Khởi nghiệp cũng dành cho người già

Minh Sơn

Ông Phạm Văn Tư, cán bộ hưu trí hiện ở xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là điển hình làm ăn kinh tế giỏi và hết lòng vì cộng đồng. Ba năm liền, ông được vinh danh- nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.

Nói đến khởi nghiệp thường ta nghĩ đến nhóm người trẻ. Và nếu những bạn trẻ có thể do dự trong việc bắt đầu công việc kinh doanh thì tinh thần khởi nghiệp ở nhóm trên 50 tuổi lại gia tăng đáng kể bởi kinh nghiệm, bản lĩnh của họ trước áp lực xã hội..

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề cập đến một vấn đề được coi là thiết thực khi đặt hàng Cục Bảo trợ xã hội  nghiên cứu vấn đề khởi nghiệp cho người cao tuổi. Bộ trưởng cho rằng, khi đối mặt với già hóa dân số, lực lượng lớn người cao tuổi nếu không biết tận dụng chất xám và năng lực của họ sẽ rất phí.

Ở góc độ nào đó, người cao tuổi là nguồn lực quý, là những “thư viện sống” trong nhiều lĩnh vực; luôn có nguyện vọng tiếp tục được làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

Điểm nổi bật của những người cao tuổi vẫn lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết của mình.

Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo không tới 20 năm nữa tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số. Thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới.

Qua đó, sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo đảm hạ tầng an sinh xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, và hiện còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc đặt hàng nghiên cứu vấn đề khởi nghiệp cho người già là thực sự nghiêm túc. “Đây là nói vấn đề chiến lược đấy. Câu chuyện này không phải nói cho vui, thực sự là tầm suy nghĩ dài, vì tuổi thọ con người ngày càng cao”, Bộ trưởng khẳng định.

Làm giàu thì không giới hạn về tuổi tác, người cao tuổi còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến, khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, gia đình, bản thân để phát triển kinh tế, đầu tư khá toàn diện trên các lĩnh vực công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Nhiều người cao tuổi đã trở thành doanh nhân giàu có, quản lý những doanh nghiệp lớn, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động an sinh xã hội.

Từ thực tế đó, không ít người cao tuổi khởi nghiệp và thành công, nhiều người cao tuổi vẫn hàng ngày cống hiến không mệt mỏi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, kể cả tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, là người có uy tín trong cộng đồng.

Thống kê của  Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.

Ý tưởng người già khởi nghiệp cho không phải là xa lạ, và nó được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, quan trong hơn, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe.

Nhật Bản là một trong những điển hình của khởi nghiệp ở người già, với việc những người ở độ tuổi nghỉ hưu bắt đầu cho công việc sản xuất, kinh doanh của mình và nhiều người trong số đó đã thành công.

Ở Nhật, người già vẫn lao động, làm việc bình thường, thậm chí, một số công việc được giới trẻ ở đất nước này nhường hẳn cho người già như lái taxi, hay một số công việc khác phù hợp ở cả nông trại, nhà máy đến văn phòng.

Ngay ở Việt Nam không ít những người già vẫn làm kinh tế giỏi, hàng năm có thu nhập tính đến hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tuy nhiên, xung quanh người già còn cần có sự trợ giúp của con cháu, nhưng “gừng càng già càng cay” với vốn tích lũy từ kinh nghiệm sống của mình dường như dễ thành công hơn.

Việc dấy lên phong trào khởi nghiệp với cao tuổi của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ là một làn song mới cho việc làm giàu, đóng góp chug vào sự phát triển kinh tế cảu đất nước.

Tuy nhiên để người cao tuổi tiếp tục phát huy năng lực của mình, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cần phải tạo thuận lợi cho người cao tuổi trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.

Trong suốt những năm qua, phong trào làm kinh tế giỏi đã được đông đảo người cao tuổi hưởng ứng, phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu, thu hút giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tạo sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực, khắp các vùng miền trong cả nước.