Lần theo dòng tiền từ buôn lậu động vật hoang dã
Ảnh: Internet

Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là tội phạm đứng thứ tư trên thế giới sau buôn vũ khí, ma túy và buôn người với nguồn lợi nhuận tạo ra lên tới 7-23 tỷ đô la mỗi năm.

Đáng chú ý là lượng tiền đẫm máu này không chỉ gây ra tội ác môi trường, thúc đẩy tham nhũng mà còn làm suy yếu các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững. Vậy nhưng rất hiếm khi chúng bị nhắm đến trong các cuộc điều tra tội phạm.

Báo cáo mới của EIA mang tên “Money Trails – Identifying financial flows linked to wildlife trafficking” (Tạm dịch: Dấu vết tiền – Xác định các dòng tài chính liên quan đến buôn bán động vật hoang dã) xem xét thực trạng hiện tại và đưa ra lý do sử dụng các cuộc điều tra tài chính và luật chống rửa tiền làm tiêu chuẩn khi điều tra tội phạm động vật hoang dã.

Cùng với phân tích các rào cản thực thi pháp luật, báo cáo cũng đưa ra nghiên cứu trường hợp về hai cuộc điều tra lớn của EIA để xác định và theo dõi các đường đi nước bước của tiền bao gồm cả các quỹ tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động và thu lợi nhuận lớn sau đó.

Julian Newman, Giám đốc Chiến dịch thuộc EIA và là tác giả của báo cáo cho biết: “Bao lâu nay, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp chưa bị coi là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng… Có lẽ vì vậy mà rất nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ, ví dụ, các vụ bắt giữ lớn hàng lậu động vật hoang dã như ngà voi hoặc vảy tê tê được sử dụng cho mục đích quảng bá hơn là dùng làm vật chứng điều tra những ông trùm giấu mặt luôn giữ được đôi tay sạch sẽ dù lợi nhuận họ thu về thật bẩn thỉu”.

“Hy vọng các quốc gia sẽ bắt đầu cân nhắc nghiêm túc hơn về nguy cơ và rủi ro từ tội phạm động vật hoang dã cũng như những biện pháp họ cần làm để chống lại vấn nạn này một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là việc mời các chuyên gia tài chính tham gia điều tra tội phạm động vật hoang dã ngay từ đầu”.

Các nghiên cứu trường hợp EIA cũng cho thấy việc sử dụng rộng rãi hệ thống tài chính chính thức của các tập đoàn tội phạm động vật hoang dã và các ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Newman nói rõ: “Các ông trùm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp không phải là không thể chạm tới và các công cụ để làm việc này ngày càng có sẵn – chúng ta chỉ cần theo dõi tiền của họ để đưa họ vào sau song sắt”.

PV