Nguyên Hoàng

VOBF 2019 – Bứt phá giới hạn là mục tiêu của Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum – VOBF) được tổ chức tới đây.
VOBF 2019 được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) tổ chức tại Hà Nội (26/03/2019), Tp. Hồ Chí Minh (28/03/2019) và Đà Nẵng (15/03/2019).
Năm 2018 được coi là năm đặc biệt, được đánh giá là sôi động nhất trong kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. So với xuất phát điểm là 4 tỷ USD năm 2015, năm 2018 ngành thương mại điện tử Việt Nam đạt được 7.8 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tới 13 tỷ USD, cao hơn con số 10 tỷ USD ước đạt của quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) trong mục tiêu được nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử phát triển dựa vào những phát minh vĩ đại như máy tính, internet và quan trọng nhất là web với sự ra đời của www vào ngày 12/2/1989.
Theo đó chúng ta đã trải qua những thời kỳ hình thành, phổ cập thương mại điện tử và giờ chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển nhanh của thương mại điện tử, 2016 – 2025.
Được kỳ vọng xuất hiện tại Diễn đàn tới đây, vấn đề chênh lệch tăng trưởng giữa hai đầu cầu kinh tế Hà Nội và TPHCM và các tỉnh thành khác là một trong những vấn đề hết sức đáng quan tâm. Với việc chiếm tới 70% doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh bỏ xa các khu vực trên cả nước.
Vậy kế hoạch làm thế nào để rút ngắn khoảng cách của 61 tỉnh thành với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh sẽ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chia sẻ về xu hướng thương mại điện tử năm 2019, ông Đỗ Hữu Hưng – CEO Interspace VN/ Accesstrade Việt Nam ứng dụng điện thoại sẽ dẫn dắt thị trường thương mại điện tử Việt Nam, cùng với đó trải nghiệm người dùng thông qua ứng dụng điện thoại sẽ quyết định sự phát triển của nó.
Các xu hướng dẫn dắt thương mại điện tử 2019 có thể kể đến, Digital Centric, Customer Centric, Flasform,… Tiếp theo là Chatbot, AI, trợ lý ảo hỗ trợ bán hàng
Ứng dụng điện thoại là sản phẩm được đánh giá có khả năng níu giữ được người dùng lâu nhất với chi phí rẻ nhất. Và chưa bao giờ trải nghiệm người dùng là mạnh mẽ hơn bao giờ hết với sản phẩm của doanh nghiệp.
Cùng với đó Direct to customer (D2C) sẽ là thứ được cả thế giới tìm kiếm.
Đánh giá về thị trường thương mại điện tử tới đây, nhiều chuyên gia đồng tình rằng cuộc chiến giữa các ông lớn thương mại điện tử sẽ sớm trở thành cuộc chiến “lấy nông thôn vây thành thị” với mục tiêu được chia nhỏ về các tỉnh thành. Nơi mà sớm trở thành “địa bàn” của các ông lớn như “Shoppe, Sendo”.
Về tính khả thi của chiến dịch này, các chuyên gia nhận định rằng thực tế ở địa phương mua tốt hơn là thành thị bởi không có nhiều lựa chọn về sản phẩm như ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Năm tới đây sẽ là sự thay đổi hoàn toàn từ Logistíc và thanh toán online, đặc biệt là với những sản phẩm mang tính nhỏ, dễ vận chuyển sẽ có khả năng phát triển mạnh.
VOBF 2019 được kỳ vọng là cơ hội để thảo luận về tạo lập môi trường và hệ sinh thái cho việc phát triển bền vững thương mại điện tử tại Việt Nam.
Có 4 phiên chính, chủ đề đầu tiên là “Bùng nổ mua sắm online” với xu hướng thị trường thương mại điện tử, chủ đề tiếp theo là “Thời gian là Vàng” bàn về các giải pháp và dịch vụ hỗ trợ sản phẩm đặt mua trực tuyến trong thời gian tính bằng giờ.
Chủ đề thứ ba là “Sự nổi lên của AI” là cơ hội để trao đổi về tác động của công nghệ tới mọi doanh nghiệp, bao gồm trí tuệ nhân tạo. Cuối cùng là “Vốn hay Ý tưởng” sẽ giúp các nhà khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến định hướng được đâu là yếu tố quyết định trong cuộc phiêu lưu đầy rủi ro nhưng cũng đầy cơ hội để trở thành những Uninorns mới của Việt Nam.
Cùng với đó chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2019 cũng sẽ được công bố tại Diễn đàn lần này. Tham dự Diễn đàn lần này có nhiều diễn giả đễn từ nhiều tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Facebook, TikTok, Sapo, Lazada, Shopee…