Kích tiêu dùng online để phá băng kinh tế
Khuyến khích người dân mua hàng online trong giai đoạn dịch bệnh vừa giúp hạn chế lây nhiễm, vừa kích cầu, làm nóng thị trường, tạo cơ hội cho dòng tiền vận hành, không gây gián đoạn chuỗi sản xuất

Việc thúc đẩy tiêu dùng, kích thích nhu cầu mua sắm trực tuyến được đánh giá là một trong những điểm sáng giúp nền kinh tế mau chóng phục hồi trở lại, đưa các hoạt động kinh doanh – sản xuất sớm quay lại quỹ đạo.

Mua sắm online chữa “vết sẹo” Covid-19

Báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: Xu hướng 2021” mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng do hậu quả của đại dịch Covid-19, dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Việc chậm trễ trong phục hồi việc làm, sản xuất có nguy cơ để lại vết sẹo Covid-19 lâu dài cho nền kinh tế xã hội của các quốc gia.

Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO cảnh báo phục hồi từ đại dịch Covid-19 không chỉ là vấn đề về sức khỏe mà còn phải khắc phục cả những thiệt hại nặng nề mà đại dịch gây nên đối với các nền kinh tế và xã hội.

Nếu không có những nỗ lực trọng điểm nhằm đẩy nhanh quá trình tạo việc làm thỏa đáng và hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, khôi phục những lĩnh vực kinh kế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thì trong nhiều năm tới, chúng ta có thể sẽ vẫn còn phải gánh chịu những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch trên phương diện thiệt hại về tiềm năng con người cũng như tiềm năng kinh tế. Tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng sẽ gia tăng.

Thực tế, việc xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết để sống chung với dịch bệnh đang là nhiệm vụ cấp thiết của các nhà hoạch định chính sách. Từ những tỉnh, thành “vùng xanh” cho tới TP.HCM – địa phương hứng chịu mức độ sát thương lớn nhất từ dịch bệnh – đều đang gấp rút từng bước phá băng kinh tế.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá ưu tiên hàng đầu của các chính sách kích hoạt kinh tế hiện nay đều đang tập trung mở lại các hoạt động giao thương, sản xuất nhu yếu phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tuy vậy, có một lĩnh vực rất đáng để quan tâm, thúc đẩy đó là thương mại điện tử.

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại. Giai đoạn giãn cách xã hội là cú hích để các hoạt động mua sắm online, thanh toán không dùng tiền mặt tạo nên bước đột phá tại thị trường Việt Nam.

“Khuyến khích người dân mua hàng online trong giai đoạn dịch bệnh vừa giúp hạn chế lây nhiễm, vừa kích cầu, làm nóng thị trường, tạo cơ hội cho dòng tiền vận hành, không gây gián đoạn chuỗi sản xuất.”

“Đây là hoạt động xuyên biên giới, chỉ trên một trang web, người dân có thể tìm tất cả sản phẩm, kích thích tiêu dùng, tiết kiệm chi phí rất nhiều, tạo đà để phá băng, mở cửa kinh tế” – ông Long nói.

Dẫn mô hình tận dụng nền tảng công nghệ để hỗ trợ người dân “đi chợ hộ” mà các doanh nghiệp công nghệ như Grab, Be đang triển khai tại một số khu vực ở TP.HCM và Hà Nội, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông, đô thị TP.HCM cũng khẳng định tận dụng tối đa nền tảng công nghệ, huy động tối đa lực lượng shipper công nghệ, thúc đẩy các nền tảng mua sắm online là mô hình chủ lực mà TP.HCM cần áp dụng trong giai đoạn chung sống với dịch bệnh.

Đại diện Society Pass chia sẻ sự tin tưởng vào những giá trị cốt lõi mà Leflair đã xây dựng trong 5 năm qua tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục mang theo trong tương lai chính là động lực thúc đẩy Society Pass mua lại thương hiệu này

Doanh nghiệp chớp thời cơ, dồn dập khuyến mãi kích cầu

Trong khi các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất đang trầy trật tìm “liều doping” để vực dậy sau đại dịch, rất nhiều sàn thương mại điện tử đã nhanh chóng chớp thời cơ, mở rộng kinh doanh, tung loạt chương trình khuyến mãi siêu hấp dẫn để kích cầu.

Đơn cử, cuối quý 2, Society Pass chính thức thông báo quyền sở hữu thương hiệu Leflair và tên miền www.leflair.com – sàn thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu.

Nhà đầu tư này cũng thông báo, Leflair mới sẽ chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào quý 3 và sẽ mở rộng vào các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á năm 2022.

Đúng như kế hoạch, ngay từ những ngày đầu tiên của quý 3, website chính thức của Leflair được chính thức hoạt động.

Sàn giao dịch Leflair cũng được Sopa vận hành, mở bán với các chương trình Flash-Sale hấp dẫn vào lúc 8 giờ sáng hằng ngày, với các deal lớn đến từ hơn 500 thương hiệu, dự kiến duy trì trong suốt tháng đầu tiên mở bán.

Rất nhiều chương trình khuyến mãi lớn đến từ các dòng sản phẩm – thương hiệu hot như: Nước hoa Gucci, Giày Pierre Cardin, Túi Furla…

Trong giai đoạn beta chạy thử của nền tảng Leflair mới với sự quản lý của Sopa và sự kết nối với hệ sinh thái riêng của Sopa đã có được những kết quả tích cực và thỏa mãn nhà đầu tư.

Chỉ sau 2 tuần chính thức mở bán, nhận đơn đặt hàng, Leflair ghi nhận phản hồi ngoài mong đợi của đội ngũ vận hành. Mặc dù trong tình hình lockdown, giãn cách xã hội và giao nhận hàng hóa bị hạn chế, Leflair vẫn nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt từ các khách hàng cũ.

Trên trang mạng xã hội của Leflair ngày đầu tiên khi thông báo về sự quay trở lại – “Leflair is Back” đã có hơn 1.500 lượt thích và hàng trăm bình luận chào đón.

Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn lớn nhất là khâu giao nhận hàng hóa, Leflair đã hợp tác với TikiNow, tận dụng hệ thống kết nối giữa 2 bên cùng với đội ngũ giao nhận có kinh nghiệm của Tiki để đảm bảo cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.

Do có sự chuẩn bị chặt chẽ từ hệ thống vận hành và platform nền tảng nên hiện nay hệ thống Leflair đã rất ổn định, có thể đảm bảo hơn 10.000 lượt truy cập cùng một lúc mà không bị ảnh hưởng hay gián đoạn trải nghiệm mua sắm.

Bà Ngô Thị Châm – Giám đốc điều hành, đại diện Leflair tại Việt Nam chia sẻ việc thúc đẩy tiêu dùng không chỉ trở thành một trong những điểm sáng giúp nền kinh tế mau chóng phục hồi trở lại, đưa các hoạt động kinh doanh – sản xuất sớm quay lại quỹ đạo mà còn mang lại cơ hội việc làm cho xã hội.

Đơn cử, chỉ tính riêng tại Leflair, trong hơn 3 tháng qua, để có thể vận hành Leflair trở lại, Sopa đã tuyển dụng hơn 40 nhân sự cao cấp trong các mảng từ Commercial, Marketing đến Operations.

Hiện các vị trí mở trống vẫn đang được tuyển dụng và dự tính sẽ kéo dài đến hết năm cùng với sự tăng trưởng của nền tảng – platform, mang lại cơ hội v
Việc làm cho hàng trăm người mới, với các bộ phận khác nhau.

“Việc tìm ra giải pháp đưa nền kinh tế vận hành trở lại là điều cấp thiết. Hoạt động giao thương mua bán cần trở lại “bình thường mới” để giảm thiểu “vết sẹo” của Covid-19.”

“Các chương trình kích cầu thúc đẩy các mặt hàng tiêu dùng khác có thể là giải pháp đưa việc sản xuất của các ngành hàng quay trở lại, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm gánh nặng lên các gói an sinh quốc gia. Nền tảng số, kinh nghiệm vận hành logistics, thanh toán trực tuyến, cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh trong thời kỳ này” – vị này nhận định.

Theo Thanh Niên
https://m.thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kich-tieu-dung-online-de-pha-bang-kinh-te-1450256.html