Ký kết hợp tác đưa cá hồi sapa lên thương mại điện tử

Trung Nguyên

Trại nuôi cá hồi của Hợp tác xã Thức Mai năm bên dãy núi thuộc địa phận Bản Khoang-Sapa quanh năm mây phủ

Tạp chí Thương gia & Thị trường vừa ký kết biên bản hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp nuôi cá hồi ở Sapa, Lào Cai, xây dựng trang thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm đặc sản cá hồi, cá tầm của đơn vị này lên cửa hàng trực tuyến.

Đối tác là Hợp tác xã  Nuôi trồng chế biến thủy sản  cá tầm, cá hồi Thức Mai (Hợp tác xã Thức Mai), một trong những  trang trại lớn và đi đầu trong việc nuôi những giống cá nước  lạnh ở Sapa.

Mặc dù mỗi năm xuất hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm nhưng theo đánh giá của người đứng đầu Hợp tác xã, Phạm Thị Mai, nhu cầu của thị trường cũng như năng lực sản xuất của trang trại nói riêng và các nhà sản xuất cá hồi nói chung ở Sapa còn rất lớn.

Nếu  tính cả các sản phẩm chế biến từ cá hồi, lên đến cả trăm chủng loại, việc tiêu thụ theo kênh truyền thống sẽ không khả thi.

Đấy là chưa kể thương hiệu cá hồi Sapa được thị trường đón nhận từ lâu, tuy nhiên để mua được sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất vẫn còn nan giải với nhiều người tiêu dùng. Trong khi đó, thị trường cá hồi, cá tầm có nhiều nguồn gốc xuất xứ, nhất là từ Trung Quốc, việc mua qua bên thứ ba rất khó đảm bảo nguồn gốc chính xác của cá hồi Sapa.

Bản thân các nhà sản xuất cá hồi Sapa trong đó có Hợp tác xã Thức Mai đã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, tuy nhiên trên thị trường vẫn không tránh khỏi việc người tiêu dùng mua phải cá hồi có xuất xứ từ nơi khác.

Phạm Thị Mai- chủ hợp tác xã Thức Mai có hơn 10 năm lăn lộn với nghề nuôi cá nước lạnh ở Sapa

Từ góc độ nhà sản xuất, cũng như đánh giá nhu cầu thị trường bà Mai cho rằng, đưa sản phẩm cá Sapa lên cửa hàng trực tuyến không những giúp đơn vị nhanh chóng mở rộng thị trường mà còn giúp người tiêu dùng có cơ hội mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, đối với một doanh nghiệp mà phần lớn công việc ít liên quan đến công nghệ, việc vận hành một trang thương mại điện tử đơn giản không phải dễ, chưa nói đến việc thực hiện các vấn đề kỹ thuật trong thế giới kỹ thuật số

Bà Mai cho biết, đã sử dụng mạng xã hội như Facebook từ  lâu để giới thiệu sản phẩm, tuy có đem lại khách hàng nhờ kết nối online nhưng thực sự chưa nhiều.

Đặc biệt, thông  tin về doanh nghiệp cũng như sản phẩm với các đặc tính riêng  biệt của nhà sản xuất không  được cung cấp đầy đủ hay tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh từ quy trình sản xuất, chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,v.v…

Các thông tin không chỉ thiết thực cho người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, chính vì thế bà Mai cho rằng cần thiết phải có một trang thương mại điện tử riêng.

Tuy nhiên như đã nói, cái mà các nhà quản lý, các chuyên gia liên tục nói đến mức được xem như ngôn ngữ phổ thông là “chuyển đổi số”, “ thương mại điện tử” với các chủ doanh nghiệp như bà Mai- những người quanh năm dồn hết tâm trí vào công nghệ nuôi cá, bán cá hay suy nghĩ làm sao chế biến cá thành nhiều loại sản phẩm hấp dẫn, các cụm từ thời thượng trên giống như việc bảo một học sinh đang học lớp một phải hiểu được bài giảng cho sinh viên đại học.

Dẫu vậy với đam mê đổi mới, Hợp tác xã Thức mai cũng đã thử vận hành một trang thương mại điện tử, nhưng  nó giống một trang cung cấp thông  tin đơn giản hơn là có chức năng bán hàng.

Nhưng ngay cả đơn giản thì bà Mai cũng đánh vật với việc đưa tin, đưa ảnh sản phẩm lên, đấy là chưa kể còn phải thực hiện hàng loạt các động tác liên quan đến kỹ thuật để trang web được nhiều người biết đến.

Kết quả, bà mất niềm tin vào sự đổi mới mang  tính tất yếu của thời đại công nghệ 4.0 mà ngay cả đến Chính phủ cũng rất quan tâm bằng việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận xu hướng  mới.

Hình ảnh bắt cá quen thuộc ở trại nuôi cá hồi, cá tầm của Hợp tác xã Thức Mai

Lỗi chẳng ở doanh nghiệp và đương nhiên cũng chẳng phải do chính sách chưa trúng, mà lỗi nằm ở khâu nào đó, bộ phận nào đó có nghĩa vụ, có trách nhiệm hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Đánh giá sơ bộ và mang tính chủ quan của PV  Tạp chí Thương gia & Thị trường  qua thực tế tiếp xúc với một số doanh nghiệp có lẽ phải chỉ ra khâu đầu tiên là ở các đơn vị xây dựng, thiết kế website.

Việc doanh nghiệp có vận hành, triển khai hiệu quả thương mại điện tử hay không trước hết dựa vào nền tảng ban đầu là website.

Thế nào là một trang web cung cấp được thông tin đầy đủ cũng như cung cấp các giải pháp kỹ thuật giúp cho cái gọi là “trải nghiệm liền mạch” với người dùng, đối với nhà sản xuất như Hợp tác xã Thức Mai hoàn toàn phó mặc cho đơn vị thiết kế.

Nhưng như phần lớn các trang web cung cấp cho doanh nghiệp mà chúng tôi tham khảo, nó giống với một trang tin tức của đơn vị truyền thông hơn là cho nhà sản xuất. Cũng có mục đầy tính nghị trường như tin tức, sự kiện,… của một cơ quan..báo chí!

Tệ hơn nữa, viết cái gì (thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm của doanh nghiệp) gần như không được các đơn vị thiết kế tư vấn. Nhanh nhất là xui doanh nghiệp copy trên mạng các bài liên quan đến lĩnh vực sản xuất của mình.

Bản thân các đơn vị thiết kế có lẽ cũng chưa có bộ phân chuyên môn riêng có kiến thức về truyền thông chứ không phải họ muốn tạo ra một sản phẩm đầy kiếm khuyết cho doanh nghiệp.

Chúng  tôi đã có dịp ngồi với Giám đốc một đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp (không tiện nêu tên) trong đó có hạng mục thiết kế web cho doanh nghiệp, vị Giám đốc chia sẻ rất chân thành- nhân viên của ông chỉ cần biết chấm phẩy đúng câu đã may rồi.

Kể ra thực tế  đó khi đưa tin về chuyện hợp tác với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đưa sản phẩm cá nước lạnh của Sapa lên không  gian mạng, chúng tôi muốn nói rằng, chính sách đã có, quyết tâm đã có, nhưng sự nghiệp chuyển đổi số với nhiều doanh nghiệp còn gian nan lắm.

Biết yếu ở khâu nào, các nhà quản lý, các chuyên gia nên hướng đến khó khăn đó để hỗ trợ doanh nghiệp thực tế hơn.  Tất nhiên câu chuyện chuyển đổi số, hay nói hẹp hơn là ứng dụng giải pháp thương mại điện tử  cho doanh nghiệp còn hàng núi việc phải làm, phải học.

Nhưng nói gì thì nói, không có điểm xuất phát hoàn chỉnh, con đường chuyển đổi của doanh nghiệp khó tránh khỏi có những lúc chuếnh choáng thậm chí ngay từ lúc vừa vung mái chèo ra biển lớn mà dẫn đến chìm nghỉm.