Lão Đại ươm mộng khoai lang vươn xa nhờ công nghệ số

Đức Lâm

Ông Nguyễn Trình với sản phẩm đầu tay ``Miến khoai lang``, được sản xuất từ chiếc máy do ông tự chế tạo nhờ học hỏi qua Youtube.

‘Tám Trình’ tên đầy đủ là Nguyễn Trình (54 tuổi) trồng khoai lang Lệ Cần tại xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, là ‘lão đại’ tại đất trồng khoai, đeo đuổi giấc mơ đưa thương hiệu ‘Lệ Cần Khoai’ thơm ngon, ngọt bùi, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe vươn xa ra khơi.

Lùi lại gần một thập kỷ về trước, ngày mới ôm hoài bão lên đất Tây Nguyên, tôi gặp lão nông Tám Trình nhưng khi ấy vai trò khác hoàn toàn một phóng viên bây giờ, bởi vậy mà mãi tới từng ấy thời gian tôi mới có lần đầu kể về ông.

“Đại gia khoai lang Tám Trình”, “Khoai lang Lệ Cần” không khó để được tìm kiếm trên các trang báo mạng, bởi câu chuyện về khoai lang Lệ Cần hay lão nông say đắm khoai lang Lệ Cần lâu nay trở thành đặc sản nổi tiếng của đất Gia Lai này.

Câu chuyện về giống khoai lang chỉ ngon khi trồng tại đất này, hay lão nông đổi đời từ luống khoai lang từ ông như một nguồn cảm hứng bất tận cho bất cứ người làm nông nào.

Nói thế bởi ngày tốt nghiệp, bôn ba khắp vùng Tây Nguyên, hoài bão xây dựng nông nghiệp nông thôn vững mạnh, tôi may mắn được tiếp xúc nhiều  nông dân, doanh nhân làm nông nghiệp, được nghe không thiếu những đôi lần nản trí trước thăng trầm thị trường, nhẹ thì thấy buồn lòng, thậm chí buông xuôi những “lão đại” khác.

Ông thì khác, từ những ngày đầu khi tôi đặt chân lên Tây Nguyên nhưng năm 2012, tôi được ông kể về giấc mơ cho khoai lang Lệ Cần, rất đỗi hoan hỉ, ánh mắt sáng quắc đầy nhiệt huyết, đầy lửa đam mê cho đến bây giờ vẫn chẳng có chút thay đổi.

Tới nhà ông vào ngày không hẹn trước, căn nhà lụp xụp tiếp tôi ngày nào nay thành “nhà di sản”, một căn nhà khang trang, bề thế “mới hoàn thiện” ngay phía sau khoảng sân nhà đủ thấy gia chủ phần nào thành công với mộng đời mình.

Vì vô tình tới mà không gặp được ông, nhưng khi nhắc chúng tôi tới để nghe về câu chuyện “Lệ Cần Khoai” thì lập tức được đề nghị ngồi yên chờ ông sẽ về ngay.

Một lát sau, vẫn ông nông dân da rám nắng, dáng gầy gầy, chân chất với một bộ râu dài ấn tượng bước vội qua bậc thêm nhà về phía chúng tôi, nhìn kỹ có khác chăng là thêm nhiều nếp nhăn trên mặt và bàn tay chai sạn, còn nhiệt huyết vẫn rực cháy như ngày đầu “khoai Lệ Cần giờ ngon có tiếng rồi” – ông chào.

Bốn thập kỷ chưa từng nghỉ trồng khoai lang Lệ Cần

Cũng bởi chỗ quen biết trước đây, tôi mở đầu câu hỏi: “Có lúc nào chú từng nản chí với khoai lang Lệ Cần chưa?; “Chưa một lần”, dù cả mười mấy lần hỏi thẳng thắn cũng như ngụ ý thì cả mười mấy lần ông đều trả lời duy một câu.

Cả cuộc đời ông gắn chặt với khoai lang Lệ Cần:“Tôi trồng giống khoai lang Lệ Cần từ năm 15 tuổi, từ cái ngày trồng chỉ có mấy sào để ăn, từ cái ngày phải cầm cuốc, lên luống bằng tay, rò từng luống khoai để trồng”.

Cho tới giờ ruộng trồng khoai rộng hơn 40 ha, sản lượng tới cả 250-270 tấn/1 vụ 4 tháng, xuất hiện tại một số tỉnh lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Chỉ có tình yêu mới có thể đủ lý do để chúng ta không bao giờ nản chí, chỉ có tình yêu mới có thể khiến con người ta dù gian nan, vất vả đến đâu vẫn cảm thấy hài lòng.

Bởi sự gắn bó với khoai lang lâu năm như vậy mà chẳng biết từ bao giờ ông được gắn với cái tên “Tám Trình -Trùm khoai lang Lệ Cần”, “Khoai Tám Trình”, “Trình Râu”… mà có lẽ nay xin gọi ông: “Lão đại Tám Trình – Lệ Cần Khoai”.

Tôi hỏi tiếp:“Động lực mạnh mẽ nào khiến ông giành cả cuộc đời để theo đuổi giấc mơ cho khoai lang Lệ Cần đến vậy?”. Trầm ngâm một khắc, hai tay chống lên bàn trà, hướng người về phía tôi, nở một nụ cười đầy mãn nguyện trả lời “Là vì tôi yêu khoai lang Lệ Cần chứ răng, yêu thì làm răng bỏ được”.

Quả đúng như lời ông nói, không phải vì yêu thì làm sao có thể gắn bó, không phải vì yêu thì làm sao có thể đeo đuổi không biết mệt mỏi trong bốn thập kỷ qua. Chỉ có tình yêu mới có thể đủ lý do để chúng ta không bao giờ nản chí, chỉ có tình yêu mới có thể khiến con người ta dù gian nan, vất vả đến đâu vẫn cảm thấy hài lòng.

Với tình yêu đó, ông đã làm việc không biết mệt mỏi, không năm nào ngừng trồng khoai trong suốt hơn 40 năm qua.

Lịch sử giống khoai Lệ Cần có lẽ nhắc lại từ thời thủa khai hoang, giống khoai được mang từ vùng Quảng Nam vào đây gieo trồng. Dần dà “Có thời điểm giống khoai lang Lệ Cần bị lẫn tạp bởi các giống khoai khác, từ khoai lang nhật có, khoai địa phương ruột vàng, ruột trắng có cả. Khó khăn lắm tôi mới trồng duy trì loại khoai lang giống Lệ Cần này”.

Mãi tới năm 2012, sau bao khó khăn trăn trở cùng nhau, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai phục tráng thành công giống khoai lang Lệ Cần thì ông và người dân nơi đây có cơ hội trồng tiếp giống chuẩn của khoai lang Lệ Cần hiện nay.

Việc trồng khoai lang với ông bây giờ không còn là chuyện chỉ để đủ ăn, hay chỉ để tạo kinh tế gia đình. Mà nó còn để giúp cho nhiều nông dân khác trong vùng tăng thêm thu nhập, có đầu ra ổn định trong thời cuộc giá cà phê, hồ tiêu và các nông sản khác bấp bênh như những năm gần đây.

Được mùa mất giá hay được giá mất mùa cứ tiếp diễn đối với nông dân Tây Nguyên nói riêng và nông dân cả nước nói chung, trở thành một nỗi trăn trở với tất cả các cấp ban ngành, lãnh đạo địa phương và cả chính ông.

Nhớ lại thời điểm khó khăn nhất, ông kể giọng đượm buồn: “Có năm, dọc hai bên đường Quốc lộ 19 đoạn qua xã Tân Bình, đâu đâu cũng thấy khoai lang chất đống hai bên đường”, giá thấp chỉ vài ngàn đồng, thậm chí không ai ngỏ ý mua.

Không ngồi chờ, tôi sốt sắng kêu gọi các thương lái trong vùng thu mua, bản thân tự chở khoai lang đi khắp các tỉnh để bán, nhưng một mình tôi khó có thể giải quyết được, vì sản lượng còn hơn cả 1000 tấn khoai nhưng không có đầu ra.

Những lúc như vậy tôi chỉ ước, giá như người nông dân trồng khoai như chúng tôi có được đầu ra ổn định thì sẽ không còn cảnh tượng, trồng ra được rồi nhưng phải chờ giải cứu giúp chúng tôi.”

Lão nông công nghệ

Vậy làm sao có đầu ra, “lão đại” mày mò lên internet, tìm thông tin để bán hàng qua Facebook, Zalo. Mặt khác, tìm cả cách chế biến các sản phẩm từ khoai lang, tự học hỏi qua YouTube để phát triển đầu ra.

Lão nông cầm cuốc gieo giống nay lướt mạng tìm được thông tin về máy sản xuất tinh bột, ông đặt liền một chiếc máy sản xuất tinh bột từ Trung Quốc qua mạng, đưa về thử nghiệm và làm thành công sản phẩm tinh bột khoai lang Lệ Cần.

Tiếp tục mày mò trên Internet, ông vô tình tìm được ý tưởng về máy làm miến trên Youtube, xem đi xem lại, ông lên kế hoạch đặt thợ cơ khí địa phương một chiếc máy do mình lên ý tưởng về nguyên lý hoạt động, cấu tạo của máy, vật liệu…

Ai cũng cười khi ông nói ý tưởng làm miến từ khoai lang

Nhớ lại khi đem sản phẩm khoai lang Lệ Cần củ tươi đi thi chương trình OCOP – chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2019, ý tưởng làm miến khoai lang đi thi chương trình khiến ai cũng bật cười.

“Họ nói tôi viển vông, bảo tôi là ảo tưởng, nhưng tôi thành công rồi, và càng không nản chí về điều đó”, và đây lại một lần nữa ông vô tình khẳng định mình chưa từng nản lòng với khoai lang Lệ Cần.

Ngày chiếc máy hoàn thành, ông bắt tay ngay vào thử làm miến từ khoai lang, thử đi thử lại không biết bao nhiêu lần, ngốn cả mấy tấn khoai mới thành công, mà ông kể như vỡ òa trong hạnh phúc.

“Tôi làm thành công miến khoai lang Lệ Cần với 100% tinh bột khoai lang, không hóa chất bảo quản mà những nơi khác làm chỉ có 15% tinh bột khoai lang mà thôi”, ông mừng đến rơi nước mắt.

Giấc mơ đưa thương hiệu Lệ Cần Khoai vươn xa

Hỏi về tương lai tiếp theo, ông nói tôi biết: “Năm 2019, ông đã tập hợp các nông hộ trồng khoai lang tại địa phương thành lập nên Hợp tác xã Nông Nghiệp và Dịch Vụ Tân Bình, do ông làm Giám đốc.

Những năm tới, dự định nhờ Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai tư vấn, hỗ trợ cho HTX hoàn chỉnh về quy trình sản xuất, định hướng trồng khoai lang theo hướng hữu cơ. Nhờ Sở Khoa Học Công Nghệ tỉnh Gia Lai tư vấn hoàn thiện hệ thống sản xuất sản phẩm sau chế biến từ khoai lang”.

Hiện tại, trú trọng sản xuất 6 sản phẩm từ khoai lang Lệ Cần trong đó có khoai lang tươi, tinh bột, miến, bánh, sữa và rượu khoai lang. Đồng thời hiệu chỉnh mẫu mã, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Dự định tham gia các buổi xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh do Sở Công Thương tỉnh Gia Lai triển khai, tổ chức.

Tiếp tới là xây dựng nhận diện thương hiệu qua không gian mạng, thông qua website, sử dụng website này bán hàng trên tất cả các nền tảng thương mại điện tử, tiến tới bán hàng xuyên biên giới.

Chắc hẳn, đọc đến đây sẽ có người cho rằng ông lại một lần nữa viển vông với ý tượng của mình, nhưng với tôi, tôi hiểu rằng ông đủ căn cứ để có thể thực hiện được giấc mơ đó,  giấc mơ mang thương hiệu “Lệ Cần Khoai” vươn xa, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 này.

Từ một lão nông chân chất, nay biết ứng dụng công nghệ vào công việc của mình, tự may mò mang lại thành công.

Ngồi nghe ông kể, về câu chuyện của ông với “Người tình Lệ Cần khoai’ câu nói mà tôi dùng để ví von bởi thấy niềm hứng khởi, đam mê trỗi dậy trong ông khi nhắc đến khoai lang Lệ Cần.

Sẵn xong nồi khoai, vừa thưởng thức món khoai lang luộc bùi bùi, ngọn ngọt mà nghe ông kể chuyện thì quả chưa từng có một loại khoai nào ngon hơn thế.

Chợt nhớ 2 câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu gửi tặng anh giáo Huế khi đến mảnh đất này: “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/ Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai”. Tiễn chúng tôi một đoạn ra về, ông vẫn vìn hẹn ngày gặp lại.

Có lẽ ngày tới gặp lại sẽ lại có bất ngờ mới từ lão nông trồng khoai và kỷ nguyên số.