Hướng dương Nhật nở trên đất Tổ

Trung Nguyên – Quốc Huy

Anh Nguyễn Mạnh Điệp, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại quốc tế Himawari, một trong những công ty du học Nhât Bản đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ

“Himawari trong tiếng Việt có nghĩa là hoa hướng dương, và đó cũng là nơi đầu tiên tôi đặt chân tới đất nước Nhật Bản, là nơi cho tôi nhuệ khí, cho tôi công việc, cho tôi sự nghiệp, và cho tôi gia đình”.

Đây là chia sẻ của anh Nguyễn Mạnh Điệp, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại quốc tế Himawari, một trong những công ty du học Nhât Bản đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ.

“Phải nói là nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Bây giờ nó là nghiệp của tôi, là sự nghiệp tôi xây dựng cho tương lai thế hệ sau này”.

Ngược về tuổi thơ, anh Điệp kể, gia đình bốn người, hiện anh là người đàn ông duy nhất sau khi không may bố qua đời sớm, một mình mẹ nuôi hai chị em anh khôn lớn.

“Nếu bố còn sống thì chắc con đường của tôi sẽ khác. Cụ mất năm nay là 37 năm, khi đang còn là giảng viên của Trường Chính trị Quân sự Bắc Ninh, ở Hà Bắc cũ rất có tiếng. Nhưng đó là chuyện nếu…”.

Đối với anh, không có chữ nếu ấy lại trở thành động lực cho anh bây giờ, cuộc sống dẫu có vất vả, anh cũng tự đứng bằng đôi chân của mình.

Đã từng sinh sống ở Đức, mẹ anh luôn muốn con cái đi ra nước ngoài để mở mang học hỏi.

Đầu thập niên 2000, vào tuổi trưởng thành, mẹ anh quyết định đưa anh sang Nhật Bản tu nghiệp.

Năm 2004, tôi sang Nhật học lấy cái văn hóa Nhật Bản, những bước đi đầu tiên là những sự khó khăn, và nỗi nhớ nhà, anh kể.

“Bố mất sớm còn mỗi mẹ thôi nên rất nhớ nhà, điều kiện kinh tế gia đình cũng khó khăn nên mình phải cố gắng hết sức mình, vừa học vừa làm để hỗ trợ kinh tế cho gia đình”.

Bông hoa lẻ loi trên đất khách

19 tuổi, còn rất trẻ phải tự thân bươn trải nơi đất khách quê người, cảm giác đơn độc bủa vây, dù có muốn cũng không ai giúp. Chính khi đó Điệp đã biết xác định phải tự lập vững vàng.

Ngày mới sang Nhật, sáng phải dậy sớm đến sân golf làm việc, lắm hôm tuyết bay trắng trời vẫn phải đi bình thường. Vừa bước vào đời đã phải xa nhà, cậu trai trẻ chưa nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình. “Cứ mỗi khi chiều về là khóc. Vừa đi trên đường tuyết một mình, vừa rớm nước mắt”, Điệp kể lại mà đôi mắt lại rưng rưng.

Như bông hoa lẻ loi, mong manh trên quê người nhưng đấy lại là thời gian ươm mầm cho sự trưởng thành, để rồi giúp đỡ và dẫn dắt những người khác sau này.

Một thử thách nữa là áp lực gia đình, nó đôi khi là động lực nhưng cũng là gánh nặng vô hình với bất kỳ ai. Anh là con thứ hai trong gia đình có hai chị em. “ Tớ vừa là con út nhưng cũng là con trưởng, cháu đích tôn trong dòng họ, nên đến bây giờ mình vẫn còn cảm thấy áp lực”, anh tâm sự.

Đương thời bố anh là người rất giỏi, điều này cũng vô hình khiến đặt lên anh một áp lực càng phải cố gắng rất nhiều để làm điều gì đó cho gia đình, cho dòng họ.

Kết thúc học kỳ sau bốn năm nơi đất khách quê người, anh trở về Việt Nam và làm cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở tỉnh Phú Thọ. Thời gian kế tiếp, anh hỗ trợ chị gái trong kinh doanh.

Điều đáng kể nhất trong câu chuyện kinh doanh ấy là tư duy bắt đầu thành lập Himawari của anh. Hai năm 2009 – 2010, ngoài thời gian hỗ trợ cho chị gái, anh bắt đầu học thêm kiến thức về kinh tế. Khi đó anh nghĩ “ mình có ngoại ngữ là tiếng Nhật lại chuyển sang đi bán hàng, làm thương mại”.

“Kinh doanh truyền thống thì phải có quá trình, phải bắt đầu từ việc đi buôn bán nhỏ lẻ, khắp nơi. Quá trình ấy có rất nhiều khó khăn, trong khi việc mình có cái mạnh nhất là tiếng Nhật và từng ở Nhật, tại sao mình không tận dụng thế mạnh ấy”, anh nói.

Ươm mầm khởi nghiệp

Kết quả của tư duy đó, nửa cuối năm 2011, Himawari xuất hiện là một công ty tư vấn du học, kỹ sư, xuất khẩu lao động Nhật Bản do anh lãnh đạo.

Himawari ra đời cũng giải quyết câu chuyện tưởng chừng đơn giản khi đó, nhiều người ở Phú Thọ có nhu cầu đi du học Nhật Bản nhưng không có bất cứ doanh nghiệp nào trên địa bàn, họ phải về tận Hà Nội để tìm.

Khóa học sinh được Himawari đưa đi du học Nhật Bản năm 2019

Sang Nhật học và làm là mong muốn của nhiều người dân nơi đây, công ty mở ở Phú Thọ sẽ cung cấp ngay dịch vụ tư vấn tại chỗ, đỡ vất vả cho người lao động. Chưa cần biết khả năng thành công là bao nhiêu, cứ mở ra đã, cứ có khách hàng là anh sẽ tư vấn miễn sao để người ta có thể đi Nhật được.

Khởi nghiệp dù từ đam mê nhưng chưa bao giờ là điều dễ dàng. “Khó khăn khi lập nghiệp là không nhận được sự ủng hộ từ người thân. Đầu tiên là mẹ và gia đình phản đối vì sợ mình thất bại. Làm cái gì ban đầu cũng rất khó, nhưng có một cái lúc đó là tôi có nhiệt huyết tuổi trẻ và cái thứ hai, cũng muốn tự khẳng định mình”, anh nói.

Những ngày đầu tiên, trụ sở của Himawari ở một căn nhà nhưng không phải ở tầng một mà phải đóng quân ở tầng hai.

Sáu năm vào ra với nó, tới giữa năm 2018 với thành quả đạt được, trụ sở mới chuyển về đây, nơi đang tiếp chúng tôi.

Nhớ lại lần “chiêu sinh” đầu tiên, Điệp kể, có nhõn hai học sinh. Mấy tháng sau có thêm ba người, nửa năm sau con số đó tăng lên 14.  Nhưng thành quả anh gieo bắt đầu gặt hái, 25 học sinh xuất cảnh trong tổng số 170 học sinh anh đào tạo. Đó là đận đầu năm 2013.

Dần dần Himawari thu hút nhiều người hơn, không chỉ ở Việt Trì mà cả Vĩnh Phúc hay Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí là Quảng bình, Quảng Trị…

“Ba người đầu tiên là người thân của anh em bạn bè, mình biết môi trường ở Nhật tốt nên vận động họ đi. Sau này có những gia đình bản thân họ cũng có bạn bè đi qua công ty khác rồi, nhưng đến khi mình tư vấn thì cũng chỉ lựa chọn Himawari để đi. Tức là các bạn ấy gần như là đặt niềm tin vào đây”, anh tự hào kể.

Bằng chính cuộc sống ở Nhật, bằng các mối quan hệ là các bạn ở Nhật, anh tạo dựng được niềm tin với những người ở Việt Nam, có cho mình những thế hệ học sinh đầu tiên.

Thuở ấy, không cần biết người ta có đi hay không, miễn làm sao là cứ có ai có nguyện vọng được tư vấn anh sẽ đến tận nơi, vào tận nhà tư vấn.

Dĩ nhiên, có những lúc gặp chục người, tư vấn không được người nào. Điệp còn mò đến các trường trung học nhưng phải tự liên hệ. Đầu tiên là tư vấn cho các em, sau đó là gia đình của các em.

Những câu chuyện anh kể chính là trải nghiệp thực tế. Những câu chuyện mà anh có được khi sống ở Nhật, nó như thế nào và ra làm sao, rồi đến Nhật học cái gì và làm cái gì đã tạo niềm tin cho mọi người.

Lúc đó Việt Trì chỉ có một mình Himawari là có giáo viên dạy tiếng Nhật, rồi các hình thức quảng cáo dẫn đường tới nhiều khách hàng cho sự thành công bây giờ, trung bình mỗi năm có 80 -100 học sinh được tới Nhật du học.

Duyên phận hướng dương

Himawari hay hoa hương dương, nhớ lại không chỉ là nơi đầu tiên anh đặt chân đến Nhật Bản, đó còn là địa danh gắn với kỷ niệm quan trọng của một đời người, nơi anh tìm thấy nửa còn lại của mình, vợ anh bây giờ.

Vững vàng sau gần chục năm, “thời điểm nhiều học sinh nhất là những năm 2013 – 2014, khi nhiều người tin thì niềm tin quay trở lại với mẹ. Dẫu thế “đôi lúc mẹ tôi vẫn nói, 40 tuổi vẫn chưa phải là chín chắn, tất cả những gì con làm được chỉ là trước mắt”.

Từ những năm tháng đầu tiên ấy so với bây giờ mọi thứ thay đổi rất nhiều. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ tới khả năng chia sẻ và tiếp cận thông tin của mọi người.

“Nhiều người sử dụng 4.0 theo cách khác nhau, thông tin đúng thì không sao, nhưng có rất nhiều công ty sử dụng những thông tin sai lệch nó sẽ rất ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đưa thông tin chính thống”.

Những trải nghiệm đời thực tại đất nước mặt trời mọc của anh là vốn anh tự hào thì nay có những người dựa vào công nghệ dù chưa từng đặt chân đến, không biết thực tế ra sao nhưng vẫn cứ đưa những thông tin màu hồng hoặc không đúng để tư vấn cho các bạn học sinh.

Khó khăn nhất của doanh nghiệp là những người đồng hành không hiểu được nhau trong cách điều hành, thậm chí ai cũng muốn làm lãnh đạo.

Rồi có những thời điểm phải làm việc đêm hôm đến 2h – 3h sáng bởi sự chênh lệch múi giờ, phải làm sao để buổi sáng kịp nộp hồ sơ xong cho các bạn học sinh. Có những thời điểm, “nói thực sự là lo chảy nước mắt”, anh nói.

Để nhân viên làm tới đêm không dễ dàng, nhiều nhân viên cũng chỉ có thể đi làm tới 10h đêm, họ bỏ về, họ còn lo cho gia đình, lo cho con cái cũng không trách được.

Bản thân mình cũng có con, phải ở nhà một mình vì mẹ đang ở bên Nhật. Nhưng mọi người bỏ về, sáng mai bên Nhật người ta yêu cầu thì người thiệt thòi nhất là học sinh. Là người lãnh đạo anh chỉ biết chia sẻ với nhân viên điều đó để mọi người cùng chung tay xây dựng.

Nhắc lại câu chuyện mở đầu “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề” nhưng đối với lĩnh vực này phải có tâm trước đã.

Quan trọng nhất là định hướng và xây dựng kế hoạch, mỗi lĩnh vực đều có quy trình, nếu mình bỏ qua những bước đó thì không thể thành công mà chỉ mang tính chộp giật.

“Thế nên những người muốn làm nghề này, cái đầu tiên phải có đạo đức nghề nghiệp”, anh nhắc lại.

Con đường tới Nhật Bản có rất nhiều, nhiều người lựa chọn xuất khẩu lao động bởi sự đơn giản và đặc biệt là chi phí thấp. Anh lại không đồng tình với điều này. “Mình thấy các bạn bây giờ còn rất trẻ, nếu đi xuất khẩu chỉ được vài năm, sau đó phải loay hoay tìm công việc mới rất khó khăn. Còn du học lại khác, các bạn có thể vừa học vừa làm, rồi chuẩn bị hành trang cho cuộc đời xa hơn”.

“Nếu có thể làm gì mà chưa ai làm thì ta sẽ gặt hái kết quả, còn làm cái mà người khác đang làm thì phải làm tốt hơn họ”. Điệp khuyên các bạn trẻ nhưng có vẻ cũng là cho chính mình.

“Đây là thời điểm mà các bạn trẻ có cơ hội tạo ra sự sáng tạo riêng, những phát minh riêng cho mình, bởi các bạn rất giỏi, vậy thì cứ theo đuổi, hãy cứ làm bằng nhiệt huyết của mình các bạn sẽ thành công”.