Kinh tế Việt Nam 2020: Những dấu ấn đặc biệt

Hoàng Long

Ảnh minh họa (Internet)

Bất chấp các tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 hoành hành suốt cả năm trên toàn cầu và thiên tai bão lũ, Việt Nam vẫn đạt được những dấu ấn đặc biệt, nhất là trong phát triển kinh tế khi mà kinh tế toàn cầu lao dốc.

Mục tiêu kép

Chính phủ cùng cả nước đã đồng lòng, chung sức thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện cho được “mục tiêu kép”- vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (KTXH), bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Các lực lượng tuyến đầu chống dịch nhanh chóng vào cuộc để phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh với phương châm “4 tại chỗ”, tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh, kiên trì cách ly tập trung, cách ly linh hoạt, kiểm soát dịch xâm nhập qua các tuyến biên giới, khoanh vùng dập dịch triệt để và áp dụng biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt ở phạm vi, quy mô phù hợp.

Bên cạnh đó ngành y tế đã quyết liệt đẩy nhanh sản xuất thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ cuộc chiến với dịch bệnh. Nhờ vậy qua ba đợt bùng phát dịch (tháng 3, 7 và 11), Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình, ngăn chặn dịch lây lan và từ đó từng bước dập được hiệu quả các ổ dịch.

Kết quả phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid 19 của Việt Nam đã được cộng đồng thế giới ghi nhận tích cực.

Song song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cho phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã và đang tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia.

Tính chung cả năm 2020, ước mức tăng đầu tư công thực hiện gần 40% so với cùng kỳ, là một mức tăng đầy ấn tượng, tạo đà để các dự án, công trình hạ tầng kinh tế xã hội lớn được triển khai nhanh và hiệu quả.

Đồng thời với đó là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh; đã thúc đẩy phát triển kinh tế trên bình diện chung cả nước.

Chính phủ cũng tăng cường chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhờ các nỗ lực và giải pháp quyết liệt như vậy, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thế giới suy thoái nghiêm trọng.

Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 2,5% đến 3%; Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là nước duy nhất tăng trưởng dương ở khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Kỳ tích nông nghiệp và xuất khẩu

Mặc dù 2020 là một năm phải đối mặt với thiên tai hoành hành và dịch bệnh dữ dội nhất trong 100 năm qua, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng, ước cả năm đạt 2,6%, cao hơn mức 2,01% của năm 2019.

Ảnh minh họa (Internet)

Dự kiến năm 2020, xuất khẩu gạo sẽ vượt mốc 6,6 triệu tấn, vượt qua Thái Lan; trong bối cảnh gạo xuất khẩu được giá, thu nhập của nông dân trồng lúa được cải thiện. Ước tỉnh tổng giá trị xuất khẩu gạo đạt 3 tỷ USD.

Cùng với gạo, cá tra và tôm cũng có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu và kinh tế. Thời điểm tháng 8, tháng đầu tiên khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu chỉ tăng 1%, nhưng đến tháng 10 đã tăng lên 20%, tháng 11 tăng 30% và dự kiến tháng 12 tăng 15%.

Tương tự, xuất khẩu các mặt hàng khác của Việt Nam sang châu Âu cũng có mức tăng lên đáng kể đã cho thấy Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội do EVFTA mang lại.

Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một số mặt hàng chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra…

Theo số liệu của Bộ Công thương, dự kiến, cả năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 cũng như tác động tiêu cực của thiên tai, ngành nông nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ấn tượng đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Dấu ấn FDI

Bên cạnh những thành quả ấn tượng trên của kinh tế Việt Nam thì dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI năm 2020 cũng là một điểm nhấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam.

Bất chấp những tác động tiêu cực và rất nặng nề của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, nhiều hệ thống sản xuất-cung ứng bị đứt gãy…, Việt Nam vẫn thu hút được 26,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến thời điểm cuối tháng 11 năm 2020, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù dòng vốn FDI có giảm nhiều so với năm 2019 nhưng vẫn là một con số ấn tượng và nhiều ý nghĩa bởi:

Với vốn FDI cấp mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 47,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 36,5%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 15,7%.

Với vốn FDI thực hiện ước đạt 17,2 tỷ USD, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là 12,2 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 14,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 6,9%.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhưng vốn FDI vẫn vào các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Việt Nam là công nghiệp chế biến, chế tạo, điện, khí… là những ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế và đòi hỏi bài toán đầu tư dài lâu, cho thấy những tiềm năng hấp dẫn của thị trường và nền kinh tế của Việt Nam.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đều quan tâm đến Việt Nam. Như Công ty Inventec chuyên lắp ráp tai nghe AirPods đang chuẩn bị xây nhà máy tại Việt Nam. Foxconn – nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất iPhone, iPad – cũng đã kịp xây dựng nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ. Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop sang Việt Nam.

Các nhà đầu tư châu Âu cũng đang nhìn Việt Nam như một trung tâm sản xuất của khu vực, một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Bằng chứng là các nhà đầu tư châu Âu đã đăng ký trên 1,4 tỷ USD, một con số khá tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Giới chuyên gia quốc tế đều có đánh giá là năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Và mấu chốt là sự ổn định chính trị cùng nguồn nhân lực dồi dào đã và đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp đầu tư FDI lớn trên thế giới.

Mới đây, Việt Nam và Anh đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh – Việt Nam (UKVFTA) và hướng tới ký kết hiệp định này đều được giới chuyên môn nhận định đây cũng là một tín hiệu lạc quan; bởi khi Anh rời EU (Brexit), các ưu đãi mang lại từ EVFTA sẽ không được áp dụng tại Anh thì kết quả đàm phán giữa hai nước sẽ tránh được nguy cơ gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả của Brexit.

Các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là: thủy sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… Hiệp định cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn với các doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, giáo dục, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và dược phẩm.

Ở tầm vĩ mô, hiệp định cũng đánh dấu những nỗ lực của Việt Nam vươn lên với tư cách là một thành viên tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu.

Lạc quan cho 2021

Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Chính phủ cũng đã cam kết sẽ “tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất”, minh bạch và thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư với mọi nhà đầu tư chân chính, nghiêm túc trong nước và quốc tế.

Với việc vaccine COVID-19 đang bắt đầu được sử dụng tại một số nước, kỳ vọng đại dịch sẽ sớm được kiểm soát, tạo cơ hội cho thương mại toàn cầu phục hồi. Các dự báo đều có sự lạc quan về việc kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có thể có mức tăng trưởng cao trong năm 2021.

Ngân hàng ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ 1,8% lên 2,3% và ở mức 6,1% năm 2021. Tập đoàn HSBC dự báo tăng trưởng 2021 có thể đạt 8,1%; hay Standard Chartered nhận định kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021.

Với các chuyên gia trong nước, các dự báo không lạc quan như các tổ chức nước ngoài trên, nhưng đều cho rằng kinh tế Việt Nam 2021 sẽ tăng trưởng cao hơn 2020, dự kiến GDP sẽ tăng 6 – 7%.

Mặc dầu vậy, các ý kiến nhận định đều có chung một điểm mấu chốt là sự tăng trưởng sẽ tùy thuộc vào hai biến số rất quan trọng là diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và nỗ lực cải cách của Chính phủ.