Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn hoạt động thương mại điện tử

Nguyên Hoàng

Cần coi shipper như đang làm nhiệm vụ chống dịch. Ảnh minh họa/Facebook

Trước thực trạng các đơn hàng trên các sản thương mại điện tử bị ùn ứ, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc duy trì hoạt động thương mại điện tử hỗ trợ chống dịch Covid-19 và cuộc sống người dân.

Dẫn chiếu văn bản của cơ quan quản lý (Công văn 5582/BCT-TTTN- Bộ Công Thương) về lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg kiến nghị việc cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch, “VECOM ủng hộ kiến nghị của Bộ Công Thương và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp nhận”.

Trong thư kiến nghị do Phó chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng ký nêu rõ, việc vận hành tốt hoạt động thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng cho việc thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi đó, việc giãn cách xã hội ở mức cao và dài ngày như ở TP.HCM sẽ dẫn tới nhu cầu của người dân sẽ đa dạng, phức tạp hơn so với giãn cách dưới 15 ngày.

Thực hiện giãn cách cũng bộ lộ một một số nhận thức và và giải pháp quản lý thương mại điện tử chưa phù hợp. Trong thời điểm hiện nay, nhu cầu của cá nhân và các đơn vị, tổ chức không chỉ giới hạn ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc men mà rất đa dạng mới đáp ứng được hoạt động sinh sống, học tập và làm việc tại nhà và trực tuyến.

Theo các công ty, hiện nay các đơn hàng trên sàn thương mại điện tử đang bị ùn ứ, trì hoãn do không thể giao đến khách hàng. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng bị xếp vào danh sách “không thiết yếu” nên không được thực hiện nhưng lại rất cần thiết với người dân.

Điều này dẫn tới tình trạng tỉ lệ hoàn trả đơn hàng tăng cao đột biến, do người nhận bị cách ly hoặc do các biện pháp quản lí chưa hợp lí như việc quản lí hoạt động shipper. Các sàn thương mại điện tử cho biết việc hoàn trả đơn hàng tăng cao, không chỉ gây áp lực lên người bán, đơn vị vận chuyển cũng như gây mát niềm tin ở người dùng.

Theo VECOM, tính chất hoạt động của các sàn thương mại điện tử là nơi trung gian hỗ trợ người mua và người bán. Mỗi sàn có thể có hàng chục nghìn người bán và đông đảo người mua.

Với sự đa dạng như vậy nên tỉ lệ người mua và người bán nằm trên cùng một quận, huyện là không cao. Hơn nữa, mỗi chuyến người giao hàng có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau. Nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn hai địa điểm cùng một quận.

Từ thực tiễn đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hoá hoạt động của mình, qua đó cũng giúp các sàn thương mại điện tử phục vụ tốt hơn nhân dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tôn vinh đội ngũ giao hàng

Đặc biệt trong kiến nghị này, VECOM bày tỏ quan điểm, cần coi đội ngũ giao hàng có vai trò quan trọng thứ hai, sau đội ngũ y tế trực tiếp chăm sóc sức khoẻ.

Hoạt động thương mại điện tử tuy hoạt động trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hóa hữu hình không thể tách rời đội ngũ giao hàng mà nhiều người vẫn quen gọi là shipper. Do chưa đánh giá đầy đủ về vai trò của đội ngũ này thời gian qua dẫn đến tâm lý của người giao hang và doanh nghiệp quản lý họ

“Trong khi đa số người dân ở nhà, thì họ (shipper) phải di chuyển liên tục và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều đơn vị”-VECOM chỉ rõ.

VECOM kiến nghị cần đánh giá đúng vai trò của đội ngũ giao hàng, coi shipper như đang làm nhiệm vụ chống dịch, đồng thời ưu tiên việc tiêm vac-xin phòng COVID-19 cho những người làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa này.

Đồng thời tôn vinh những người giao hàng dũng cảm, tuân thủ pháp luật và giúp đõ nhiều khách hàng ổn định cuộc sống.

Theo Phó chủ tịch VECOM, những kiến nghị trên nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận tiện hơn, nhất là đối với lĩnh vực thương mại điện tử như hiện nay.