh, sửa đổi trong thời gian tới.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), cho rằng cần có nguyên tắc cân bằng rủi ro và lợi ích đối với TMĐT trên mạng xã hội, qua đó không làm tăng tổng chi phí tuân thủ của cả xã hội. Nhà nước muốn siết chặt vì các nền tảng mạng xã hội trên TMĐT có những hiện tượng như hàng nhái, hàng giả, lừa đảo, trốn thuế…

Tuy nhiên, không thể tăng trách nhiệm cho các nền tảng này mà cần có cách tiếp cận khác hơn. Nếu ta tự trói chân tay theo cách tăng thủ tục, tăng hiệu lực pháp luật thì chi phí bỏ ra rất lớn.

“Ở Mỹ, người ta không đưa ra các quy định như ở ta mà sao TMĐT phát triển mạnh thế. Cách đây vài tháng, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã phối hợp với Bộ Công an Việt Nam bắt một số đối tượng người Việt Nam bán khẩu trang giả cho người mua bên Mỹ, lừa được mấy trăm ngàn USD. Pháp luật của Mỹ có thể vươn ra khỏi biên giới Mỹ để bắt kẻ lừa đảo” – ông Thành dẫn chứng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tik Tok, đồng tình với ông Thành và cho rằng cả nước đang bước vào thời kỳ kinh tế số mà cái gì cũng có quy định thì… luật và nghị định, thông tư sẽ rất nhiều.

“Khi có các quy định như vậy, các nền tảng mạng xã hội cũng sẽ được trao quyền rất nhiều. Chẳng hạn quyền từ chối người bán, người mua, thu thập thông tin về các giao dịch đáng ngờ… Chúng tôi không muốn đâu nhưng vì pháp luật cho phép nên chúng tôi buộc phải thu thập thông tin của khách hàng. Cái này là nguy hiểm cho quản lý nhà nước chứ không phải hỗ trợ Nhà nước” – ông Thanh nói.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng khung pháp lý quản lý hoạt động TMĐT hiện vẫn áp dụng chung cho cả mạng xã hội và sàn giao dịch TMĐT mà chưa tính đến những khác biệt cơ bản. Do vậy, các cơ quan nhà nước cần phân loại quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội theo mức độ và tính chất hoạt động chứ không nên gộp chung.

Theo PL TPHCM

Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/lap-khoang-trong-phap-ly-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-974350.html