Kỳ I: Người phụ nữ thổi sự sống cho những món đồ thủ công truyền thống

Quỳnh Anh

Cửa hàng nội thất Maroon nằm nép mình trên con phố nhỏ Hàng Bông

Len lỏi qua những ngách phố cổ Hà Nội, chúng tôi dừng lại trước một cửa hàng có vẻ ngoài chẳng mấy nổi bật ở phố cổ Hàng Bông – Maroon, gặp bà chủ ‘nhỏ bé’ thật như vẻ bề ngoài nhưng mang một khát vọng lớn lao, giữ hồn sống cho đồ thủ công truyền thống.  

Giữa những cửa hiệu lộng lẫy, khách sạn sang trọng nổi bật, Maroon trông đầy “đơn giản”, thậm chí đôi phần đơn điệu giữa con phố nhỏ, nhưng dường như chính cái vẻ trầm mặc ấy lại tạo ra sự thu hút đầy mê hoặc.

Bên ngoài, phương châm chẳng mấy nổi bật được nhấn mạnh bởi một lớp sơn vàng cơ bản, tấm cửa kính nhìn xuyên vào bên trong cửa hàng và tấm biển hiệu nhỏ treo cao.

Nhìn vào, cặp đèn cây dáng cổ điển dựng hai bên, đằng sau bậu cửa sổ bày đầy những món đồ trang trí thủ công, bắt đầu hấp dẫn ánh nhìn của tôi.

Đằng sau tấm cửa kính, chiếc cửa gỗ khung sắt được giữ nguyên vẹn vẻ xù xì cũ kỹ, thứ ánh sáng vàng nhạt ấm áp nhấn tôi vào một cuộc trò chuyện thân mật và tràn đầy cảm hứng với chính chủ nhân nơi đây, một cuộc trò chuyện về văn hóa Việt trong một không gian đậm chất truyền thống, những kệ bày kín bình hoa, chén, cốc, rồi đèn với toàn họa tiết đậm Việt Nam như hoa cúc, hoa sen hay cá chép.

Không quá rộng để cảm thấy choáng ngợp, không quá nhỏ để thấy bừa bộn, vừa đủ để thấy hài hoà với mỗi câu chuyện về từng món đồ vật, những câu chuyện riêng nó.

“Mọi chi tiểt ở những món đồ tưởng chừng đơn giản nhất ở đây đều do bàn tay tỉ mỉ của người thợ Việt khéo léo chế tác hàng giờ đồng hồ”, chị Nguyễn Thị Phương, chủ cửa hàng Maroon.

Đón tôi trong sự niềm nở, người phụ nữ dáng vẻ nhỏ bé, ăn vận giản dị như cách Maroon giản đơn giữa phố phường nhộn nhịp. Không phải nữ trang hay mỹ phẩm, khuôn mặt mộc mạc ấy được trang điểm bởi vẻ tươi tắn, đầy sức sống.

Trước khi bắt đầu câu chuyện của mình, tôi có lẽ muốn nhấn mạnh tới sự giật mình đầy ấn tượng của cá nhân tới khả năng ghi nhớ trong câu chuyện chị kể.

Và rồi câu chuyện dần chảy theo cái sự hồ hởi, đầy hào hứng trong mỗi lời kể của chị về từng chi tiết trong cửa hàng, từ cái vẻ bề ngoài, tới cái ánh sáng xung quanh rồi về tất cả món đồ ấy.

Thất bại ‘may mắn’ mở ra con đường theo đuổi đam mê

Từng gặp nhiều người, từng nghe nhiều câu chuyện về những “thất bại” để đời, cùng chữ duyên trong cuộc sống nhưng cái cách chị nhìn nhận về sự thất bại trong chặng đường đời mới thú vị làm sao.

Thành bại là chuyện thường tình của nhà thương buôn, chữ “duyên” của chị tới giờ ngẫm lại, chị mới thấy những thất bại đầu đời ấy chính là những thất bại “may mắn” nhất.

Là học sinh chuyên tiếng Nga theo dạng tuyển thẳng của trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Trong thời ngành ngân hàng nổi lên như một nghề hấp dẫn nhất, chị chọn Đại học Ngoại Thương để thực hiện ước mơ trở thành một nhân viên ngân hàng trong tương lai.

“Thuở bấy giờ, làm ngân hàng luôn là cái nghề sáng giá trong mắt mọi người, thậm chí là chủ đề để đem ra so sánh của những con người quanh năm bút vở” chị nói.

Tốt nghiệp, đúng ước mơ chị ứng tuyển vào Ngân hàng Ngoại Thương như chúng bạn, nhưng “may mắn mà trượt”, chị cười nhẹ nhàng. Ước mơ là một nhân viên ngân hàng được gác lại để đi theo một hướng hoàn toàn mới.

Năm 1999, tốt nghiệp xong chị đi làm luôn. Chị làm nhân viên bán hàng ở một công ty chuyên in quảng cáo của Singapore, nơi chị gặp người thầy đầu tiên trong cuộc sống.

Không chờ đợi trong im lặng có vẻ là điểm chung của những người được coi thành công, chị lập quyết tâm bắt đầu sự nghiệp của mình bằng một ý chí mãnh liệt nhất ngay khi còn đi làm.

Để thực hiện điều đó, “chị làm tất cả mọi việc chị có thể làm để học hỏi một cách nhanh nhất, ngay cả những việc không nằm trong trách nhiệm của chị. Chị may mắn gặp được một người sếp tốt, người dạy cho chị rất nhiều kĩ năng cho công việc và cả cuộc sống”.

Phải thừa nhận rằng quãng thời gian đầu tiên ấy là quãng thời gian khó khăn nhưng vô cùng quý giá với chị. Tuy nhiên, cảm thấy nghề “sale” không hợp với mình bởi “cái nghề ấy khắc nghiệt quá, nó đòi hỏi sự táo bạo, lăn xả, trong khi mình lại hiền quá”.

Chị yêu thích một công việc mà chị có thể đem niềm đam mê của mình truyền đạt cho mọi người, đó là niềm đam mê cái đẹp, để rồi cơ duyên đưa chị đến công ty thứ hai, một công ty chuyên đồ nội thất đến từ Úc.

Phải nói thêm rằng ngày ấy chị là dân chuyên tiếng Nga, nhưng lại tự học tiếng Anh như một sở thích. Là một thương nhân, chị trau dồi ngoại ngữ bằng công việc dịch thuật song ngữ cho các bạn sinh viên, công việc ấy cho chị cơ hội tìm hiểu nhiều thuật ngữ chuyên môn, thậm chí là chuyên môn ngành xây dựng.

“Ngày ấy làm gì có từ điển điện tử như bây giờ, cứ phải mượn các cuốn từ điển chuyên môn về tra từng từ, thế mà cũng có thể hoàn thiện cả một bản đề án ra trường trong thời gian ngắn”, chị hồ hởi.

Vẫn mục tiêu nhân viên “đa năng”, phương châm không ngại bất cứ điều gì, cả chờ khách đến tối muộn để bán được một đơn hàng trong khi cửa hàng đóng cửa từ sớm.

“Chị là một trong những người đầu tiên đề xuất ý tưởng đến tận nhà khách hàng để tư vấn, đo đạc phục vụ tối đa thị hiếu của khách hàng. Nhờ vậy, chị được khách hàng rất yêu quý, tin tưởng, những đơn hàng liên tiếp được đặt tại công ty, chính vậy chị nhận ra niềm đam mê của mình với nội thất, muốn tự tay hiện thực hóa những ước mơ của mình”, chị nói về ước mơ Maroon của mình.

Chị Phương- chủ cửa hàng nội thất Maroon đang sắp xếp công việc bên trong cửa hàng

2004, bỏ dở công việc với mức lương nhiều người mơ ước sau hơn ba năm gắn bó, chị quyết định mở cửa hàng riêng với sự cổ vũ “ai cũng bảo chị điên, công việc lương cao, ổn định lại bỏ đi kinh doanh đầy mạo hiểm”.

Ngày ấy làm ở công ty lớn, mức lương cao được rất nhiều người coi trọng, quyết định  mở một cửa hàng nhỏ là một quyết định rất khó khăn. “Thời điểm chị quyết định bỏ ra ngoài làm, lương chị cao những 8 triệu một tháng so với lương hồi đấy trung bình là chỉ 2 triệu rưỡi thôi”.

“Khó khăn ai cũng nói, nhưng lúc đấy chị chỉ biết đam mê của mình, chị không biết con đường này liệu có phải là con đường đúng, nhưng chị xác định là mình phải kiên trì, cả kể không bán được cũng phải kiên trì”, ánh mắt đầy quyết tâm dù bây giờ không ai cho rằng con đường của chị là thất bại nữa, chị nói.

Phải làm trực tiếp thì mới hiểu được nó như thế nào, mới cảm thấy gắn bó, là máu thịt của mình.

Chị nhớ ngày quyết định đi thuê nhà, giá thuê đã 20 triệu đồng, và chị chỉ nhấc máy gọi cho người chồng tương lai của mình “Sếp – cách chị gọi anh, em sẽ nghỉ việc và ra mở cửa hàng riêng”, rồi ký bản hợp đồng mà ai cũng cho là “điên”.

“Ngày xưa Maroon bán sản phẩm khác, thời gian đầu tiên, mình có xưởng may, mình làm các sản phẩm từ lụa, các bộ vỏ chăn, vỏ ga, gối bằng lụa… ngày nào cũng hơn 900,1000 đô, bán off floor – bán tại cửa hàng”, chị kể tôi nghe.

Quay về “khó khăn để đời”, chị nói khi chưa mở cửa hàng một cách chính thức, Maroon có đơn làm rèm cho khách hàng, tiền lãi đầu tiên ấy đủ mua máy fax, và điều chị nhớ thay vì khó khăn thì là cảm giác “sung sướng, hồ hởi” khi có thể mua được món đồ đầu tiên ấy.

Những ngày đầu tiên mình phải trải qua rất là nhiều thứ, đơn giản như ngày phải lấy một đơn hàng lớn, mình là người cầu toàn, mình không biết là dưới xưởng mang lên có đẹp không nên rất lo lắng. Có khi cả đêm mình không ngủ được vì mình chưa nhìn thấy thì chưa yên tâm.

Chị luôn nhớ lần đầu tiên mua được vật gì đó, còn những thứ sau đó không còn quan trọng nữa. Chị có thể nhớ khá rõ những khách hàng mà ngày xưa từng làm ở công ty cũ.

Có một chị ở Hồng Kông ngày ấy đặt chị làm rèm để mang về Hồng Kông mà cả thập kỷ sau khi quay về đây, vô tình ghé thăm cửa hàng mà chị vẫn còn nhớ tên chị ấy, điều này khiến cả chị khách ấy và người nghe là tôi vô cùng ngạc nhiên.

Có nhiều khách hàng cũ là người nước ngoài dù trở về nước nhưng vẫn liên lạc để hỏi về  sản phẩm. Cái đặc biệt ấy khiến rất nhiều người giới thiệu nhau trở thành khách hàng của chị sau này.

Với vốn kinh nghiệm tích lũy, chị bắt đầu có những khách hàng đầu tiên, tìm cho mình những thợ thủ công khéo léo và nguồn nguyên liệu ổn định.

Dù từng làm tại một công ty nội thất nổi tiếng, nhưng chị không lấy bất kì một khách nào từ công ty cũ cả, không marketing, không gì hết, thậm chí chị sếp cũ còn đến cửa hàng chơi cơ mà, chị nói.

Nhiều đồng nghiệp khi chị ra mở cửa hàng, họ cũng mở, họ lấy nhiều mẫu của công ty ra bán, dẫn tới nhiều sự việc cạnh tranh không lành mạnh.

Còn mình khi ở công ty cũ, mình quen rất nhiều những anh chị thiết kế, họ chỉ thiết kế thôi, họ không có kinh nghiệm thi công như mình và từ đó mình nghĩ có thể cùng làm với nhau.

Thêm cái cách chị “chiều lòng” khách hàng là lí do chị có thể làm dầy danh sách những hợp đồng thành công của mình.

Từ phong cách kiểu dáng đến cung cách làm việc, giao hàng, thanh toán, nó đã trở thành một sức hút những khách hàng thân thiết lựa chọn chị và giới thiệu cho chị nhiều đơn hàng mới.