Hướng đến một nửa doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số

Nguyên Hoàng

Kinh tế số được hy vọng tác động mạnh đến phát triển ở Việt Nam, con số dự báo đưa ra là 162 tỷ đô la đóng góp vào GDP trong 20 năm. Trong bước tiến đó, doanh nghiệp được xem là trung tâm.

Đây là thông tin đáng chú ý trong phiên thảo luận với chuyên đề “Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra sáng 2/5, trong chuỗi các hội thảo của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vũ Đại Thắng, dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Kinh tế số liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng vẫn theo Thứ trưởng Thắng, doanh nghiệp sẽ là trung tâm. Bởi thế, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số cũng như tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cũng đã chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này.

Trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số cũng đang khẩn trương thực hiện.

“Các chính sách này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn”, Thứ trưởng Thắng nói.

Trong khi đó, đề án về chuyển đổi số quốc gia được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Thành Hưng, như dự thảo lần một của đề án, phạm vi chuyển đổi số có ba lĩnh vực chính là với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội.

Dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số.

Phía cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý là trên môi trường số hoá.

Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Phó viện trưởng Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phan Đức Hiếu hiến kế, môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất.

Còn xuất phát nhanh hay chậm, vẫn theo ông Hiếu, “Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn”

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel cho biết hiện viễn thông gồm hạ tầng vật lý và phi vật lý. Việc đầu tư hạ tầng vật lý chắc chắn sẽ lớn, đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội.

Trước đây phần hạ tầng này chủ yếu do doanh nghiệp viễn thông triển khai nhưng hiện nay các dự án chung cư, khu công nghiệp các chủ đầu tư đều tham gia thực hiện. Điều này là hợp lý, vấn đề chỉ ở chỗ phải có những quy chuẩn để đảm bảo hạ tầng có sự đồng bộ.

Những với mục tiêu phát triển hạ tầng phi vật lý, ông Dũng cho rằng, nếu quá chú trọng pháp lý sẽ dễ làm chậm tiến độ. Bởi thế, xây dựng pháp lý nên theo nguyên tắc cơ bản là làm sao để tạo ra nhiều tự do, sáng tạo.

Xây dụng hạ tầng văn hoá cũng là một vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số. Văn hoá ở đây là chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro, thất bại là điều kiện quan trọng để đưa ra, phát triển những ý tưởng mới.

Cuối cùng vẫn theo ông Dũng, Nhà nước cũng nên mạnh dạn xã hội hoá dịch vụ công, hạ tầng số sao cho cung cấp tới mọi người với chi phí rẻ. Chẳng hạn trong khi doanh nghiệp phải chi phí cho dịch vụ chữ ký số, với người dân có thể miễn phí để phổ cập nhanh hơn và rộng hơn.