Lãnh đạo doanh nghiệp thời 4.0: Đối diện nguy cơ ‘cá nhanh nuốt cá chậm’
Các diễn giả thảo luận tại Vietnam CEO Forum 2018

Với 4.0, tốc độ lớn hơn sự khác biệt của sản phẩm. Doanh nghiệp lớn có khi thua doanh nghiệp nhỏ ở sự nhanh nhẹn, hoạt bát trong thay đổi mô hình kinh doanh

Tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo bằng công nghệ từ mọi nguồn

Trong cuộc chuyển đổi số, một câu hỏi muôn thủa thường được các doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt ra là tiền ít, quy mô nhỏ, công nghệ thô sơ, liệu có làm được không? Rất nhiều doanh nghiệp bổ sung một đội ngũ đổi mới vào, cuối cùng đội ngũ đó bị… “xử trảm” đầu tiên! Làm thế nào để tạo ra một cơ chế riêng cho các nhân tố đổi mới sáng tạo ngay trong lòng doanh nghiệp?

Các công nghệ, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT… được triển khai thế nào khi doanh nghiệp bắt đầu bước vào cuộc cách mạng 4.0? Phải chăng các doanh nghiệp lớn, nhiều tiền mới đủ sức làm chủ cuộc chơi này? Hay cơ hội là dành cho tất cả, nếu nhà lãnh đạo có tư duy thay đổi? Vai trò của CEO trong cuộc cách mạng này là gì?

Theo Douglas Jackson, trưởng ban cố vấn của The Booston Consulting Group, cạnh tranh theo chiều dọc đang chuyển sang chiều ngang, chi phí giao dịch giảm, quy mô bắt đầu phân cực, giúp cho những doanh nghiệp rất nhỏ, cộng đồng đơn lẻ bên ngoài có thể thay thế hoạt động từng công ty. Big Data sẽ tạo ra các nhóm với quy mô lớn nhỏ khác nhau trên toàn thế giới cạnh tranh với nhau trên cơ sở dữ liệu, cho phép các công ty giảm quy mô và thuê ngoài giải pháp đổi mới sáng tạo.

Phân tích các lý do thất bại của nhiều công ty khổng lồ khi cuộc cách mạng số ập đến, ông Douglas Jackson cho rằng CEO 4.0 cần có năm tố chất sau: “Nhìn vào 50 công ty hàng đầu thế giới, có thể thấy 80% trong số đó là công ty đổi mới sáng tạo. Các CEO trên toàn cầu cho rằng các công ty sáng tạo, thích ứng trong hoạt động kinh doanh của mình sẽ tiến xa.

Những lãnh đạo này có một tiếng nói thống nhất, ưu tiên chiến lược. Thứ hai là tính linh động về ranh giới, để hiểu thách thức của nhân viên ở tuyến đầu cũng như từng vị trí. Thứ ba là năng lực cá nhân để phản ứng, tìm kiếm và thúc đẩy mọi hoạt động của công ty. Thứ tư là xử lý thông tin, chấp nhận sự thảo luận cởi mở không phê phán. Thứ năm là sự tự do trong khuôn khổ, cho phép nhân viên có khoảng không gian riêng để làm điều gì đó cho cá nhân mình, như Google chẳng hạn, họ có hai ngày trong tuần để phát triển dự án cho cá nhân mình”.

Chia sẻ kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo, ông Douglas Jackson cho rằng cần xây dựng mô hình kinh doanh nhanh gọn, tìm kiếm sự khác biệt, tạo ra những nhóm đặc biệt để có những sáng tạo mới, những nhóm đa chức năng, chuyên trách, trao cho họ sự tự chủ để phục vụ cho hành trình của khách hàng. Đó chính là sự chuyển đổi mang lại thành công cho doanh nghiệp thời đại số.

Soi chiếu qua câu chuyện 4.0 của PNJ, một doanh nghiệp trong ngành bán lẻ trang sức, có thể thấy những gì Douglas Jackson chia sẻ rất thực tế.

Trong diễn đàn Vietnam CEO Forum 2018, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch PNJ cho biết: “Thật ra chúng tôi cũng bắt đầu từ những làn sóng như Al, IoT, dữ liệu lớn… để giải quyết các vấn đề đang gặp phải của hiện tại như phát triển hệ thống phân phối, hiểu khách hàng là ai, phục vụ khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, với tầm nhìn dài hạn, PNJ phải tiếp tục tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất để đón đầu xu hướng của tương lai, nếu không sẽ trễ chuyến tàu kế tiếp.

Để quản lý trải nghiệm khách hàng tại điểm bán, khách hàng quan tâm không chỉ món hàng, mà còn trải nghiệm khách hàng. Chiếc camera bây giờ không thuần túy quản lý về an ninh, mà có thêm hệ thống Al để phân tích hành vi khách hàng, giúp bố trí trưng bày hàng hóa thích hợp, thiết kế cửa hàng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, camera còn giúp chúng tôi thấy được hành vi của người bán hàng nữa. Trước đây chúng tôi huấn luyện nhân viên nhưng không có hệ thống kiểm soát, giờ hệ thống camera sẽ giúp mình trao đổi kịp thời với nhân viên.

Để đẩy nhanh tiến độ, PNJ đã hợp tác với nhóm startup, đặt hàng họ giải quyết những vấn đề bán lẻ giúp chúng tôi. Cũng là chiếc camera ấy, bây giờ làm được nhiều thứ nữa. Công nghệ nằm ở phía sau, phân tích dữ liệu mình có. Nhưng muốn thế, việc đầu tiên là phải số hóa hành vi khách hàng”, ông Thông nói.

Để các startup này phát huy sức mạnh, PNJ tạo ra những “đặc khu”, với cơ chế quản lý khác nhau. Rất nhiều doanh nghiệp phải làm như vậy mới ươm mầm cho dội ngũ chuyển đổi số và sáng tạo phát triển. Ông Lê Trí Thông cho biết: “Mỗi doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có sức mạnh riêng của mình. Với 4.0, tốc độ lớn hơn sự khác biệt của sản phẩm. Doanh nghiệp lớn có khi thua doanh nghiệp nhỏ ở sự nhanh nhẹn, hoạt bát trong thay đổi mô hình kinh doanh. PNJ có 30 năm, có nhiều vinh quang, đi làm chuyện khác hoàn toàn rất khó khăn.

Đang làm tốt vẫn phải thay đổi PNJ đi vào 4.0 không thể đi một mình, văn hóa PNJ không giống với khởi nghiệp. Đích thân tôi gặp 4-5 nhóm khác nhau, lựa nhóm nào phù hợp cách làm, cách triển khai của PNJ để hợp tác. Ngay trong PNJ hiện giờ cũng phải lập ra những đặc khu, cấy những “gen” mới bên ngoài vào trong cơ thể PNJ đã lớn, để vừa dung hòa tính lịch sử của tổ chức, ngược lại bổ sung tính linh hoạt của startup.”

Cần giữ mãi một tinh thần khởi nghiệp

Làm thế nào để đội ngũ A&D, đội ngũ startup còn thể tồn tại trong lòng một công ty lớn, dù chưa làm ra tiền cho hiện tại? Đó là câu hỏi đau đầu nhất với các CEO.

Ông Lê Trí Thông nhấn mạnh: “Nếu bạn là startup, bạn không có lý do để không làm cái mới. Còn với công ty lớn, họ không có quyết tâm để làm cái mới, đó là lý do tại sao tính tốc độ là chỉ số rất quan trọng. Các quản lý cấp trung chưa chắc có tố chất đó, CEO cần phải “cấy” vào cơ thể của doanh nghiệp mình sự quyết liệt đổi mới của các startup. Với PNJ, làm việc với nhiều đối tác bên ngoài, sau ba tháng có kết quả, công ty có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời giao thoa hai loại gen đó.”

Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Lê Minh, Giám đốc điều hành khối IoT Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho rằng: “Doanh nghiệp lớn rất cần nuôi dưỡng trong mình tinh thần khởi nghiệp. Doanh nghiệp lớn suy nghĩ theo lối mòn, với startup là mới mẻ, khác biệt, nếu kết hợp sẽ cực kỳ thành công, giúp cho ý tưởng tốt hơn.

Liên quan đến A&D, chúng tôi kết hợp rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, startup bên ngoài, giúp đi nhanh hơn. Công nghệ 4.0 là “Cá nhanh nuốt cá chậm, chứ không phải cá to nuốt cá bé, chậm trong phát triển sản phẩm và đầu ra thị trường là chết liền.

Mời gọi các nhân tài từ nước ngoài, từ các tập đoàn đa quốc gia về, tạo ra đội ngũ A&D chuyên nghiệp có thể hoạt động linh hoạt trong lòng cơ thể doanh nghiệp lớn để đầu tư cho tương lai, tạo ra sản phẩm khác biệt, mà vẫn duy trì kinh doanh hàng ngày là một thách thức lớn. Ngành chiếu sáng thì hẹp, nhưng công nghệ thì rộng vô cùng, đi một mình chậm lắm, phải hợp tác tối đa mới phát triển, trong chiến lược chúng tôi mở hết tầm kết nối có thể, trong nội bộ cũng khuyến khích anh em hợp tác.”

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng, phải dung hòa người cũ với người mới, không phá bỏ cái đã có, cái tốt nhất của cả hai để dung hòa, phát triển, đó là môi trường của Điện Quang để nuôi dưỡng đội ngũ sáng tạo. Phối hợp nguồn lực bên trong và bên ngoài, hiện Điện Quang đang xây nhà máy ở Khu Công nghệ cao TP. HCM, đối diện với nhà máy của Samsung. Ước mơ của Điện Quang là trở thành mô hình như Samsung, có rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ bên cạnh, kết hợp các startup tạo ra một hệ sinh thái công nghệ cùng đồng hành đi ra thế giới.

Ông Minh chia sẻ thêm: “Qualcomm, công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ cực mạnh về Chip, Amazon là tập đoàn hàng đầu về Big Data. Cả hai hãng đều đang tập trung phát triển trí tuệ nhân tạo, mình cần họ, ngược lại họ có định hướng, tìm ra điểm mạnh của mình để hợp tác phát triển, Qualcomm hỗ trợ về Chip, Amazon mạnh về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, bảo mật. Mình hợp tác để ứng dụng.

Họ cũng giúp mình về đào tạo con người, hợp tác cởi mở lắm. Họ định hướng mảng IoT là mảng tương lai vì thấy thị trường điện thoại tương đối bão hòa. Tiềm năng IoT thế giới rất lớn, nếu tất cả các thiết bị dùng điện đều được kết nối kết, làm được rất nhiều việc. Thu thập thông tin từ Big Data có thể nhận biết thói quen của con người để có thể tự động chỉnh ánh sáng phù hợp, đó là câu chuyện không còn xa vời nữa.”

Ông Minh cho biết Điện Quang đang hợp tác với FPT để sản xuất thiết bị điện, chiếu sáng thông minh do người Việt hoàn toàn làm chủ công nghệ và sản xuất.

“Mình có thế mạnh phần cứng, FPT có thế mạnh phần mềm. Ví dụ sử dụng ngôn ngữ tiếng nói điều khiển, trí tuệ nhân tạo, FPT sẽ chịu trách nhiệm phát triển toàn bộ phần mềm điều khiển ứng dụng trên thiết bị di động, phối hợp cùng Điện Quang viết phần mềm nhúng cho sản phẩm hợp tác, xây dựng các thư viện và giao thức lập trình cho các đối tác phát triển giải pháp mới quan nền tảng điện toán đám mây. FPT đang xây dựng hệ sinh thái, mình có tham vọng thiết bị phần cứng thông minh, hệ sinh thái của họ đầu tiên điều khiển hệ bóng đèn của mình”, ông Quang tiết lộ.

Nhấn mạnh đến sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo, Chtisrian Nguyen, nhà sáng lập và Tổng giám đốc Wee Digital, quán quân Fintech Chalienge Vietnam 2018, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính, bảo mật ngân hàng điện tử cho biết: “Khó nhất với chúng tôi bây giờ là thuyết phục các ngân hàng lớn thay đổi. Mấy “ông lớn” có tiền thường sẽ bỏ vào A&D, nhưng như thế rất lâu. Còn với startup có thể làm liền, thử nghiệm, thay đổi, thua, làm tiếp, thay đổi công nghệ hàng ngày, đó là sức mạnh của startup.

Chúng tôi đang cố gắng bứt phá, xây dựng lại văn hóa của chúng ta trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nhưng việc phá vỡ tư duy của những ngân hàng giàu có “khủng long” đang kiểm soát dòng tiền của các bạn rất khó khăn.

Fintech không có quá nhiều nhân viên, quy trình, nên phải sáng tạo nhiều hơn, đi xa hơn, người Việt Nam nên nghĩ về sáng tạo, bước xa hơn của chuyển hóa số, tìm ra phương pháp mới.

Chúng tôi có phương pháp khác để thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt, giúp chúng ta bảo mật an ninh, chứng minh mỗi giao dịch là thật, không lừa đảo. Al cho chúng ta có mối quan hệ tốt với khách hàng, giúp bạn nói chuyện với ngân hàng, để giảm chi phí khi bạn có sự cố hoặc nhu cầu mới với ngân hàng.”

“Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh một điều, công nghệ không giải quyết mọi thứ, chỉ hỗ trợ thay đổi thôi. Kinh nghiệm là không thể thay thế, chỉ có người Việt mới hiểu rõ về thị trường, về người tiêu dùng Việt Nam”, ông Nguyen nhấn mạnh.

Kim Yến