Kinh đô vĩ cầm Cremona, nơi khai sinh “nữ hoàng nhạc cụ”

Quỳnh Anh

Đàn vĩ cầm được trưng bày tại Bảo tàng Museo del Violino tại Cremona, Ý. Ảnh chụp ngày 05/09/2015 AP - Brian Hendrie

Được mệnh danh là kinh đô vĩ cầm, nghề làm vĩ cầm ở thành phố Cremona, phía bắc nước Ý, được Unesco công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại năm 2012.

Các nghệ nhân làm đàn vẫn cố gìn giữ những giá trị truyền thống từ thế kỷ 16, nhưng cũng không tránh khỏi các thách thức đặt ra đối với nghề thủ công : sự mai một của nghề và cạnh tranh từ các thị trường khác.

Nước Ý nổi tiếng với những di sản văn hoá La Mã cổ đại, là quê hương của nhà soạn nhạc nổi tiếng Vivaldi với bản giao hưởng Bốn Mùa du dương trên kênh đào thành phố Venise.

Đất nước hình chiếc giày còn được biết đến như cái nôi của nghề chế tạo nhạc cụ thủ công, nghề chế tác vĩ cầm ở Cremona, cách thành phố Milano một tiếng đi tàu, ở vùng Lombardia, phía Bắc nước Ý.

Hành trình từ nhạc cụ đường phố thành nhạc khí hoàng gia

Để có được như ngày hôm nay, vĩ cầm đã phải trải qua nhiều thay đổi, về hình dáng cũng như vị trí của nó trong nền âm nhạc cổ điển. Ra đời vào đầu thế kỷ 16, vĩ cầm chỉ là một nhạc cụ bình dân chơi ở trên đường phố.

Mãi cho đến khi hoàng hậu của nước Pháp, Catherine de Medicis, đặt làm nhạc cụ tại xưởng của nghệ nhân Andrea Amati tại Cremona nhằm phục vụ cho buổi hoà nhạc mừng sinh nhật cho con trai của mình, hoàng tử Charles IX, sau này là vua của nước Pháp.

Khoảng hơn 40 nhạc cụ khác nhau đã được chế tạo một cách đặc biệt nhân dịp này. Chiếc vĩ cầm đầu tiên, dưới hình dáng mà chúng ta biết ngày nay, từ đó, ra đời.

Được mệnh danh là cha đẻ của vĩ cầm, Amati đã biến thứ nhạc cụ đường phố thành nhạc khí hoàng gia, được giới quý tộc thời đó ưa chuộng. Nếu như gọi piano là vua của các loại nhạc cụ, ghi ta là chàng hoàng tử thì vi-ô-lông là vị nữ hoàng kiêu sa.

“Kinh đô vĩ cầm”, nơi khai sinh ra đàn vĩ cầm, hay còn gọi là đàn vi-ô-lông, Cremona là trung tâm sản xuất các nhạc cụ bộ dây nổi tiếng nhất mọi thời đại. Thành phố thu hút các nghệ nhân làm nhạc cụ và nghệ sỹ đến từ mọi nơi trên thế giới.

Trong đó có Bruce Carlson, nghệ nhân làm đàn vĩ cầm. Sinh ra ở Mỹ nhưng đã đến Cremona mở xưởng làm đàn từ 30 năm trước, ông Carlson chia sẻ với hãng tin AP :

Tất cả bắt đầu từ thế kỷ 16, khi Andrea Amati làm ra chiếc vĩ cầm đầu tiên mà chúng ta biết ngày nay, ông đã dán thương hiệu riêng của mình bên trong thân đàn, chính vì thế mà chúng ta biết ông ấy đã tồn tại. Kỹ năng làm ra chiếc vĩ cầm « đích thực » đầu tiên của nhân loại, sau đó được truyền lại cho con cháu ông tại Cremona. Những nhạc cụ đẹp nhất, với âm thanh tuyệt vời nhất được làm ra trên mảnh đất Cremona này”.

Thành phố Cremona cũng là quê hương của Antonio Stradivius, bậc thầy sản xuất vĩ cầm ở thế kỷ 17. Những chiếc vĩ cầm Stradivari, tên viết tắt của ông, vẫn luôn là ẩn số lớn cho những người trong giới chuyên môn về cách tạo ra âm thanh mà không ai có thể bắt chước được

Đàn Stradivari là một trong những cây vĩ cầm cổ, đắt nhất thế giới. Cả cuộc đời Stradivius đã sản xuất ra hơn 1000 đàn vi-ô-lông, đàn viola hay đàn cello. Hiện nay, còn khoảng 600 nhạc cụ do ông làm vẫn được lưu giữ. Đàn vĩ cầm Stravivari được bán với giá lên đến 45 triệu USD.

Họ là những nghệ nhân này đã làm lên tên tuổi của Cremona, kinh đô vĩ cầm. Năm 2012, nghề thủ công vĩ cầm truyền thống ở Cremona đã được UNESCO thêm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân.

Bảo tàng vi-ô-lông của thành phố được xây dựng lưu giữ những chiếc vĩ cầm cổ nhất thế giới như đàn Stradivari năm 1715, hay đàn của Amati năm 1566, là một trong 38 nhạc cụ bộ dây được hoàng hậu Pháp đặt làm.

Tại sao đàn vĩ cầm lại ra đời ở Cremona ?

Bởi vì thành phố luôn có truyền thống điêu khắc gỗ. Trong thời kỳ Phục hưng, thành phố phát triển thịnh vượng, âm nhạc được quan tâm nhiều hơn các nơi khác. Một lý do khác đó là nguồn nguyên liệu gỗ.

Các nghệ nhân đã có được loại gỗ vân sam tốt nhất đến từ thung lũng Fiemme, từ dãy núi Alpes, phía bắc của Cremona. Nơi đây còn được gọi là “Il Bosco Che Suona” nghĩa là “rừng cây âm nhạc”, là ngôi nhà của các cây vân sam hàng trăm tuổi.

Loại gỗ có vân cực nhỏ, siêu nhẹ nhưng chắc chắn và có độ rung lớn. Stradivius, Amati hay Guarneri được cho là đã đến tận nơi, tự tay chọn cây làm gỗ cho đàn vĩ cầm của họ.

Tại Trường dạy đàn vĩ cầm quốc tế ở Cremona, Ý, Peter Tater, hiệu trưởng trường Cremona hướng dẫn cho sinh viên người Mỹ Adolph Primavera vào ngày 23 tháng 6 năm 1949. Hiện trường có tám học sinh. Bảy người Cremona và một người là Primavera đến từ Philadelphia, Mỹ ASSOCIATED PRESS - Jim Pringle

Không giống như những nghề thủ công truyền thống bị tàn lụi vì cạnh tranh với công nghiệp hiện đại, nghề làm vĩ cầm vẫn vẫn tồn tại. Biển hiệu « xưởng thủ công » ở khắp các đường phố Cremona.

Khoảng hơn 300 nghệ nhân vẫn đang ngày ngày cần mẫn đục đẽo thử dây đàn.Các nghệ nhân vẫn sử dụng các công cụ và vật liệu lâu đời để chế tác nhạc cụ thủ công. Kỹ thuật sử dụng không có nhiều khác biệt từ thế kỷ 16.

Có một sự khác biệt lớn giữa vĩ cầm làm tại Trung Quốc và Cremona. Ở Trung Quốc, một chiếc đàn được làm từ nhiều người khác nhau, dù là làm thủ công, nhưng theo dây chuyền. Trong khi vĩ cầm làm ở Cremona chỉ do một người duy nhất làm, đàn mang tính cách của người nghệ nhân làm ra nó. Theo tôi, điều này rất quan trọng”.

Không bao giờ có hai cây vĩ cầm giống hệt nhau. Vì mỗi cây đàn được làm bởi một nghệ nhân duy nhất, chứa đựng cảm xúc, tính cách của nghệ nhân. Mỗi bộ phận của đàn được làm từ một loại gỗ riêng biệt.

Nghệ nhân thử âm thanh dây đàn qua chính đôi tai của mình.  Gỗ được lựa chọn cẩn thận và để phơi khô một cách tự nhiên.

Một cây đàn vĩ cầm có thể mất hàng tháng để hoàn thành, vì vậy mỗi nghệ nhân chỉ có thể  làm ra từ ba đến sáu cây đàn mỗi năm.

Giá thành cho một chiếc vĩ cầm từ 20.000 € đến 30.000 € cho một cây đàn chất lượng hảo hảng, mang thương hiệu “made in Cremona”.

Cạnh tranh từ thị trường quốc tế

Nếu như các nghệ nhân Cremona có thể sống tốt bằng nghề của mình vào những năm 1960 của thế kỷ trước, khi đàn vĩ cầm Cremona được các nghệ sỹ săn đón, thì ngày nay, họ phải đối mặt với cạnh tranh từ khác thị trường khác, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Vĩ cầm có lẽ là loại nhạc cụ ít bị thay đổi nhất. Và trên tất cả, Cremona đã được ghi danh vào Unesco như là di sản văn hoá về kỹ thuật làm vĩ cầm, chính vì thế, kỹ năng của những nghệ nhân làm  vĩ cầm tại Cremona từ quá khứ cho đến hiện tại cần phải được bảo tồn và duy trì. Lịch sử cần được bảo vệ, đó là những quy tắc rất quan trọng. Chính việc đàn vĩ cầm cho đến tận ngày nay vân gần như là nhạc cụ hoàn hảo nhất đã nói lên tất cả

Thay vì trả hàng nghìn đô để có được một chiếc vĩ cầm, chỉ cần bỏ ra 200 đô để mua được một chiếc đàn có âm thanh tốt, có đủ cả cung vĩ và bao đựng đàn.

Đối với bà Bénédicte Friedmann, nghệ nhân người Pháp ở Cremona, đàn  Cremona hướng tới giới nghệ sỹ chuyên nghiệp, còn đàn sản xuất ở Trung Quốc thì cho người mới bắt đầu.

Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất vĩ cầm ở Trung Quốc cũng tạo một sức ép không nhỏ cho Cremona, khi mà xu hướng sử dụng nhạc cụ cổ điển từ thế kỷ 16 không còn được ưa chuộng như trước. Bà Friedmann giải thích :

Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu 1,5 triệu đàn vi-ô-lông ra toàn thế giới. Đàn được làm ra nhanh hơn và rẻ hơn.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Trung Quốc là nhà sản xuất nhạc cụ hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu lên đến  77,8 triệu USD trong năm 2019, chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu. Về phần Ý, nước này đứng ở vị trí thứ năm, với 4,6% số lượng nhạc cụ xuất khẩu thế giới, sau Vương quốc Anh và Đức.

Khách hàng chính của Ý đến từ Nhật Bản và Hoa Kỳ. Những nghệ nhân làm đàn của Ý cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng giả. Một số nhạc cụ ghi  “made in Cremona” nhưng lại được sản xuất ở nơi khác với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Nguy cơ “mai một nghề chế tác đàn vĩ cầm”

Cũng như các nhóm ngành khác, nghề làm vĩ cầm thủ công cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của đại dịch. Năm 2020, vùng Lombardia của Ý là ổ dịch đầu tiên bùng phát tại Châu Âu.

Cremona là một lớp học tuyệt vời dành cho những bậc thầy về hòa nhạc, trường học cho các nhạc trưởng, tất nhiên vì là một trong những nghề “đứng đầu” chỉ huy cả dàn nhạc nên có rất ít giáo viên.  Không có nhiều sinh viên có thể tham gia khóa học và gặp mặt trực tiếp với rất nhiều nhạc trưởng khác nhau từ các dàn nhạc hàng đầu thế giới như ở đây.  Vì vậy tôi thấy điều này thật tuyệt với. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, các sinh viên quốc tế có cơ hội đến đây gặp gỡ những bộ óc sáng tạo khác từ Cremona, chẳng hạn như từ thế giới chế tạo đàn vĩ cầm.”

Một trong những ca tử vong đầu tiên của châu lục này xảy ra ở Cremona. Thời điểm đó,  Cremona trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất hành tinh, khi một phần ba của gần 70 000 dân bị nhiễm Covid-19.

Những hình ảnh thương tâm về bệnh viện quá tải, nhân viên y tế kiệt quệ do có quá nhiều ca nhiễm, nhà xác không còn chỗ để.

Các xưởng làm đàn vĩ cầm cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, các nghệ nhân không được phép đến làm tại xưởng trong suốt thời gian phong toả.

Điều này khiến Unesco lo ngại đến sự suy giảm  “tính liên tục của nghề ” và nguy cơ “mai một nghề làm đàn vĩ cầm” do quá trình “thầy truyền trò nối” bị gián đoạn trong một thời gian dài.

Những thách thức nhằm bảo vệ sự tiếp nối của nghề được đặt ra từ trước trở nên khó khăn hơn bởi đại dịch. Chính quyền địa phương kêu gọi cộng đồng di sản thế giới “giúp đỡ xác định các chiến lược tốt nhất để bảo vệ ngành làm vĩ cầm thủ công”.

Theo bà Virginia Villa, giám đốc bảo tàng vĩ cầm, Museo del Violino, việc lưu giữ những giá trị truyền thống của Cremona cần được quan tâm hơn nữa :

Luồng gió mới cho thành phố trung cổ

Hiện nay, Cremona đang dần quay trở lại quỹ đạo bình thường, cùng với việc xuất khẩu “âm nhạc”. Ý đã mở cửa lại với khách du lịch đã trích ngừa Covid-19 từ nhiều quốc gia. Cộng đồng vi-ô-lông của Cremona đang phục hồi nhờ sự trở lại của hội chợ âm nhạc vào tháng 9 năm 2021.

Thành phố vừa ra mắt công chúng yêu âm nhạc vào đầu tháng 10 năm 2021, Học viện dành riêng cho các nhạc cụ bộ dây, học viện ‘Stauffer Center for Strings’.

Giáo viên là các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, học viện đào tạo những người chơi vĩ cầm, viola, cello và bass tài năng. Một số sinh viên có năng khiếu ở học viện có thể được phép sử dụng các nhạc cụ được chế tác ở chính Cremona.

Francesca Dego là một trong những nghệ sỹ vi-ô-lông nổi tiếng nhất ở Ý,  cô đã tốt nghiệp tại Học viện âm nhạc Stauffer Foundation, thành lập cách đây 50 ở Cremona, là “công ty mẹ” của Học viện Staffer Center for String.

Theo Francesca Dego, không có nơi nào lý tưởng hơn để học và nghiên cứu về đàn vĩ cầm như ở Cremona

Sự xuất hiện của Học viện mới, đào tạo chuyên môn về nhạc cụ bộ dây ở Cremona, như là một luồng gió mới thổi vào thành phố trung cổ.

Điểm đến Cremona trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhạc sỹ và những người yêu vĩ cầm. Cremona có dây đàn của riêng mình để đánh lên những bản nhạc du dương.